THẾ GIỚI 24H: Dự thảo ủng hộ Tuyên bố Panmunjeom không được thông qua

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjeom ngày 27/4. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại cuộc gặp ở làng đình chiến Panmunjeom ngày 27/4. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)
TPO - Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc đưa tin ngày 28/5, Quốc hội Hàn Quốc đã không thông qua được dự thảo nghị quyết ủng hộ Tuyên bố Panmunjeom, vốn được lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí trong hội nghị thượng đỉnh liên Triều ngày 27/4.

Kế hoạch thông qua dự thảo này bị đổ vỡ do vấp phải sự phản đối của đảng Hàn Quốc Tự do đối lập, với lập luận rằng cần phải làm rõ nội dung phi hạt nhân hóa Triều Tiên trong dự thảo. Đảng Hàn Quốc tự do đối lập muốn dự thảo phải nêu rõ điều kiện Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân "hoàn toàn, có kiểm chứng và không thể đảo ngược." Các nghị sĩ Quốc hội cho rằng dự thảo này phải mang tính chất thể hiện sự ủng hộ của chính giới nói chung đối với Tuyên bố Panmunjeom, nên việc thông qua dự thảo trong khi vẫn còn những bất đồng là không hợp lý, cuối cùng đã quyết định không thông qua dự thảo.


Tổng thống Ý Sergio Mattarella yêu cầu cựu giám đốc các vấn đề tài chính tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ông Carlo Cottarelli, làm thủ tướng lâm thời hôm 28-5. Dù vậy, đài CNN nhận định vị thủ tướng tạm thời này ít khả năng trụ được lâu dài và đất nước hình chiếc ủng xem ra khó tránh một cuộc bầu cử mới vào mùa thu tới. Hồi giữa tuần rồi, ông Giuseppe Conte, từ bỏ nỗ lực thành lập chính phủ. Nguyên nhân do Tổng thống Mattarella không tán thành đề xuất của ông Conte về việc chọn ông Paolo Savona làm bộ trưởng tài chính. Tổng thống Mattarella e ngại bổ nhiệm ông Conte sẽ khiến giới đầu tư lo lắng và gây nguy hiểm cho món nợ công chưa trả của Ý.


Ngày 28/5, Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran (AEOI) cho biết sẽ tiếp tục sản xuất nước nặng và bán số lượng dư ra. Người phát ngôn AEOI, ông Behrouz Kamalvandi nêu rõ: "Chúng tôi đã bán phần nước nặng dư thừa. Chúng tôi có những khách hàng thích hợp", đồng thời chỉ trích việc Washington tìm cách ngăn cản các nước mua bán nước nặng của Tehran. Theo thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, Iran chỉ được giữ 130 tấn nước nặng và phải bán phần còn lại cho các quốc gia khác. Ông Kamalavandi nhấn mạnh thị trường nước nặng thế giới rất quan trọng với Iran bất kể thỏa thuận hạt nhân có tồn tại hay không.


Ngày 28-5, quân đội Libya có trụ sở ở miền Đông đã nâng mức cảnh báo an ninh cao nhất tại các mỏ dầu và cảng dầu. Đồng thời, lực lượng vũ trang tại các cảng dầu trong tư thế sẵn sàng đẩy lùi mọi cuộc tấn công khủng bố tại các khu vực chứa dầu này. Bất chấp thỏa thuận đạt được năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực và tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại Tripoli do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo và một chính quyền đối lập của Tướng Khalifa Haftar tại miền Đông.


Nếu các cường quốc khác không can thiệp, có nguy cơ Trung Quốc áp đặt trật tự theo kiểu bá chủ phi tự do tại khu vực Khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương đang thay đổi  nhanh chóng về mặt an ninh. Ngoài việc tập trung nhiều nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, nơi đây còn là khu vực có chi tiêu quân sự, tiềm lực hải quân phát triển nhanh nhất. Thêm vào đó, không thể không nhắc đến sự cạnh tranh gay gắt về các nguồn tài nguyên thiên nhiên cũng như vị trí chiến lược. Vì vậy, gọi Ấn Độ - Thái Bình Dương là nơi nắm giữ chìa khóa an ninh toàn cầu không phải là điều khó hiểu.


Bộ Ngoại giao Iran cho biết Trung Quốc sẽ đón tiếp Tổng thống Iran Hassan Rouhani vào tháng tới trong một hội nghị thượng đỉnh khu vực nhằm ngăn chặn sự gián đoạn việc thực hiện các dự án chung. Thông báo này đưa ra trong bối cảnh các cường quốc lớn, bao gồm Anh, Pháp, Đức… đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ rút khỏi. “Hy vọng của chúng tôi là Trung Quốc và Iran sẽ có những tham vấn chặt chẽ trên cơ sở quan sát thỏa thuận và thúc đẩy phát triển hợp tác song phương” - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhang Hanhui nói. Vị này nhấn mạnh: “Chúng ta nên cùng nhau xem xét giải pháp tránh sự gián đoạn các dự án lớn giữa hai bên”.


Việc Tổng thống Sergio Mattarella từ chối đề cử ông Paolo Savona giữ chức Bộ trưởng tài chính đã khiến Chính phủ liên minh không được thành lập, và ông đang đối mặt với nguy cơ bị luận tội. Trong bối cảnh khủng hoảng chính trị tại Italy, ông Luigi Di Maio, lãnh đạo đảng Phong trào Five Star (M5S) cho biết các hành động của Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã gây ra một "cuộc khủng hoảng thể chế". Ông Mattarella đã không chấp thuận việc đề cử ông Paolo Savona giữ chức Bộ trưởng tài chính theo đề nghị của Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. Lý do ông bác bỏ việc đề cử ông Savona là do ứng viên này trước đây đã đe dọa sẽ rút Italy khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).


Cho đến nay, đã có khoảng 9 triệu người Ukraine rời khỏi tổ quốc đến các nước như Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Canada và Mỹ. "Nạn chảy máu" dân số ở độ tuổi lao động từ Ukraine sẽ vượt qua quy mô thảm kịch quốc gia đối với đất nước. Đây là tuyên bố của tướng quân đội, cựu Giám đốc Cơ quan tình báo ngoại quốc Ukraine SVR Nikolai Malomuzh phát biểu trên kênh truyền hình NewsOne. Ông Malomuzh nhấn mạnh rằng chính bộ phận cư dân "năng động và trí tuệ" đang rời khỏi đất nước. Theo ông, cho đến nay khoảng 9 triệu người Ukraine đã rời tổ quốc đến các nước như Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga, Canada và Mỹ."Đây là một thảm kịch quốc gia rất lớn và tính toán sai lầm chiến lược của chúng ta", tướng Malomuzh nói.


Thụy Điển thông qua điều luật mới, quy định việc "quan hệ" mà không có sự đồng ý bằng lời nghĩa là hãm hiếp, dù có thể không dùng đến vũ lực hay đe dọa. Theo Daily Mail, điều luật mới có nghĩa là người dân nước này khi quan hệ tình dục phải có ngôn từ hoặc lời nói rõ ràng. Im lặng không còn được coi là “đồng ý”. Điều luật mới sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1.7, sau khi các nhà lập pháp Thụy Điển thông qua với 257 phiếu thuận, 38 phiếu chống.


Đảng cầm quyền và các đảng đối lập của Pakistan ngày 28/5 thông báo bổ nhiệm cựu Chánh án tòa án tối cao của nước này làm thủ tướng lâm thời. Theo AFP, việc chọn ông Nasir ul Mulk diễn ra ít ngày sau khi tổng thống Pakistan thông báo tổng tuyển cử của nước này sẽ diễn ra vào ngày 25/7 tới. Chính phủ đương nhiệm của Pakistan sẽ kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 31/5 và quyền lực sẽ được chuyển giao cho chính phủ tạm quyền sau đó. Thủ tướng tạm quyền sẽ điều hành đất nước trong thời gian chờ chính phủ mới tuyên thệ nhậm chức. Tuy nhiên, chính phủ tạm quyền thường không đưa ra bất cứ quyết định quan trọng nào để chờ chính phủ mới được thành lập sau bầu cử.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG