THẾ GIỚI 24H: Châu Âu triệu tập họp khẩn về vấn đề tị nạn

THẾ GIỚI 24H: Châu Âu triệu tập họp khẩn về vấn đề tị nạn
TPO - Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Jean-Claude Juncker sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn vào ngày 24/6 tới để tìm giải pháp cụ thể cho vấn đề người tị nạn. 

Trước các diễn biến đang cực kỳ căng thẳng tại nhiều quốc gia thành viên Liên minh châu Âu liên quan đến vấn đề người tị nạn, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, ông Jean-Claude Juncker đã ra thông báo sẽ triệu tập một cuộc họp khẩn vào ngày Chủ nhật, 24/6 tới với các quốc gia có liên quan để tìm kiếm các giải pháp cụ thể. Trong cuộc họp này, các nhà lãnh đạo các nước sẽ bàn giải pháp cụ thể, trong đó có các chủ đề đặc biệt quan trọng là tăng quân số cho lực lượng cảnh sát biên giới Frontex lên 10.000 người như đề xuất của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, thay vì 1.500 người như hiện nay. Đồng thời thống nhất kế hoạch xây dựng các trại tị nạn ngoài biên giới châu Âu để sàng lọc người tị nạn.


Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20/6 đã ký một sắc lệnh hành pháp nhằm để cho thành viên của các gia đình nhập cư có thể ở cùng nhau tại biên giới với Mexico, trong bối cảnh sự phản đối tăng cao đối với chính sách của Mỹ chia cắt con cái khỏi cha mẹ. Trước đó cùng ngày, Tổng thống Trump lưu ý rằng ông hy vọng việc ký sắc lệnh này sẽ diễn ra song song với việc dự thảo luật về vấn đề nhập cư sẽ được Quốc hội thông qua.  Hạ viện Mỹ dự kiến sẽ xem xét một dự luật về vấn đề này vào ngày 21/6.


Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton ngày 20/6 nói rằng Triều Tiên cần triển khai động thái đầu tiên nhằm dỡ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của nước này trước khi trông chờ vào bất cứ sự nới lỏng trừng phạt nào từ phía Mỹ. Phát biểu với hãng tin Fox News trong một cuộc phỏng vấn, ông Bolton nêu rõ: "Triều Tiên đã nói rằng họ muốn phi hạt nhân hóa hoàn toàn và điều cần làm hiện nay là thảo luận về cách thức để đạt được điều đó." Theo ông Bolton, các cam kết ngoại giao sẽ được tiến hành rất nhanh. Ông nhấn mạnh, nếu Triều Tiên nghiêm túc thì họ chắc hẳn cũng muốn hành động nhanh chóng nhằm đạt được cam kết phi hạt nhân hóa.


Saudi Arabia và Nga đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục một số nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới tăng sản lượng dầu trước thềm cuộc họp OPEC vào ngày 22/6 tới. Đây  được cho là một trong những cuộc họp gây nhiều tranh cãi nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak tiết lộ rằng, OPEC và các nhà sản xuất ngoài khối này sẽ xem xét tăng sản lượng thêm 1,5 triệu thùng/ngày để bù đắp cho sự sụt giảm nguồn cung từ Venezuela và Iran theo dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Trong khi đó, Saudi Arabia dường như chỉ muốn tăng sản lượng khoảng từ 500.000 - 600.000 thùng/ngày.


Trong tuyên bố mới nhất, Thủ tướng Anh Theresa May đã lên án chính sách nhập cư "không dung thứ" của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, khi hàng trăm đứa trẻ bị cách ly khỏi gia đình và giam giữ trong “lồng sắt”. Bà May cho rằng chính sách đó là “sai lầm”. “Hình ảnh những đứa trẻ bị giam giữ trong lồng sắt thực sự rất khó chịu. Điều này là sai lầm. Đây không phải là điều mà chúng tôi ủng hộ. Đây không phải là cách tiếp cận của Anh”, Thủ tướng May bức xúc.


Cùng với sự trở lại cầm quyền của Thủ tướng Mahahir Mohamad,chính sách ngoại giao của Malaysia dự kiến sẽ có sự điều chỉnh. Chính phủ của PH sẽ tiếp tục giữ quan hệ hữu hảo với Trung Quốc, nhưng sẽ không thân với Trung Quốc như dưới thời Najib và cũng không ra sức thu hút đầu tư từ Trung Quốc. Phương thức quan hệ với Trung Quốc dự kiến cũng sẽ thay đổi. Trong khi đó, quan hệ giữa Malaysia và Nhật Bản sẽ trở nên mật thiết hơn so với thời chính phủ tiền nhiệm.


Ngày 20/6, trang mạng Zaman Al Wasl (Syria) đưa tin, chính quyền Syria đã tăng cường các cuộc tấn công ở phía Tây Nam khiến nước làng giềng Jordan quan ngại. Theo các nguồn tin từ phe đối lập, quân đội Syria đã tăng cường nã pháo vào các khu vực do lực lượng đối lập kiểm soát thuộc Tây Nam nước này. Quân đội Syria đã phát động chiến dịch nhằm giành lại khu vực giáp biên giới Jordan và Cao nguyên Golan này. Nguồn tin trên cho hay, bạo lực đã nổ ra ở thị trấn biên giới Kafr Shams, gần Cao nguyên Golan và thị trấn Busra al-Harir, vốn đã hứng chịu hàng chục quả đạn cối từ các cứ điểm quân sự gần đó.


Sau khi Mỹ tuyên bố rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) hôm thứ Ba (19/6), Nga đã bày tỏ mong muốn quay trở lại cơ quan này. Trước đó, trong buổi họp báo chung với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley chỉ trích Hội đồng là “đạo đức giả và tự phục vụ mình”, còn ông Pompeo gọi đó là “một sự bảo vệ cho nhân quyền nghèo nàn”. Phó Tổng thống Mike Pence cũng viết trên Twitter rằng, Hội đồng Nhân quyền có dính dáng đến những chiến dịch công kích bài Mỹ và bài Israel, đồng thời khẳng định “những ngày tham gia của Mỹ đã kết thúc”. “Mỹ đã cố tình lờ đi thực tế này trong nỗ lực biến Hội đồng Nhân quyền thành một công cụ để phát triển riêng lợi ích của họ,” Phái đoàn Nga tại LHQ tuyên bố trên Twitter.


Trong thông báo đưa ra trước báo giới trong ngày 20/6, ông Holger Munch, người đứng đầu lực lượng cảnh sát tư pháp Đức khẳng định, cảnh sát nước này vừa phá tan một âm mưu khủng bố lớn bằng chất độc vào tuần trước. Cụ thể, hôm 12/6 vừa qua, cảnh sát Đức đã bắt giữ một người đàn ông quốc tịch Tunisia 29 tuổi tên là Seif Allah H tại thành phố Cologne và thu giữ tại nhà tên này rất nhiều chất độc ricin cùng các dụng cụ có thể được dùng để chế tạo bom. Trong thời gian gần đây, nguy cơ khủng bố tại Đức đã tăng lên gần ngang với các nước như Pháp hay Bỉ và theo các quan chức Đức, hiện có khoảng 770 phần tử bị liệt vào dạng nguy hiểm và đang bị giám sát chặt chẽ bởi lực lượng an ninh Đức.


Hôm qua (20/6), ít nhất 4 nhân viên an ninh bị thiệt mạng trong một vụ đánh bom liều chết tại thành phố Derna, Libya. Theo người phát ngôn Quân đội Quốc gia Libya (LNA), kẻ đánh bom liều chết  chứa chất nổ trong chiếc xe ô tô 4 chỗ. Tên này đã vẫy cờ trắng khi lái xe tiếp cận những binh sỹ quân đội, sau đó đã kích hoạt quả bom. Hiện chưa có tổ chức nào nhận trách nhiệm vụ đánh bom.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG