THẾ GIỚI 24H: Hai hộp đen của Airbus A320 đều hư hỏng nặng

Các chuyên viên hàng không lập trạm kỹ thuật gần nơi máy bay số hiệu 4U9525 gặp nạn
Các chuyên viên hàng không lập trạm kỹ thuật gần nơi máy bay số hiệu 4U9525 gặp nạn
TPO - Các nhân viên cứu hộ đã tìm thấy vỏ của hộp đen thứ hai chiếc máy bay Airbus A320, số hiệu 4U9525, nhưng bộ phận chip lưu trữ đã bay mất. Trong khi đó, cơ quan điều tra đang gặp khó khăn trong việc lấy dữ liệu từ hộp đen đầu tiên.

Tính đến cuối giờ chiều ngày 25/3, các nhà phân tích vẫn chưa thể lấy được bất kỳ dữ liệu nào từ thiết bị ghi âm buồng lái của chiếc Airbus A320, được phát hiện trong ngày 24/3 và bị hư hỏng một phần. Trong khi đó, các nhân viên cơ quan cứu hộ tại hiện trường đã tìm thấy vỏ của hộp đen thứ hai, thiết bị ghi dữ liệu bay, vốn được các nhà điều tra kỳ vọng sẽ cung cấp những dữ liệu quý giá về chuyến bay, bao gồm tốc độ, độ cao và hướng bay. Tuy nhiên, một lãnh đạo lực lượng cứu hộ khẳng định hộp đen thứ hai bị hư hỏng nghiêm trọng, và bộ chip lưu trữ dữ liệu bên trong chiếc hộp bị văng ra ngoài, thất lạc, theo Tass.


Chiều tối ngày 25/3, quốc tịch của các nạn nhân xấu số trên máy bay Airbus A320 rơi ở Pháp ngày 24/3 đã được xác định. Theo số liệu từ hãng Germanwings, trên chiếc máy bay gặp nạn có 72 người Đức, 35 người Tây Ban Nha, 2 người Australia, 2 người Argentina, 2 người Iran, 2 người Venezuela, 2 người Mỹ, 1 người Anh, 1 người Hà Lan, 1 người Colombia, 1 người Mexico, 1 người Nhật, 1 người Israel, 1 người Đan Mạch và 1 người Bỉ. Hãng Germanwings đã nắm trong tay danh tính của hầu hết các hành khách, chỉ trừ một vài người chưa được xác định. Hãng đang tìm cách liên lạc với gia đình các nạn nhân nên thông tin của các hành khách vẫn chưa được công khai.


Ngày 25/3, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy đã tới khu vực gần vị trí chiếc máy bay mang số hiệu 4U 9525 của hãng hàng không Đức Germanwings gặp nạn hôm 24/3. Lãnh đạo 3 nước Pháp, Đức, Tây Ban Nha đã gặp gỡ nhóm cứu nạn và cảnh sát tại trung tâm xử lý khủng hoảng được thành lập sau khi xảy ra vụ tai nạn máy bay làm 150 người thiệt mạng.


Ngày 25/3, lực lượng cảnh sát Ukraine đã tiến hành bắt giữ 2 quan chức cấp cao thuộc cơ quan tình trạng khẩn cấp ngay tại một cuộc họp chính phủ được phát sóng trực tiếp trên truyền hình do tình nghi dính líu tới hoạt động tham nhũng cấp cao.  Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Arsen Avakov cho biết 2 quan chức trên, gồm người đứng đầu cơ quan tình trạng khẩn cấp và cấp phó, đã bị bắt do thực hiện hành vi tham nhũng liên quan tới các công ty ở ngoài khơi. Đây rõ ràng là một động thái có chủ đích nhằm tăng tối đa hiệu quả tuyên truyền cho nỗ lực chống tham nhũng của Chính phủ Ukraine, theo Sputnik.


Hôm 25/3, cơ quan báo chí Southern Military District của Bộ quốc phòng Nga cho hay có tới 500 thủy quân lục chiến Nga từ hạm đội Biển Đen sẽ tham gia các đợt diễn tập bắn đạn thật tại một trường lính nhảy dù ở Crimea. “Một tàu đổ bộ cỡ lớn Novocherkassk vừa được điểu động tới trường quân sự Opuk, chở theo đội ngũ chỉ huy, các loại xe thiết giáp tự đẩy và lực lượng thủy quân, những người sẽ tham gia lĩnh vực lắp ráp tên lửa quân sự và pháo binh ở Southern Military District”, dich vụ báo chí này cho hay, theo Tass.


Ngày 25/3, Mỹ đã triển khai 4 máy bay cường kích A-10C Thunderbolt II đầu tiên tại căn cứ không quân Powidz (Ba Lan). Đây là lần đầu tiên Mỹ triển khai các đơn vị máy bay cường kích loại này tại gần biên giới Nga. Cùng với A-10, Mỹ còn triển khai thêm 2 máy bay vận tải C-130 và các đơn vị hậu cần kèm theo. Các máy bay A-10 được triển khai thuộc Không đoàn 355 đóng căn cứ tại Đức. Việc triển khai các máy bay A-10C nói trên là một phần trong kế hoạch tập trận “Giải pháp Đại Tây Dương” với mục tiêu tăng cường an ninh của các quốc gia thành viên NATO trong bối cảnh khủng hoảng Ukraine và nguy cơ quân sự từ Nga, điều mà phương Tây và Mỹ luôn tuyên bố gần đây.


Tổng thống Yemen Mansour Hadi ngày 25/3 kêu gọi các nước Ả Rập can thiệp quân sự khẩn cấp nhằm ngăn chặn các lực lượng nổi dậy chiếm quyền kiểm soát thành phố Aden. Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh, nhóm phiến quân Houthi đang khép chặt vòng vây đối với thành phố lớn nhất ở miền Nam Yemen này, nơi Tổng thống và Chính phủ được quốc tế thừa nhận của Yemen đặt tổng hành dinh. Các nhóm phiến quân Houthi, có liên hệ với các binh sĩ trung thành với cựu Tổng thống Abdallah Saleh hiện chỉ còn cách Aden khoảng 30 km. Nhóm phiến quân này cũng khẳng định đã bắt giữ Bộ trưởng Quốc phòng Yemen, tướng Mahmoud el-Soubaihi ở thành phố Houta, thủ phủ tỉnh Lahej  nằm ngày sát Aden.


Hải quân Nhật Bản ngày 25/3 đã tiếp nhận tàu chở trực thăng Izumo có kích cỡ tương đương các tàu sân bay mà nước này sử dụng trong Thế chiến thứ 2. Theo Reuters, việc đưa vào sử dụng tàu Izumo cho thấy Nhật Bản đang tăng cường hoạt động quân sự của mình ở nước ngoài trong bối cảnh Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang thuyết phục các nhà lập pháp nước này nới lỏng Hiến pháp hòa bình mà Nhật Bản theo đuổi kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Tàu Izumo- có chiều dài 248m và có thể chở được tới 470 thủy thủ, được đóng theo mẫu của các tàu đổ bộ tấn công của Hải quân Mỹ. Tuy nhiên, chiếc tàu này được thiết kế để có thể chở được nhiều trực thăng, theo Kyodo.


Trong buổi lễ tại căn cứ không quân Istres ở miền Nam nước Pháp ngày 25/3, Ấn Độ đã tiếp nhận 2 máy bay chiến đấu Mirage được tân trang trong tổng số 51 chiếc trong bối cảnh cuộc đàm phán mua thêm các máy bay hiện đại Rafale bị kéo dài. Theo tài liệu của Bộ Quốc phòng Ấn Độ được trích đăng trên trang web kinh doanh LaTribune.fr. của Pháp, được ký năm 2011 sau 5 năm đàm phán, hợp đồng trị giá 1,4 tỷ euro này sẽ do các tập đoàn Thales và Dassault đảm trách. 


Thống kê của Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 25/3 cho biết, các loại hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc (bao gồm cả Hong Kong) chiếm phần lớn nhất trong danh sách gần 2.500 mặt hàng tiêu dùng không an toàn được tiêu thụ trong năm 2014 ở thị trường châu Âu. Trong số các sản phẩm này, đồ chơi chiếm tỷ lệ lớn nhất với 28%, ngay sau đó là quần áo (23%) và đồ điện (9%).  Ủy viên phụ trách các vấn đề tư pháp, người tiêu dùng và bình đẳng giới của Liên minh châu Âu (EU), bà Vera Jourova cho biết khoảng 64% trong tổng số các mặt hàng nói trên, tương đương với 1.501 sản phẩm, có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Tỷ lệ này tương đương với năm 2013. Theo bà Jourova, việc hàng tiêu dùng “made in China” chiếm tỷ lệ cao trong danh sách các sản phẩm không an toàn khiến người dân châu Âu lo lắng. EU hiện tích cực trao đổi với các nhà sản xuất Trung Quốc nhằm giúp họ hiểu hơn về các tiêu chuẩn an toàn của EU, theo Vietnamplus.

MỚI - NÓNG