THẾ GIỚI 24H: Iraq quyết loại bỏ sự hiện diện của quân đội nước ngoài

Các nhà lập pháp Iraq trong phiên họp bất thường tại quốc hội hôm 5/1 - Ảnh: Reuters
Các nhà lập pháp Iraq trong phiên họp bất thường tại quốc hội hôm 5/1 - Ảnh: Reuters
TPO - Ngày 5/1, Quốc hội Iraq vừa mới nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở quốc gia này.

Nghị quyết yêu cầu chính phủ chấm dứt sự hiện diện của mọi binh sỹ nước ngoài trên lãnh thổ Iraq và ngăn chặn họ sử dụng lãnh thổ, không phận và lãnh hải Iraq vì bất cứ lý do nào. Trong cuộc họp quốc hội, Thủ tướng Iraq Adel Abdul Mahdi tuyên bố việc chấm dứt sự hiện diện của binh lính nước ngoài tại nước này là điều tốt nhất cho Baghdad, đồng thời hối thúc các nghị sĩ nhanh chóng có các biện pháp khẩn cấp triển khai điều này càng sớm càng tốt.


Ngày 5/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết binh sỹ nước này đã bắt đầu được triển khai tới Libya, sau khi Quốc hội nước này đã nhất trí cho một động thái như vậy hồi tuần trước. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình CNN tiếng Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng thống Erdogan cho hay trách nhiệm của binh sỹ nước này ở Libya là điều phối và hình thành một trung tâm hoạt động tại đây. Theo ông, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya không phải "tham chiến" mà là "ủng hộ chính phủ hợp pháp và tránh một thảm kịch nhân đạo."


Các quan chức Iran tổ chức một cuộc họp vào đêm 5/1 để thảo luận về bước tiếp theo trong việc rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và bước đi này sẽ thậm chí còn lớn hơn so với dự định ban đầu. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi cho biết, bước đi trên sẽ lớn hơn dự định bởi “trong thế giới chính trị, mọi diễn biến đều có mối liên hệ với nhau.” Nếu được triển khai, đây sẽ là bước đi thứ 5 trong nỗ lực phá bỏ các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc thế giới, trong đó quy định Tehran hạn chế hoạt động làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, ông Mousavi không tiết lộ thông tin cụ thể về bước đi trên.


Chính phủ Áo cho biết đã xảy ra một vụ tấn công mạng nghiêm trọng nhằm vào hệ thống thông tin của Bộ Ngoại giao nước này từ tối 4/1 tiếp diễn đến ngày 5/1. Nhà chức trách Áo nghi ngờ nước ngoài đứng sau vụ việc này. Người phát ngôn Bộ trên cho biết: "Căn cứ hình thức và mức độ nghiêm trọng của vụ tấn công, chúng tôi cho rằng đây có thể là một tác nhân nhà nước, không phải các đối tượng tội phạm".


36 người đã thiệt mạng và 23 người khác bị thương khi một nhà khách du lịch đang được xây dựng ở Campuchia sụp đổ, hãng tin Reuters cho biết hôm 5/1. Các quan chức cho biết các hoạt động cứu hộ đã kết thúc hai ngày sau khi tòa nhà bê tông 7 tầng bị sập hôm 3/1 tại thị trấn ven biển Kep, khoảng 160 km về phía Tây Nam của thủ đô Phnom Penh. Các quan chức tuyên bố đã có 36 người chết, bao gồm sáu trẻ em và 14 phụ nữ. Tuy nhiên, họ không nêu chi tiết lý do tại sao có trẻ em ở công trường xây dựng.


Ngày 5/1, lực lượng an ninh Afghanistan thông báo đã bắt giữ một chỉ huy chủ chốt của lực lượng Taliban ở tỉnh Faryab miền Bắc nước này. Người phát ngôn cảnh sát tỉnh Faryab, ông Mohammad Karim Yurash cho biết chỉ huy khét tiếng của Taliban, Qari Nizamudin tìm cách vào thành phố Maimana tối 4/1 song đã bị cảnh sát bắt giữ.


Nhiều đám đông người biểu tình đã tập trung các tuyến phố ở Washington và nhiều thành phố lớn của Mỹ để phản đối vụ không kích của chính quyền tại Iraq, giết chết tướng cấp cao Qassem Soleimani của Iran vào hôm 3/1. Người biểu tình tụ tập bên ngoài Nhà Trắng trước khi cùng tuần hành đến khách sạn quốc tế Trump. Những cuộc biểu tình tương tự cũng được tổ chức ở New York, Chicago và các thành phố khác. Những người tổ chức của nhóm chống chiến tranh cho biết, các cuộc biểu tình được lên kế hoạch diễn ra ở nhiều thành phố khác nhau.


Cảnh sát bang Amhara, miền Bắc Ethiopia, đã phát hiện 62 em nhỏ trong một vụ nghi là buôn người. Trưởng Đơn vị Phòng chống tội phạm vùng Nam Wollo, Yimer Abate ngày 5/1 cho biết cảnh sát đã tìm thấy các em ở độ tuổi từ 12-19, trong đó có 38 nữ, trong nhiều ngôi nhà ở một khu vực rừng rậm biệt lập thuộc vùng Qallu. Cảnh sát nghi ngờ số trẻ này đang trên đường được đưa đến nước láng giềng Djibouti và nơi tìm thấy các em là điểm trung chuyển trước khi tới điểm đến cuối cùng là bán đảo Arab bên kia Biển Đỏ.


Theo RT ngày 5/1 đưa tin, chỉ huy lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), tại tỉnh Kerman, ông Gholamali Abuhamzeh cho biết, Iran đã xác định 35 mục tiêu Mỹ trong khu vực từ lâu và chỉ chờ "lúc thích hợp".Phía Iran tuyên bố sẽ trả thù "tàn khốc", trong khi đó Washington cũng điều thêm khoảng 3.500 quân đến Kuwait, một động thái được xem là để chuẩn bị đối phó với tình huống xấu nhất có thể xảy ra.


Hơn 100.000 người đã tuần hành ở TP Hyderabad, thủ phủ bang miền Nam Telangana của Ấn Độ phản đối Luật Quốc tịch sửa đổi (CAA), bất chấp việc cảnh sát tuyên bố không được phép tuần hành và nhà chức trách chỉ cấp phép thực hiện một hoạt động tụ tập với quy mô 1.000 người. Trước đó, hàng chục ngàn người tại các TP lớn như thủ đô New Delhi, Bangalore, Chennai... cũng đã xuống đường tuần hành phản đối CAA.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.