THẾ GIỚI 24H: Lực lượng Hạt nhân Nga nhận lệnh ‘sẵn sàng hành động’

Lực lượng Hạt nhân chiến lược Nga biểu dương sức mạnh trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức.
Lực lượng Hạt nhân chiến lược Nga biểu dương sức mạnh trong lễ duyệt binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức.
TPO - Điện Kremlin cho biết ngày 13/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hối thúc Lực lượng Hạt nhân chiến lược và Lực lượng Phòng thủ không gian vũ trụ của nước này sẵn sàng hành động ngay khi nhận được chỉ thị.

Phát biểu trong một cuộc họp về sự phát triển của lực lượng vũ trang tại khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen, Tổng thống Putin nêu rõ: "Lực lượng Hạt nhân chiến lược và Lực lượng Phòng thủ không gian vũ trụ đóng vai trò đặc biệt trong việc đảm bảo an ninh quốc gia, duy trì sự ổn định quốc tế và gìn giữ sự cân bằng chiến lược. Họ cần phải sẵn sàng thực thi ngay lập tức các nhiệm vụ được phân bổ”. Theo Tổng thống Putin, Nga đã lên kế hoạch đưa 4 trung đoàn tên lửa vào trực chiến trong năm nay và các trung đoàn này sẽ được trang bị những hệ thống vũ khí mới nhất có khả năng xuyên thủng các hệ thống phòng thủ tên lửa hiện tại cũng như tương lai. 


Văn phòng Tổng thống Nga ngày 13/5 thông báo lực lượng bộ binh nước này sẽ cùng các binh sỹ đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ và Belarus tiến hành một loạt các cuộc tập trận huấn luyện chung vào nửa cuối năm nay. Thông cáo trên, do Tổng thống Vladimir Putin công bố trong cuộc họp với giới tướng lĩnh chóp bu của nước này tại thành phố Sochi bên bờ Biển Đen, sẽ khiến Phương Tây quan ngại. Thông cáo này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ giữa Moscow và Phương Tây hết sức căng thẳng liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.


Việc phục hồi đường dây nóng giữa Nga và NATO sẽ giúp tránh sự leo thang và hiểu sai về các tín hiệu, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố. "Tôi rất vui mừng rằng đề xuất này không chỉ được chấp nhận mà còn được thực hiện. Đây không phải là một bước đột phá, nhưng nó giúp chúng ta ở một mức độ nào đó tránh khỏi sự sai lệch tín hiệu, và khi có khả năng sử dụng đường dây này, ít nhất sẽ xuất hiện thời gian làm rõ các tranh chấp và tránh phản ứng thái quá có thể dẫn đến sự leo thang, Ngoại trưởng Đức nói. Truyền thông trước đó đưa tin rằng NATO và Nga duy trì một kênh liên lạc thường xuyên, chỉ huy tối cao của lực lượng NATO ở châu Âu và Chủ tịch Ủy ban Quân sự NATO có quyền thực hiện các cuộc đàm phán với đồng nghiệp Nga, theo Sputnik.


Ngày 13/5, ông Hans-Georg Maaßen, người đứng đầu Cục Bảo vệ Hiến pháp liên bang Đức (BfV), cơ quan tình báo nội địa của nước này, đã bảo vệ cho các hoạt động của Cục Tình báo liên bang Đức (BND) cũng như việc hợp tác với tình báo Mỹ. Tại một hội nghị về an ninh ở thủ đô Berlin, ông Maaßen khẳng định: "Tới nay, chúng tôi không có bằng chứng cho thấy tình báo Mỹ do thám các công ty hàng đầu của Đức”. Ông cũng cảnh báo không nên để những nghi ngờ ảnh hưởng tới sự hợp tác với Washington, nhấn mạnh rằng "Mỹ vẫn và sẽ luôn là một đối tác quan trọng của Đức" trong lĩnh vực tình báo, theo Vietnamplus.


Chính quyền Kiev hạn chế đáng kể quyền của người dân vùng Donbass khi áp dụng quy chế kiểm soát tạm thời đối với việc di chuyển của người dân trong khu vực xung đột ở miền Đông Ukraine. Đây là kết luận trong báo cáo của Ủy ban giám sát thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Ukraine, công bố ngày 13/5. Các quan sát viên OSCE cho biết thủ tục cấp giấy phép ra vào khu vực xung đột rất phức tạp, gây khó khăn cho việc cung cấp hàng cứu trợ nhân đạo và thuốc men tới vùng Donbass, đồng thời cũng gây khó khăn cho người dân rời khỏi khu vực nguy hiểm.


Chính quyền “Cộng hòa Donetsk và Lugansk” ngày 13/5 đã gửi đề nghị yêu cầu chính quyền Kiev sửa đổi hiến pháp với việc công nhận quy chế đặc biệt của hai vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk, khôi phục tình trạng không liên kết của Ukraine và thiết lập chế độ quản lý kinh tế đặc biệt đối với các vùng lãnh thổ thuộc Ukraine. Lãnh đạo “Cộng hòa Donetsk và Lugansk”, Denis Pushilin và Vladislav Deynhi tuyên bố, những yêu cầu trên sẽ thay đổi một cách cơ bản hệ thống hành chính, quản lý pháp luật tại các vùng tuyên bố tự trị hiện nay tại Ukraine. “Nếu chính quyền Kiev chấp nhận thay đổi hiến pháp, “Cộng hòa Donetsk và Lugansk” sẽ có các bước đi cụ thể để phù hợp với hiến pháp mới”, ông D. Pushilin tuyên bố. Về phần mình, lãnh đạo “Cộng hòa Lugansk” V. Deynhi khẳng định: “Việc thay đổi Hiến pháp của Ukraine là cần thiết để chấp nhận “Cộng hòa Donetsk và Lugansk” như những thực thể độc lập nằm trong Ukraine theo đúng thỏa thuận Minsk”.


Triều Tiên ngày 13/5 thông báo cho Hàn Quốc về kế hoạch tập trận bắn đạn thật gần biên giới trên biển giữa hai nước trong bối cảnh căng thẳng leo thang sau vụ thử tên lửa khai hỏa từ tàu ngầm của Bình Nhưỡng. Theo đó, quân đội Triều Tiên tuyên bố sẽ tập trận bất cứ lúc nào trong khoảng thời gian từ 15h ngày 13/5 đến nửa đêm ngày 15/5 tại vùng lãnh hải của nước này. Kế hoạch của Bình Nhưỡng, được nêu ra trong một tin nhắn gửi tới Seoul thông qua đường dây nóng quân sự, khiến các binh sĩ Hàn Quốc gần khu vực biên giới trên biển Hoàng Hải phải nâng cao cảnh giác. "Chúng tôi coi những cuộc tập trận như vậy là động thái đe dọa nhằm kích động căng thẳng tại một khu vực nhạy cảm", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhấn mạnh đồng thời thêm rằng Hàn Quốc sẽ phản ứng "cứng rắn" nếu đạn pháo Triều Tiên rơi sang phía nam biên giới.


Ngày 13/5, Thiếu tướng Godefroid Niyombare - người bị cách chức Giám đ ốc Cơ quan t ình báo Burundi hồi tháng 2 vừa qua, đã tuyên bố lật đổ Tổng thống Burundi Pierre Nkurunziza . Động thái trên diễn ra sau các cuộc biểu tình bạo lực phản đối việc ông Nkurunziza ra tranh cử nhiệm kỳ thứ 3. Tuyên bố trên của Tướng Niyombare được phát trên đài phát thanh chỉ vài giờ sau khi Tổng thống Nkurunziza tới nước láng giềng Tanzania để cùng lãnh đạo 5 nước thuộc Cộng đồng Đông Phi (EAC) bàn biện pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng ở Burundi. Tuy nhiên, trong một tuyên bố đăng trên mạng Twitter, Tổng thống Nkurunziza khẳng định âm mưu đảo chính ở Burundi đã "thất bại". Tuyên bố nêu rõ tình hình hiện nay "đang được đặt dưới sự kiểm soát và không có cuộc đảo chính nào ở Burundi".


Ngày 13/5, Bộ Quốc phòng Iraq cho biết Abu Ala Afri - thủ lĩnh số 2 của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - được cho là đã bị tiêu diệt trong một vụ không kích của liên quân do Mỹ đứng đầu ở miền Bắc Iraq. Trong một tuyên bố, Bộ Quốc phòng Iraq nêu rõ dựa trên các thông tin tình báo chính xác, liên quân do Mỹ đứng đầu đã tiến hành không kích nhằm vào Abu Ala Afri và nhiều thành viên khác trong nhóm này khi chúng đang tổ chức một cuộc họp tại thánh đường Hồi giáo al-Shuhadaa ở thị trấn Tal Afar, cách thủ phủ Mosul của tỉnh Nineveh 70km về phía Tây và cách thủ đô Baghdad gần 400km về phía Bắc.


Tập đoàn chế tạo máy bay Airbus đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm máy bay A400M đầu tiên kể từ sau vụ tai nạn liên quan tới loại máy bay này tại Tây Ban Nha khiến 4 người thiệt mạng.

Để khẳng định độ an toàn của dòng máy bay mới, Giám đốc phụ trách bộ phận sản xuất máy bay quân sự của Airbus đã có mặt trên chuyến bay thử nghiệm A400M, khởi hành từ thành phố Toulouse (Pháp) tới Seville, nơi xảy ra vụ tai nạn máy bay này hôm 9/5. A400M được thiết kế để vận chuyển binh sĩ và hàng hoá, kể cả các xe cơ giới quân sự và máy bay trực thăng, với trọng tải có thể lên tới 37 tấn trên quãng đường bay hơn 3.000 km. Đây là loại máy bay vận tải quân sự tầm xa, có thể bay với tốc độ cao và hạ cánh ở những khu vực địa hình không thuận lợi. Cho đến nay, Airbus đã giao loại máy bay này cho 5 nước, gồm Anh, Malaysia, Đức, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...