THẾ GIỚI 24H: Đức phát hiện 31 người di cư trốn trong xe tải chở hàng đông lạnh

Ảnh minh họa: Xe chở hàng đông lạnh
Ảnh minh họa: Xe chở hàng đông lạnh
TPO - Hãng tin DPA của Đức cho biết cảnh sát và nhân viên hải quan đã phát hiện khoảng 31 người nhập cư trái phép trốn bên trong một xe tải chở hàng đông lạnh tại địa điểm gần biên giới với CH Séc.
Các lực lượng an ninh đã chặn xe tải nói trên đêm 14/7 khi xe đang lưu thông trên cao tốc A17 nối liền khu vực biên giới với thành phố Dresden, miền Đông nước Đức. Chiếc xe mang biển đăng ký ở Thổ Nhĩ Kỳ, chở kèm rau củ và trái cây. Trong nhiều năm qua, đã có nhiều người nhập cư trái phép thiệt mạng khi lựa chọn cánh trốn trong những xe tải chở hàng kiểu này để tìm đường vào các nước châu Âu. Năm 2015 ghi nhận vụ việc 71 người di cư thiệt mạng bên trong một xe tải ở Áo và năm ngoái là vụ 39 người Việt Nam được phát hiện đã tử vong tương tự ở Anh.

Ngày 15/7, một loạt vụ không kích nhằm vào tỉnh al-Jawf ở phía Bắc Yemen đã cướp đi sinh mạng của ít nhất bảy dân thường. Sự việc này là vụ tấn công thứ ba nhằm vào dân thường kể từ tháng Sáu vừa qua, khi bạo lực tái bùng phát tại đất nước bị chiến tranh tàn phá này. Người phát ngôn của lực lượng phiến quân Houthi cho biết các cuộc không kích của liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu đã tấn công các khu dân cư thuộc quận al-Hazm, khiến chín người thiệt mạng, trong đó có hai trẻ em và hai phụ nữ.


Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại cuộc họp báo ngày 15/7 tuyên bố Bộ Ngoại giao Mỹ áp đặt quy định hạn chế cấp thị thực đối với một số giới chức điều hành, thành viên trong tập đoàn Huawei và nhiều công ty công nghệ khác của Trung Quốc – những thực thể mà ông Pompeo cho rằng cung cấp hỗ trợ vật chất cho chính quyền, gây ra tình trạng “vi phạm và lạm dụng nhân quyền”. Ngoại trưởng Mỹ còn nhấn mạnh, các công ty viễn thông trên thế giới cần nhận thức được một điều, nếu hợp tác với Huawei tức là họ đang làm ăn, kinh doanh với số "lạm dụng nhân quyền".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và vợ đã bị người biểu tình chống chính phủ bao vây khi đang đi bộ tại công viên Tuileries ở thủ đô Paris. Theo Guardian, vụ việc xảy ra trong ngày Quốc khánh Pháp hôm 14/7. Một đoạn video đăng tải trên mạng xã hội Facebook cho thấy hàng chục người biểu tình đã tiến lại gần và bao vây vợ chồng Tổng thống Macron, bất chấp sự hiện diện của các vệ sĩ. Người biểu tình đã lớn tiếng chỉ trích và yêu cầu ông Macron từ chức.

Hãng tin IRNA ngày 15/7 đưa tin, ít nhất ba tàu biển đang bốc cháy tại một nhà máy tàu công nghiệp ở thành phố Bushehr phía Nam Iran. Trong một thống kê không chính thức do hãng tin Tasnim cập nhật, số tàu cháy có thể lên tới 7 chiếc. Hiện, chưa có thương vong nào được báo cáo trong vụ việc. Nguyên nhân vụ cháy vẫn chưa được làm rõ. Những hình ảnh do các nhân chứng ghi lại cho thấy những cột khói lớn bốc lên từ phía đám cháy. Một số con tàu bị hư hỏng rất nặng.

Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 16/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là 13.657.893 ca, trong đó có 585.536 người thiệt mạng. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 213 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 7.973.687 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch giảm còn 59.504 ca và 5.098.670 ca đang điều trị tích cực. Ngày 15/7, thế giới có 125 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 74 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. Nhiều nước ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày tăng cao nhất kể từ khi dịch bùng phát, xu thế đại dịch bùng phát trở lại đang rõ ràng hơn.

Mỹ có thêm một kỷ lục buồn khi ghi nhận ngày có số ca mắc bệnh trên 60.000 ca thứ 8 liên tiếp. Giới chuyên gia dự báo tình hình dịch bệnh ở Mỹ vẫn chưa phải là "thời điểm tồi tệ nhất". Trong 1 ngày qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới có Mỹ (64.060 ca), Brazil (35.544 ca) và Ấn Độ (32,682); trong khi các nước Brazil (1.104 ca), Mỹ (840 ca), Mexico (836 ca) và Ấn Độ (614 ca) ghi nhận số ca tử vong cao nhất. Nam Phi cũng ghi nhận ngày kỷ lục về số ca mắc COVID-19.

Ngày 15/7, tòa án ở Algiers đã kết án 2 cựu Thủ tướng Ahmed Ouyahia và Abdelmalek Sellal với mức án 10 năm cho mỗi người, kèm theo mức phạt 500.000 DA (hơn 4.000 USD) vì liên quan đến nhiều vụ án vụ án tham nhũng. Cựu Bộ trưởng Công nghiệp Abdeslam Bouchouareb người đã bỏ trốn, bị kết án 20 năm tù cùng với mức phạt 2.000.000 DA (khoảng 16.260 USD). Ngoài ra, một số cựu Bộ trưởng và các quan chức khác cũng bị kết án tù giam vì liên quan đến vụ án này gồm cựu Bộ trưởng Công nghiệp Youcef Yousfi và cựu Tỉnh trưởng tỉnh Skikda Faouzi Belhocine bị kết án 2 năm tù giam, cựu Bộ trưởng Công chính Ammar Ghoul 3 năm tù...
MỚI - NÓNG