THẾ GIỚI 24H: Hàn Quốc có thể dừng tập trận với Mỹ

THẾ GIỚI 24H: Hàn Quốc có thể dừng tập trận với Mỹ
TPO - Ngày 13/6, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc thông báo, nước này có khả năng sẽ tạm dừng các cuộc tập trận chung với Mỹ.

Đây được xem là động thái ủng hộ cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.  Theo AFP, thông báo của Chính phủ Hàn Quốc đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump bất ngờ tuyên bố sẽ dừng các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc trong cuộc đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Trong một diễn biến có liên quan, Trung Quốc cũng bày tỏ ủng hộ tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Washington sẽ ngưng tập trận trên bán đảo Triều Tiên. 


Theo Văn phòng Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp, hai bộ trưởng đã có cuộc điện đàm và quyết định nối lại cuộc gặp vốn bị phía Italy hủy trước đó cùng ngày. Bộ trưởng Kinh tế Italy Giovanni Tria đã hủy cuộc gặp với Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire tại Paris ngày 13/6 trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng giữa hai nước liên quan đến vấn đề người di cư. Ngay sau khi Bộ Kinh tế Italy đưa ra thông báo, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire đã thể hiện sự tiếc nuối về quyết định của phía Italy. Theo ông Bruno Le Maire, ông có rất nhiều vấn đề quan trọng muốn thảo luận với người đồng cấp Italy trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) vào cuối tháng này.


Moscow gọi kế hoạch mới của NATO là đòn giáng vào an ninh châu Âu và đe dọa các biện pháp đối phó. Hãng thông tấn Interfax đưa tin, hôm thứ Tư (13/6), Nga tuyên bố, kế hoạch của NATO đẩy mạnh tính sẵn sàng chiến đấu tại châu Âu, sẽ khiến an ninh tại đây trở nên tồi tệ hơn; và Moscow sẽ cân nhắc nó trong các kế hoạch quân sự của mình. Interfax dẫn lời Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko chỉ trích sáng kiến của NATO; đồng thời cảnh báo, Moscow sẽ thực hiện tất cả các biện pháp quân sự cần thiết để đảm bảo an ninh quốc gia và lãnh thổ Nga.


Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) ngày 13/6 tuyên bố, các mẫu phân tích đã xác định được rằng chất độc thần kinh bị cấm Sarin và Clo đã được sử dụng trong một vụ tấn công tại miền Bắc Syria hồi năm ngoái. Tuyên bố của OPCW cho biết, chất độc Sarin đã được sử dụng tại phía Nam thành phố Ltamenah thuộc tỉnh Hama vào ngày 24/3/2017.Đồng thời, tuyên bố cũng "kết luận rằng chất độc clo có khả năng được sử dụng như một vũ khí hóa học tại bệnh viện Ltamenah và khu vực lân cận vào ngày 25/3/2017." Tuy nhiên, hiện chưa rõ lực lượng nào đã sử dụng những vũ khí hóa học trên.


Ngày 13/6, toàn bộ bán đảo Crimea đã rơi vào tình trạng mất điện sau khi xảy ra một sự cố tại một nhà máy điện ở Nga. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất điện là do một nhà máy điện ở vùng Krasnodar, miền Nam nước Nga gặp sự cố, đồng thời cho biết việc cung ứng điện sẽ sớm được khôi phục, có thể trong vòng 3 giờ. Trong khi đó, Bộ Năng lượng Nga cũng ra thông báo khẳng định điện trên bán đảo Crimea sẽ sớm được cung cấp trở lại.


Hàn Quốc vẫn âm thầm nâng cấp các vũ khí quân dụng hạng nặng, mua mới các máy bay tiêm kích và tên lửa đồng thời cân nhắc mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Những động thái trên phản ánh tham vọng của Hàn Quốc nhằm tạo ra một sức mạnh có thể chiến đấu với sự hỗ trợ tối thiểu từ bên ngoài, đồng thời thể hiện quan ngại rằng đồng minh Mỹ không thể ở Hàn Quốc mãi mãi.Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, việc nâng cấp quân sự của Hàn Quốc được tập trung vào các lĩnh vực không quân và hải quân Để mở rộng ưu tiên cho không quân, Hàn Quốc đang thay thế phi đội các máy bay tiêm kích cũ kỹ F-4 và F-5 bằng các máy bay tiêm kích tàng hình F-35A của Lockheed Martin có khả năng tấn công các mục tiêu ngầm chiến lược.


Tehran đã hoàn thành giai đoạn lập kế hoạch của dự án lò phản ứng hạt nhân mới ở thành phố Arak và có thể tiến hành xây dựng trong vòng 2-3 tháng tới, theo tin từ Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran. Theo lịch trình dự kiến, chúng tôi đã hoàn thành bước cuối của giai đoạn chuẩn bị và gửi kết quả cho phía Trung Quốc. Sau khi hai bên đồng ý, trong vòng 2-3 tháng, chúng tôi sẽ bắt đầu giai đoạn xây dựng lò phản ứng", ông Behrouz Kamalundi, đại diện Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran, cho hay. Cũng theo vị đại diện này, trong trường hợp Tehran từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn được biết đến với tên Kế hoạch toàn diện hành động chung (JCPOA), thì quốc gia này sẽ có thể xây dựng lại lò phản ứng ở Arak.


Liên quân Arab do Saudi Arabia đứng đầu ngày 13/6 đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất nhằm hỗ trợ Yemen giành lại thành phố Hodeidah do phiến quân Houthi chiếm đóng. Bất chấp những cảnh báo của Liên hợp quốc (LHQ) về một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới. Theo các nguồn tin y tế, 22 phiến quân Houthi đã thiệt mạng trong các cuộc không kích của liên quân, trong khi 3 tay súng ủng hộ Chính phủ Yemen cũng bị thiệt mạng trong cuộc phục kích của phiến quân ở phía Nam Hodeidah.


Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa chỉ trích quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) khiến nguồn cung bị thiếu hụt làm giá dầu tăng mạnh. Viết trên trang Twitter ngày 13/6, Tổng thống Trump cáo buộc OPEC cố tình tiếp tục đẩy giá dầu lên cao. Trước đó, hồi tháng 4 vừa qua, nhà lãnh đạo Mỹ cũng đưa ra phát biểu tương tự, cho rằng tổ chức này đang giữ giá dầu "ở mức quá cao". Theo kế hoạch, phiên họp của OPEC sẽ được tổ chức tại Vienna (Áo) vào ngày 22/6 tới để xem xét lại chính sách về sản lượng dầu khai thác của tổ chức này.


Mỹ hy vọng quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên sẽ đạt được kết quả lớn trước khi Trump kết thúc nhiệm kỳ tổng thống. Trump và Kim Jong-un ngày 12/6 gặp nhau tại Singapore và đạt được một thỏa thuận ngắn khẳng định cam kết của Triều Tiên về "làm việc hướng đến phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên", tuy nhiên, văn bản không đưa ra chi tiết khi nào Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc làm thế nào để kiểm chứng. Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết rằng thỏa thuận ban đầu giữa Trump và Kim đã không bao quát được tất cả những gì hai bên đã đồng ý. "Có rất nhiều công việc đã được thực hiện vượt ra ngoài những gì chúng ta thấy trong tài liệu cuối cùng. Chúng tôi sẽ bắt đầu làm việc về chúng khi tiếp tục đối thoại", Ngoại trưởng nói.


Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thảo luận về tình hình ở Syria, cũng như triển vọng của thỏa thuận hạt nhân Iran với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron trong một cuộc điện đàm và đề xuất rút các cố vấn quân sự khỏi Syria. Tổng thống Hassan Rouhani lưu ý rằng Tehran đã gửi các cố vấn quân sự tới Syria theo yêu cầu yêu cầu của chính quyền Tổng thống Assad để giúp Damascus chống lại chủ nghĩa khủng bố. Ông Rouhani bày tỏ hy vọng rằng nước láng giềng sẽ không còn cần đến sự "hiện diện quân sự nước ngoài" sau khi các mối đe dọa khủng bố đã bị loại bỏ.


Truyền thông địa phương ngày 13/6 đưa tin, cảnh sát Đức đang điều tra một người đàn ông Tunisia, 29 tuổi, sinh sống tại Cologne sau khi tìm thấy một lượng chất độc lớn tại căn hộ của nghi phạm. Theo mạng tin Focus Online, Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức (BfV) nhận được thông tin rằng một đối tượng 29 tuổi có tư tưởng ủng hộ tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng có thể đang âm mưu tiến hành một vụ tấn công hóa sinh học. Focus Online cho biết, nhờ lưu ý của BfV, cảnh sát thành phố Cologne đã "có thể ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố bằng vũ khí tấn công có liều lượng chất độc cao."


Nghị quyết lên án Israel sử dụng vũ lực đối với người dân Palestine được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua với 120 phiếu ủng hộ. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 13/6 đã lên án Israel sử dụng vũ lực đối với dân thường Palestine, đồng thời yêu cầu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đưa ra một quy chế bảo vệ quốc tế đối với phần lãnh thổ Palestine bị chiếm đóng. Nghị quyết cũng lên án việc bắn tên lửa từ Dải Gaza vào các khu dân cư Israel nhưng không nêu tên Hamas, nhóm vũ trang Hồi giáo đang kiểm soát Dải Gaza. Nghị quyết cũng yêu cầu Tổng thư ký Antonio Guterres, trong vòng 60 ngày, đề xuất các cách thức bảo đảm sự an toàn và bảo vệ người dân Palestine trong các khu vực do Israel kiểm soát, bao gồm cả các khuyến nghị về một cơ chế bảo vệ quốc tế.

MỚI - NÓNG