THẾ GIỚI 24H: Lệnh ngừng bắn phía Đông Ukraine vẫn bị vi phạm

Nguy cơ đổ vỡ lệnh ngừng bắn phía Đông Ukraine vẫn hiện hữu
Nguy cơ đổ vỡ lệnh ngừng bắn phía Đông Ukraine vẫn hiện hữu
TPO - Báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu về tình hình giao tranh tại miền Đông Ukraine cho thấy, bất chấp những tiến bộ của các bên trong việc thực hiện thỏa thuận Minsk, lệnh ngừng bắn tại Ukraine vẫn liên tục bị vi phạm trong những ngày qua.

Tuyên bố trước báo giới ngày 22/2, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết: “Chúng tôi đã nhận được những báo cáo về tình hình Ukraine. Theo báo cáo của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu, các vụ nã pháo vẫn tiếp tục diễn ra từ phía chính phủ và lực lượng đối lập Ukraine. Điều này có nghĩa là đã có sự vi phạm thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine”.


Các quan chức Ukraine cho biết ngày 22/2, một vụ nổ đã cướp đi sinh mạng của 3 người và làm 10 người bị thương tại thành phố miền Đông Kharkov, hiện do chính quyền Kiev kiểm soát. Vụ nổ xảy ra trong một cuộc tuần hành ủng hộ chính phủ Ukraine, đánh dấu 1 năm ngày cựu Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ. Phát ngôn viên cảnh sát thành phố Kharkov Natalia Zakharova nói rằng một cuộc điều tra đã được tiến hành nhằm vào vụ đánh bom "khủng bố" rõ ràng này. Kharkov nằm cách tiền tuyến nơi lực lượng ly khai đang chiến đấu chống lực lượng chính quyền Kiev hơn 200 km, theo Lenta.


Cả hai đảng trong Quốc hội Mỹ đang ủng hộ mạnh mẽ việc bỏ cấm vận Cuba và đưa quốc gia này ra khỏi danh sách các nước tài trợ khủng bố. Lãnh đạo phe Dân chủ trong Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 22/2 cho biết, Mỹ và Cuba đang sống trong thời khắc lịch sử sau lãnh đạo hai nước tuyên bố quyết định bình thường hóa quan hệ hôm 17/12 năm ngoái. "Đây là một bước tiến lớn: chúng ta đang xúc tiến một mối quan hệ mới bởi chúng ta có nhiều thứ cần chia sẻ vì lợi ích của cả hai bên”, bà Pelosi nói. Trước đó, trong chuyến thăm Cuba hôm 19/2, phái đoàn Mỹ do bà Nancy Pelosi dẫn đầu đã có cuộc gặp phó Chủ tịch thứ nhất của Cuba, Miguel Diaz-Canel.


Nhật Bản ngày 22/2 đã hối thúc Hàn Quốc trao trả quần đảo tranh chấp Takeshima/Dokdo trên Biển Nhật Bản. Đây là một trong những vấn đề làm xói mòn quan hệ giữa hai nước đồng minh này của Mỹ. Chính quyền tỉnh Shimane ở Tây Nam Nhật Bản cùng ngày đã tổ chức hội nghị thường niên sau khi thực hiện một sắc lệnh địa phương năm 2005 coi ngày 22/2 là "Ngày Takeshima". Hạ nghị sỹ Yohei Matsumoto thuộc Văn phòng Nội các Nhật Bản đã tham dự buổi lễ trên, cho biết chính phủ đang nỗ lực đạt được một giải pháp hòa bình cho vấn đề này.  Tuy nhiên, theo truyền thông địa phương, ông Matsumoto đã nhắc lại quan điểm của Tokyo rằng quần đảo Takeshima là một phần lãnh thổ có chủ quyền của Nhật Bản. Hàn Quốc, nước triển khai các binh sỹ bảo vệ bờ biển đồn trú trên quần đảo này, đã xem tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản là "lố bịch", theo Vietnamplus.


Giới chức an ninh Libya cho biết ngày 22/2, hai quả bom đã phát nổ trước cổng tư dinh của đại sứ Iran tại thủ đô Tripoli của Libya, song không làm ai bị thương. Một quan chức cho hay vào thời điểm xảy ra vụ đánh bom, không có ai có mặt trong tư dinh của đại sứ Iran - nằm ở một quận trung tâm của thủ đô Tripoli. Đại tá Jumaa al-Mashri thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Libya nói rằng mục đích của vụ đánh bom là nhằm gây hỗn loạn. Trước đó, các phái bộ nước ngoài khác tại Tripoli như các đại sứ quán Algeria, Ai Cập và Các tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE), đều từng là mục tiêu của các vụ đánh bom không gây thương vong, theo Reuters.


Ngày 22/2, Người phát ngôn của tổng thống Philippines, ông Herminio Coloma cho biết trong tuần này, Tổng thống Pháp Francois Hollande sẽ tới Manila để thảo luận về khủng bố quốc tế với Tổng thống Benigno Aquino. Phát biểu với các phóng viên, ông Coloma cho hay chuyến thăm cấp nhà nước tới Philippines của Tổng thống Hollande, từ ngày 26-27/2, sẽ tập trung vào biến đổi khí hậu và các vụ tấn công gần đây tại Paris. Ông Coloma còn nói: "Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề toàn cầu và khu vực, như hành động khủng bố liên quan tới tạp chí Charlie Hebdo tại Paris, khiến 20 người thiệt mạng.


Tính đến rạng sáng ngày 23/2, có ít nhất 29 thi thể được trục vớt sau vụ tai nạn chìm phà xảy ra ngày 22/2 tại quận Manikganj, tây bắc Bangladesh. Hiện còn 40 người khác vẫn mất tích. Chiếc phà chìm tại sông Padma sau khi va chạm với một tàu chở hàng. Vào thời điểm xảy ra vụ chìm phà ước tính có 150 hành khách trên boong. Nhiều chiếc phà của Bangladesh không có thói quen lưu lại danh sách hành khách đi phà nên việc thống kê hành khách là tương đối khó khăn.


Giám đốc điều hành hãng Kalashnikov (thuộc Tập đoàn quốc doanh Rostec của Nga), ông Alexei Krivoruchko ngày 22/2 cho biết, hãng này đã đạt thỏa thuận mua lại 51% cổ phần của nhà phát triển máy bay không người lái ZALA Aero (cũng của Nga). Tại triển lãm vũ khí IDEX-2015 ở Abu Dhabi của Các tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE), ông Krivoruchko nói: "Trên cơ sở Hãng Kalashnikov và Công ty ZALA Aero, chúng tôi có kế hoạch thực hiện phát triển và sản xuất phương tiện bay không người lái, trạm điều khiển trên mặt đất và di động. Sản phẩm chính sẽ là các máy bay không người lái, trực thăng và khí cầu trinh sát".


Công ty điện Tokyo cho biết các cảm ứng gắn vào van xả nước tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản đã phát hiện ra một vụ rò rỉ hạt nhân mới. Vụ rò rỉ hạt nhân mới này được phát hiện vào lúc 10h sáng (giờ Tokyo). Theo đó, các cảm ứng được gắn với máng xối nước ở nhà máy này đã phát hiện ra mức độ ô nhiễm cao hơn 70 lần so với mức độ ô nhiễm hiện tại. TEPCO cho biết ngay sau khi phát hiện ra sự cố, họ đã cử người tới kiểm tra các thùng chứa nước thải phóng xạ nhưng không phát hiện ra điều gì bất thường. Tuy nhiên để đề phòng nước nhiễm phóng xạ chảy ra biển, công ty đã tiến hành đóng các van xả nước.


Phó Chủ tịch Ủy ban Kinh tế thuộc Hội đồng liên bang Nga, ông Sergei Shatirov ngày 22/2 cho rằng việc Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's hạ một bậc trong xếp hạng nợ quốc gia của Nga xuống mức “junk” (vô giá trị) rõ ràng là quyết định chính trị, không đúng với hiện trạng kinh tế tại nước này. Trước đó, rạng sáng 21/2, Moody’s đã hạ một bậc trong xếp hạng nợ quốc gia của Nga xuống mức Ba1, kèm theo dự báo tiêu cực đối với nước này trong năm nay và năm 2016. Hồi cuối tháng 1, lần đầu tiên Hãng xếp hạng tín nhiệm S&P hạ xếp hạng tín dụng của Nga xuống trình mức BB+, theo RIA Novosti.

MỚI - NÓNG