THẾ GIỚI 24H: Indonesia ban bố tình trạng báo động an ninh tại thủ đô Jakarta

Cảnh sát có mặt trên đường phố ở Thủ đô Jakarta. Ảnh: TTXVN
Cảnh sát có mặt trên đường phố ở Thủ đô Jakarta. Ảnh: TTXVN
TPO - Ngày 21/5, cơ quan cảnh sát quốc gia Indonesia đã ban bố tình trạng báo động tại thủ đô Jakarta sau khi kết quả bầu cử tổng thống nước này đã được công bố.

Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn cảnh sát quốc gia Indonesia, Chuẩn tướng Dedi Prasetyo cho biết tình trạng báo động có hiệu lực kể từ ngày 21/5 và sẽ kết thúc vào ngày 26/5. Kể từ tháng 1 vừa qua, lực lượng chống khủng bố thuộc cơ quan cảnh sát quốc gia Indonesia đã bắt giữ 72 phần tử vũ trang và ban bố cảnh báo về âm mưu khủng bố tại cuộc tuần hành quy mô lớn trong ngày 22/5.


Ngày 21/5, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen tuyên bố sa thải các thành viên đảng Tự do Áo (FPO) cực hữu trong nội các nước này, trừ vị trí Ngoại trưởng. Theo Tổng thống Bellen, ông sẽ rà soát từng đề xuất bổ nhiệm vào các vị trí bị trống trên. Động thái này diễn ra khi liên minh bảo thủ của Thủ tướng Sebastian Kurz và FPO tan vỡ.


Đại sứ Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc Kim Song ngày 21/5 đã tổ chức một cuộc họp báo hiếm có ở trụ sở của LHQ tại New York, Mỹ. Tại họp báo, đại diện Triều Tiên đòi Mỹ phải trả ngay tàu chở hàng mà nước này bắt giữ của Bình Nhưỡng hồi đầu tháng với cáo buộc nó chở than, hành động được cho là vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc. Quan chức Triều Tiên cho rằng việc thu giữ tàu “Wise Honest” là đi ngược lại tinh thần của bản tuyên bố mà Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên tại Singapore hồi tháng 6/2018. Cả hai bên đã cam kết xây dựng quan hệ mới và nỗ lực vì quá trình phi hạt nhân của Triều Tiên.


Ngày 21/5, Giám đốc Tổng cục An ninh Liên bang Nga FSB Alexander Bortnikov đã cảnh báo rằng các phiến quân IS đang tụ tập ở phía bắc Afghanistan, cạnh biên giới các nước Trung Á từng nằm trong Liên Xô cũ. Rất nhiều tay súng trong số này từng hoạt động ở Syria. Giám đốc FSB cho biết nhóm Wilayat Khorasan, "chân rết" của IS tại Afghanistan đã tập hợp được 5.000 phần tử khủng bố trong khu vực. Các phần tử khủng bố đang nỗ lực xâm nhập vào các nước từng thuộc Liên Xô cũ bằng cách hợp tác với những tổ chức tội phạm khét tiếng.


Ngày 21/5, Thủ tướng Anh Theresa May khẳng định, Anh sẽ không rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) trừ khi thỏa thuận Brexit của nước này có thể nhận được sự ủng hộ của các đảng phái chính trị trong Quốc hội. Trong bài phát biểu, bà May cho biết, các Nghị sĩ sẽ có cuộc bỏ phiếu về việc tổ chức cuộc trưng cầu ý dân lần 2 nếu họ ủng hộ dự luật về Thỏa thuận Brexit.


Ngày 21/5, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có cuộc trao đổi qua điện thoại thảo luận về tình hình khu vực và các vấn đề nổi cộm trên thế giới mà ba nước cùng quan tâm. Trong cuộc điện đàm, lãnh đạo ba nước Đức, Nga và Pháp một lần nữa khẳng định lại sự ủng hộ và cam kết đối với sự hợp tác cùng có lợi với Iran trong các lĩnh vực thương mại và kinh tế, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì thỏa thuận hạt nhân với nước Cộng hòa Hồi giáo này.


Ngày 21/5, Đại sứ Liên hợp quốc (LHQ) tại Libya đã cảnh báo tình hình chiến sự tại Tripoli "chỉ là sự khởi đầu của một cuộc chiến dai dẳng và đẫm máu", đồng thời kêu gọi nhanh chóng có biện pháp ngăn chặn "dòng chảy" vũ khí đang đổ vào nước này. Phát biểu tại Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ, Đại sứ Ghassan Salame cho biết nhiều quốc gia đang cung cấp vũ khí cho Chính phủ Đoàn kết dân tộc (GNA) được LHQ công nhận tại thủ đô Tripoli và các lực lượng do tướng Khalifa Haftar dẫn đầu. Ông cảnh báo nếu không có hành động kịp thời nhằm ngăn chặn vũ khí tuồn vào Libya, quốc gia Bắc Phi này sẽ chìm trong cuộc nội chiến, dẫn tới sự hỗn loạn và chia cắt.


Ngày 21/5, các nhà cai trị và người biểu tình của quân đội Sudan đã thất bại khi không đạt được thỏa thuận về việc quyết định thành phần của một cơ quan cầm quyền mới và việc ai sẽ lãnh đạo đất nước - một lãnh đạo dân sự hay một nhà lãnh đạo quân sự. Không bên nào nói khi nào các cuộc đàm phán sẽ nối lại, nhưng Siddiq Yousef - một trong những nhà lãnh đạo phản kháng - nói với các phóng viên rằng "các cuộc đàm phán giữa chúng tôi và Hội đồng quân sự chuyển tiếp bị đình chỉ cho đến khi có một bước đột phá". Hội đồng quân sự cầm quyền chưa có ý kiến gì.

MỚI - NÓNG