THẾ GIỚI 24H : IS kêu gọi tấn công World Cup FIFA 2018

 Poster đe dọa tấn công World Cup của IS
Poster đe dọa tấn công World Cup của IS
TPO - Khi World Cup FIFA 2018 đã bắt đầu diễn ra, tổ chức khủng bố IS đã kêu gọi các cuộc tấn công theo kiểu con sói cô đơn nhằm vào World Cup diễn ra tại Nga với một loạt poster rùng rợn mang hình ảnh những vụ nổ bom tại các địa điểm ở Nga. 

Đây được xem là loạt đe dọa lớn nhất đối với World Cup của những đối tượng cực đoan. Một loạt poster rùng rợn được IS tung ra gồm hình ảnh mô tả lửa đang nhấn chìm một sân vận động và các cơ sở bên cạnh tại Sân vận động Olympic Fisht ở thành phố tổ chức World Cup Sochi, phía nam nước Nga. Những lời kêu gọi khác về các cuộc tấn công thánh chiến nhằm  “giết hết tất cả” với những câu viết bằng tiếng Pháp cùng với một bức tranh có con dao đang cắt qua một logo vòng đấu tại một sân vận động khác ở Nga. Hình ảnh thứ 3 thể hiện một chiến binh có vũ trang với dòng chữ “khủng bố sẽ bắt đầu” và hình thứ 4 thể hiện một video clip đánh bom sự kiện Marathon ở Boston, Mỹ. Hồi tháng 5, IS cũng đe dọa chặt đầu hai ngôi sao bóng đá là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo trong một số poster.


Chiến dịch vận động để chia bang California làm 3 đã nhận được đủ chữ ký ủng hộ và cuộc trưng cầu dân ý dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới. Theo CNN, chiến dịch mang tên "Cal 3" do tỉ phú nổi danh của Thung lũng Silicon Tim Draper khởi xướng đã nhận hơn 400.000 chữ ký ủng hộ hợp lệ, cao hơn so với mức quy định trong luật bang. Văn phòng của người đứng đầu cơ quan đối ngoại bang California hôm 13-6 xác nhận cuộc bỏ phiếu có thể diễn ra nhưng dù người dân có tán thành thì quốc hội Mỹ vẫn nắm quyền quyết định cuối cùng.


Liên minh Châu Âu (EU), hôm 14/6, đã nhất trí ủng hộ kế hoạch áp đặt thuế nhập khẩu trị giá 2,8 tỷ euro nhằm vào các sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ cần phải được Ủy ban Châu Âu thông qua tại một hôi nghị thường niên của Liên minh Châu Âu vào ngày 20/6 tới trước khi chính thức triển khai trên thực tế. Dự kiến, nếu được thông qua, Liên minh Châu Âu sẽ áp đặt lệnh trừng phạt với Mỹ vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới. Đây được xem là biện pháp trả đũa việc Mỹ đã áp đặt thuế quan đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ thị trường Liên minh Châu Âu vào Mỹ.


Mỹ và các đồng minh không chuẩn bị bất kỳ sự khiêu khích nào về vũ khí hóa học ở Syria, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết hôm 13-6. Đây là câu trả lời cho tuyên bố của người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nga Igor Konashenkov trước đó. Hôm 11-6, ông Konashenkov nói với các phóng viên rằng các tay súng của Quân đội Syria tự do (FSA) với sự tham gia của các đơn vị đặc nhiệm Mỹ đang chuẩn bị một vụ khiêu khích liên quan đến khí clo ở tỉnh Deir ez-Zor của Syria để tạo cơ hội cho liên minh do Mỹ đứng đầu thực hiện cuộc tấn công mới vào các cơ sở của Syria.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 14-6 đã đề xuất sản xuất chung hệ thống phòng không S-500 của Nga. Nga đã cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ khoản vay để mua S-400 với điều kiện chấp nhận được và nước này sẽ bắt đầu sản xuất chung với Nga  giai đoạn thứ hai và thứ ba. Ông cũng đề xuất hợp tác với Nga sản xuất S-500. Ngoài ra, trả lời chỉ trích của Mỹ và NATO về thỏa thuận S-400 giữa Mátxcơva và Ankara, ông Erdogan cho rằng Mỹ và NATO im lặng về việc Hy Lạp mua của Nga S-300 nhưng lại chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi S-400, S-500 là nhu cầu thực sự của nền quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu trước đó cho biết hệ thống S-500 sẽ bắt đầu cung cấp cho lực lượng vũ trang Nga vào năm 2020.


Hạ viện Quốc hội Pháp đã bỏ phiếu thông qua dự luật cải cách ngành đường sắt gây tranh cãi của chính phủ với số phiếu áp đảo, mang lại chiến thắng then chốt cho Tổng thống Emmanuel Macron trong cuộc chiến với các công đoàn nhằm thực hiện kế hoạch cải cách kinh tế. Dự luật trên được Chính phủ Pháp đề xuất hồi tháng 3 vừa qua nhằm cải cách mạnh mẽ tình trạng hoạt động của hệ thống đường sắt, trong đó tập trung vào cải tổ hoạt động công ty đường sắt nhà nước SNCF vốn đang chịu gánh nặng nợ nần và thua lỗ khoảng 3 tỷ EUR (3,7 tỷ USD) mỗi năm. Tuy nhiên, giới lãnh đạo công đoàn đã từ chối thừa nhận chiến thắng tại quốc hội của ông Macron, tuyên bố các cuộc đình công vẫn sẽ diễn ra theo kế hoạch cho đến ngày 28-6. 


Ấn Độ và Trung Quốc - hai trong số những nước mua dầu thô nhiều nhất ở châu Á - đang thảo luận chuyện bắt tay tăng cường mua dầu của Mỹ nhằm giảm bớt phụ thuộc vào Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và gây sức ép để tổ chức này kiểm soát giá dầu. Nội bộ OPEC đang chia rẽ về chuyện sản lượng. Trong lúc Ả Rập Saudi ủng hộ nới lỏng hạn chế được áp đặt đối với sản lượng khai thác từ năm ngoái thì Iran, Iraq và Venezuela lại phản đối tăng sản lượng. Thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu khai thác giữa OPEC và các đồng minh, trong đó có Nga, góp phần giúp giá dầu dần hồi phục.


Nhiều nguyên thủ quốc gia châu Âu từ chối đến tham dự lễ khai mạc World Cup, bày tỏ rõ sự tẩy chay với ngày hội bóng đá do Nga đứng ra đăng cai. Cuộc tẩy chay này được "cầm đầu" bởi 6 nguyên thủ quốc gia đang có đội tuyển tham dự giải đấu tại Nga là Anh, Australia, Iceland, Ba Lan, Đan Mạch và Thụy Điển. Việc tẩy chay ngoại giao đối với World Cup 2018 tại Nga cũng được công bố bởi các đại biểu Nghị viện châu Âu, bắt nguồn từ sau căng thẳng ngoại giao giữa Nga và châu Âu liên quan đến việc Moscow bị cáo buộc đứng sau vụ đầu độc cựu điệp viên Skripal tại Anh, dù đến nay vẫn chưa có bằng chứng xác thực.


Ngày 14/5, phản ứng trước thông báo liên quan đến vụ kiện do bang New York tiến hành đối với Quỹ từ thiện cá nhân Donald J.Trump, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố ông sẽ không tham gia giải quyết vụ kiện "vô lý" này. Trước đó, Bộ trưởng Tư pháp bang New York Barbara Underwood thông báo đã đệ đơn kiện Tổng thống Trump và 3 người con lớn nhất của ông vì "liên tục có các hành vi bất hợp pháp,” sử dụng quỹ của tổ chức phi lợi nhuận này để nâng cấp một trong những câu lạc bộ golf cũng như chi trả cho các sự kiện vận động tranh cử năm 2016 của mình. Tổng thống Trump được cho rằng đã trả hơn 330.000 USD tiền bồi thường và tiền phạt kể từ năm 2016.


Ngày 14/6, một quan chức Israel cho biết, cảnh sát nước này đã bắt giữ một phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ tại sân bay Ben Gurion ở thành phố Tel Aviv do nghi ngờ xâm phạm an ninh quốc gia. Quan chức trên cho biết, người phụ nữ 27 tuổi này bị tình nghi gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia và có liên hệ với các tổ chức khủng bố. Hãng thông tấn Anadolu Thổ Nhĩ Kỳ trích lời một luật sư bào chữa cho người này cho hay, đối tượng này bị nghi ngờ có liên kết với một tổ chức khủng bố. Quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ thường xuyên xảy ra căng thẳng trong những năm gần đây, đặc biệt liên quan tới vấn đề Palestine. 

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG