THẾ GIỚi 24H: Israel bị Liên Hợp Quốc điều tra tội ác chiến tranh

59 người Palestine thiệt mạng, 2.700 người bị thương trong đợt biểu tình phản đối hôm 14.5
59 người Palestine thiệt mạng, 2.700 người bị thương trong đợt biểu tình phản đối hôm 14.5
TPO - Liên Hợp Quốc đã bỏ phiếu thông qua việc gửi một đoàn điều tra tội ác chiến tranh độc lập tới Gaza để điều tra hành động tấn công người dân Palestine của quân đội Israel.

Cao ủy LHQ về nhân quyền cho hay là 1,9 triệu người sống ở Gaza hoàn toàn bị Israel tước đoạt nhân quyền và họ đang sống như "bị giam giữ trong một khu ổ chuột từ khi sinh ra cho đến khi chết đi". Sau đó Hội đồng Nhân quyền LHQ đã thông qua nghị quyết thành lập đội điều tra độc lập với 29 phiếu thuận, 2 phiếu chống và 14 phiếu trắng. Ngoài việc tạo ra một nhóm điều tra, nghị quyết mới này cũng lên án "việc sử dụng vũ lực không tương xứng và bừa bãi của quân đội Israel trên vùng đất chiếm đóng chống lại dân thường Palestine". Israel nhanh chóng lên án nghị quyết nói trên, vốn được đệ trình bởi một nhóm quốc gia gồm cả Pakistan. Mỹ thì tuyên bố nghị quyết mới này là một ví dụ cho thấy Hội đồng nhân quyền LHQ "thiên vị" bất công chống lại Israel.


Cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow ngày 18/5 cho biết Trung Quốc đồng ý đáp ứng nhiều yêu cầu mà Mỹ đưa ra để cắt giảm thặng dư thương mại, nhưng cần phải có thêm thời gian để hai bên đạt được một thỏa thuận cuối cùng. Giới chức Mỹ đang tiếp đón phái đoàn Trung Quốc, dẫn đầu là Phó thủ tướng Lưu Hạc, sang làm việc về vấn đề thương mại. Cố vấn Kudlow thông báo: “Đàm phán đang diễn ra tốt đẹp. Họ đáp ứng nhiều yêu cầu của chúng tôi. Nhưng chắc chắn chưa có thỏa thuận, sẽ phải mất thời gian để tiến triển”. Theo ông Kudlow, Bắc Kinh đã đề nghị tăng mua hàng Mỹ (sản phẩm trong các ngành nông nghiệp và năng lượng) cũng như thực hiện vài bước đi khác để giảm 200 tỉ USD thặng dư thương mại giữa nước này với Mỹ. Tuy vậy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng bác bỏ thông tin trên.


Chính phủ Niger cho biết một nhóm vũ trang từ Mali hôm 18/5 đã tấn công một khu trại của người du mục Fulani, giết hại ít nhất 17 dân thường. Theo nguồn tin trên, những đối tượng có vũ trang đã tấn công một nhà thờ Hồi giáo trong khu trại và giết chết 10 người. Sau đó, những kể tấn công tiếp tục xả súng giết hại dân thường trong trại của người du mục Fulani. Sau cuộc đột kích, những kẻ tấn công đã quay trở về Mali. Một nguồn tin an ninh Niger nói rằng đây chắc chắn là một hành động trả thù, chỉ 2 tuần sau khi xảy ra một vụ tấn công ở Mali khiến 18 người Tuareg thiệt mạng.


Quân đội Nga dự kiến sẽ triển khai tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Sarmat vào năm 2020 và đầu đạn siêu thanh Avangard vào năm 2019, Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ. Thời hạn triển khai 2 hệ thống vũ khí trên được xác nhận bởi Tổng thống Nga Putin hôm 18/5 trong một cuộc họp với các quan chức quốc phòng và các đơn vị sản xuất vũ khí. Đây là cuộc họp đầu tiên giữa ông Putin với giới quân đội kể từ sau khi Nga thay đổi nội các. Sarmat là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới của Nga, dự kiến sẽ thay thế các ICBM Voyevoda cũ được Moscow sử dụng từ những năm 1970. Tên lửa này được tuyên bố có khả năng mang trọng tải lớn và có tầm bắn không giới hạn, có thể bắn tới bất cứ đâu trên thế giới.


Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc (UNHRC) vừa bỏ phiếu ủng hộ cử một nhóm các nhà điều tra tội ác chiến tranh quốc tế tới dải Gaza điều tra các vụ Israel bắn chết người biểu tình. Theo France 24, với 29 phiếu thuận, 2 phiếu chống (Mỹ và Australia) và 14 phiếu phiếu trắng, cơ quan nhân quyền hàng đầu của Liên hiệp quốc đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết kêu gọi UNHRC “khẩn trương đưa một ủy ban điều tra quốc tế độc lập để điều tra tất cả các vi phạm và lạm dụng trong bối cảnh những cuộc tấn công quân sự vào các cuộc biểu tình dân sự quy mô lớn bắt đầu vào ngày 30-3-2018”. Nghị quyết được Pakistan và các nước Hồi giáo khác bảo trợ. Israel gọi nghị quyết của UNHRC là “ủng hộ khủng bố”. Đồng thời cho biết trong số những người bị binh sĩ Israel bắn chết, ít nhất 24 người có hành vi khủng bố.


2 cảnh sát và một người khác đã thiệt mạng trong một vụ tấn công khủng bố vào nhà thờ Chính thống giáo tại thành phố Grozny của Nga vào hôm 19-5. Hãng tin Sputnik dẫn nguồn tin từ văn phòng cảnh sát địa phương cho biết, một vài kẻ khủng bố đã cố gắng xông vào nhà thờ St. Michael the Archangel ở Grozny. 2 cảnh sát đã thiệt mạng khi cố gắng ngăn cản những kẻ tấn công. Ngoài ra, một người đi lễ tại nhà thờ cũng bị sát hại.Lãnh đạo Cộng hòa Chechen thuộc Nga, Ramzan Kadyrov thì tiết lộ có tổng cộng 4 tên khủng bố và chúng đều đã bị tiêu diệt trong cuộc đấu súng với lực lượng cảnh sát. Ngoài 2 cảnh sát thiệt mạng, 2 sĩ quan an ninh khác cũng bị thương trong vụ việc này.


Một trực thăng quân sự Mỹ vừa đánh rơi hộp đạn thẳng xuống một trường tiểu học ở bang Texas vào hôm 17/5, dẫn đến thiệt hại về vật chất. Trưởng tiểu học Parkland ở El Paso, Texas cho biết, chiếc hộp đựng đạn từ trên trời rơi xuống đã khiến thủng một lỗ to trên mái và làm mất điện trong tòa nhà này. Đến ngày 18-5, ngôi trường tiểu học mới được mở cửa trở lại và học tập như bình thường. Không có thiệt hại về người trong vụ việc này. Trường tiểu học Parkland nằm gần căn cứ Fort Bliss của quân đội Mỹ. Theo hãng tin Sputnik, chiếc hộp đạn này rơi từ trực thăng Black Hawk, cất cánh từ căn cứ Fort Bliss. Chỉ huy không lực của Sư đoàn Thiết giáp số 1, Đại tá Jay Hopkins, đã lên tiếng xin lỗi về vụ tai nạn, đồng thời cho biết, họ đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân dẫn đến sự việc này.


Kể từ đầu năm đến nay, có khoảng 800 trẻ em Nam Sudan từng được tuyển mộ làm binh sĩ đã được thả về nhà. Đại diện Đặc biệt của Liên Hợp Quốc về trẻ em và Xung đột vũ trang, bà Virginia Gamba hôm 19/5, kêu gọi các Đảng phái chính trị tại Nam Sudan ngừng việc tuyển mộ trẻ em làm binh sĩ. Bà Gamba cũng bày tỏ hoan nghênh việc các tay súng đối lập tại Nam Sudan hôm 18/5 đã thả tự do cho 210 trẻ em, trong đó có 3 bé gái, từng đứng trong hàng ngũ chiến đấu của lực lượng này tại khu vực Pibor, miền Đông đất nước. Theo Đại diện của Liên Hợp Quốc, kể từ đầu năm đến nay, có khoảng 800 trẻ em Nam Sudan từng được tuyển mộ làm binh sĩ đã được trả về nhà sau các cuộc đàm phán và làm việc của các cơ quan quốc tế.


Từ ngày 20/5 đến chiều tối 21/5 theo giờ địa phương tất cả cửa khẩu biên giới trên bộ của Venezuela sẽ tạm ngưng hoạt động trong thời gian diễn ra cuộc bầu cử tổng thống của nước này. Bộ trưởng Quốc phòng Venezuela Vladimir Padrino López đã ban hành sắc lệnh đóng tất cả các cửa khẩu biên giới trên bộ của Venezuela này để tăng cường đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử tổng thống vào ngày hôm nay 20/5. Sắc lệnh này có hiệu lực tới chiều 21/5 và là một trong hàng loạt biện pháp an ninh mà Caracas triển khai trong tuần này để đảm bảo không xảy ra các sự việc đáng tiếc. Trước đó, chiến dịch tranh cử của cả 4 ứng cử viên chính thức còn lại cũng đã kết thúc theo thời gian biểu được Hội đồng Bầu cử quốc gia ấn định.


Tổng thống Donald Trump đã leo thang cuộc đối đầu với Bộ Tư pháp trong ngày 18/5 khi đăng hàng loạt nội dung trên mạng xã hội Twitter cáo buộc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã “cài cắm” người trong chiến dịch tranh cử của ông năm 2016.Tổng thống Trump đã đăng trên Twitter: “Ít nhất một thành viên FBI đã được cài cắm, vì mục đích chính trị, trong chiến dịch tranh cử của tôi”. Tổng thống Trump còn cho rằng điều này diễn ra trước khi cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ “nóng trên tin tức giả mạo" và nếu là sự thật thì đây là “bê bối chính trị lớn nhất”. 

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG