THẾ GIỚI 24H: EU kêu gọi Nga ngừng không kích ở Syria

THẾ GIỚI 24H: EU kêu gọi Nga ngừng không kích ở Syria
TPO - Ngoại trưởng các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã hối thúc khởi động tiến trình chuyển giao hòa bình tại Syria, đồng thời nhấn mạnh tới giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 4 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Sau cuộc thảo luận về tình hình Syria diễn ra ở Luxembourg hôm 12/10, các Ngoại trưởng EU đã thông qua kết luận chung, trong đó kêu gọi Nga ngừng ngay lập tức chiến dịch không kích chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria, bày tỏ quan ngại các cuộc không kích này còn nhằm vào lực lượng được gọi là ôn hòa tại Syria, đồng thời hối thúc Nga không vi phạm không phận các quốc gia láng giềng của Syria. 


Ngày 12/10, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) cho biết những đối tượng là công dân Nga vừa bị bắt với cáo buộc âm mưu tiến hành một vụ khủng bố ở thủ đô Moscow đã trải qua khóa huấn luyện tại các trại của phiến quân tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria. Theo thông báo mới nhất của FSB, những đối tượng này đã trở về và "nằm vùng" rất lâu trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin ra lệnh tiến hành không kích các mục tiêu IS trên lãnh thổ Syria theo đề nghị của chính quyền quốc gia Trung Đông này.


Phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Jordan Abdullah Ensour tại thủ đô Amman hôm 12/10, Thủ tướng Pháp Manuel Valls bày tỏ lo ngại về việc có một số lượng lớn công dân Pháp gia nhập tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, đồng thời khẳng định, Pháp sẽ không hợp tác với Nga trong cuộc chiến chống khủng bố. Theo ông Valls, hiện có 1.700 công dân Pháp đã gia nhập IS tại Syria và Iraq. 


Liên quân do Mỹ dẫn đầu đã thả vũ khí cho lực lượng phiến quân đang chiến đấu chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại miền Bắc Syria. Người phát ngôn liên quân chống IS tại Iraq và Syria, đại tá quân đội Mỹ Steve Warren cho biết liên quân này đã cung cấp đạn dược bằng cách thả dù cho nhóm nổi dậy có tên là Liên minh Arab Syria (SAC). Theo ông Warren, SAC đang chiến đấu chống IS nhiều tháng qua tại Raqqa và Mỹ cùng liên quân có thể tiến hành không kích các mục tiêu của IS theo chỉ điểm của các tay súng SAC trên mặt đất. 


Chính phủ Ấn Độ ngày 12/10 cho biết, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ sẽ tổ chức diễn tập hải quân chung thường niên trong bối cảnh lần đầu tiên trong vòng tám năm qua, ba nước bắt đầu các cuộc tập trận kiểu này ở Vịnh Bengal, động thái nhiều khả năng sẽ khiến Trung Quốc quan ngại. Lần cuối cùng New Delhi đứng ra tổ chức các cuộc tập trận đa phương ở vùng biển của nước này là vào năm 2007, động thái khiến Bắc Kinh quan ngại khi cho rằng đây là hình thức liên minh kiểu tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương do Mỹ khởi xướng.


Chính quyền Kiev tuyên bố sẽ cấm tất cả các hãng hàng không Nga bay vào lãnh thổ Ukaine từ ngày 25/10, động thái trả đũa quyết định tương tự của Nga hồi tháng trước. Phát ngôn viên Cơ quan Hàng không Nhà nước tại Kiev cho biết các hãng hàng không Nga sẽ không được phép hạ cánh xuống Ukraine nhưng vẫn được bay qua không phận Ukraine để tới các điểm đến khác.


Ngày 12/10, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Volodymyr Demchyshyn cho biết, Tập đoàn Năng lượng Nhà nước Ukraine Naftogaz và Tập đoàn Gazprom của Nga đã ký một thỏa thuận về việc Nga cung cấp khí đốt cho Ukraine trong giai đoạn mùa Đông, đồng thời thông báo Kiev đã bắt đầu nhập khẩu khí đốt từ Moscow. Theo Bộ trưởng Demchyshyn, Ukraine có kế hoạch tăng lượng khí đốt dự trữ dưới lòng đất của nước này lên thành 18 tỷ mét khối trong những tuần tới từ mức 15,8 tỷ mét khối hiện tại.


Liên Hợp Quốc và Ngân hàng thế giới (WB) cam kết sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính nhằm giải quyết khủng hoảng di cư cho khu vực Trung Đông và Bắc Phi. Hoạt động này dự kiến sẽ được phối hợp thực hiện với Ngân hàng Phát triển Hồi giáo. Theo đó, các khoản vay mới sẽ được thực hiện theo hai cơ chế. Thứ nhất, những khoản cam kết của các nước tài trợ sẽ được khai thác để phát hành các loại trái phiếu đặc biệt. Thứ hai, các khoản hỗ trợ tài chính của nước tài trợ sẽ được sử dụng để cung cấp khoản vay lãi suất thấp cho những nước tiếp nhận hơn 15 triệu người di cư trong 4 năm qua.


Bộ Y tế Hàn Quốc ngày 12/10 cho biết một bệnh nhân 35 tuổi, người được cho là bệnh nhân nhiễm Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS) cuối cùng tại Hàn Quốc sau 2 lần xét nghiệm cho phản ứng âm tính với loại virus này vào ngày 30/9 và 1/10, đã có phản ứng dương tính trở lại. Theo Bộ Y tế Hàn Quốc, trong buổi sáng cùng ngày, bệnh nhân trên đã được chuyển đến Bệnh viện Đại học quốc gia Seoul trong tình trạng bị sốt cao. 


Hội đồng Giải thưởng Nobel vừa công bố nhà kinh tế học người Scotland Angus Deaton là người đoạt giải Nobel Kinh tế năm 2015 vì “những công trình nghiên cứu, phân tích về tiêu thụ, đói nghèo và phúc lợi xã hội”. Ông Deaton sinh tại Edinburgh, Scotland, sinh năm 1945, hiện mang 2 quốc tịch Anh – Mỹ và đang làm việc tại trường đại học Princeton của Mỹ. Công trình nghiên cứu của ông Deaton xoay quanh 3 câu hỏi trọng tâm là: người tiêu dùng phân bổ chi tiêu của họ như thế nào, thu nhập của xã hội được chi ra bao nhiêu và giữ lại bao nhiêu, và làm thế nào có thể đo lường cũng như phân tích một cách tốt nhất sự thịnh vượng hay đói nghèo.

MỚI - NÓNG