THẾ GIỚI 24H: Mỹ, Anh cáo buộc 'Nga tấn công mạng quy mô lớn'

Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Ảnh: Times.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt. Ảnh: Times.
TPO - Ngày 4/10, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt đã cáo buộc tình báo quân đội Nga tiến hành một chiến dịch tấn công mạng nhằm vào các thể chế chính trị, doanh nghiệp, truyền thông và các tổ chức thể thao trên khắp thế giới.

Cùng ngày, Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 7 thành viên của Cơ quan Tình báo quân đội Nga bị cáo buộc tham gia âm mưu tấn công mạng quy mô lớn tại nhiều quốc gia. Hà Lan và Canada cũng cáo buộc Nga đứng sau âm mưu tấn công mạng các cơ quan tại 3 nước này. Một tuyên bố từ văn phòng Thủ tướng Australia, Thủ tướng Scott Morrison và Ngoại trưởng Marise Payne đều xác nhận Australia không chịu ảnh hưởng đáng kể nào từ làn sóng tấn công này, song chỉ trích Nga gây ra thiệt hại hàng triệu USD cho nền kinh tế và gây hại cơ sở hạ tầng dân sự ở những nơi khác khi tiến hành những vụ tấn công như vậy.  Nga tuyên bố những lời buộc tội là “vô lý” và “vô căn cứ”.


Chính quyền Afghanistan ngày 4/10 cho biết nước này sẽ triển khai ít nhất 54.000 binh sỹ để đảm bảo an ninh cho cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng địa phương dự kiến diễn ra vào cuối tháng này. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Nội vụ Afghanistan Nasrat Rahimi nói rằng các lực lượng an ninh và quốc phòng Afghanistan đã được chỉ đạo gìn giữ trật tự, an ninh cho cuộc bầu cử Quốc hội và hội đồng địa phương. Khoảng 54.000 binh sỹ sẽ được triển khai để đảm bảo an ninh, an toàn cho 5.100 điểm bỏ phiếu, các ứng cử viên và hoạt động míttinh tranh cử của họ.


Phóng viên của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) vừa bị cảnh sát lôi ra ngoài sau khi nổi đóa la hét tại một hội nghị về quyền tự chủ của Hồng Kông (Trung Quốc) được tổ chức tại Thủ đô London, Vương quốc Anh. Lần này, dư luận quốc tế lại tiếp tục chứng kiến hành xử xấu xí của công dân Trung Quốc ở nước ngoài. Nhân vật chính lần này là một phóng viên truyền hình CCTV có tên Kong Linlin, 48 tuổi, bị cáo buộc phá rối hội nghị về nhân quyền ở Hồng Kông (Trung Quốc), được Đảng Bảo thủ ở Anh tổ chức thường niên hôm 1/10/2018.


Ngày 4/10 Bộ ngoại giao Hungary tuyên bố trục xuất lãnh sự Ukraine sau một hành động tương tự trước đó của nước láng giềng, đẩy tranh cãi ngoại giao giữa hai nước lên một nấc thang mới xung quanh việc cấp hộ chiếu cho công dân gốc Hungary tại Ukraine. Tranh cãi ngoại giao giữa Hungary và Ukraine nổ ra mới đây sau khi Bộ ngoại giao Ukraine cáo buộc lãnh sự Hungary tại thị trấn Berehove thuộc khu vực Zakarpattia của Ukraine, giáp biên giới với Hungary, cấp hộ chiếu Hungary cho một số công dân Ukraine gốc Hungary.


Một người đàn ông đã bắn chết một nhân viên cảnh sát và làm 6 nhân viên khác bị thương khi họ đang tiến hành lệnh lục soát nhà người này ở bang Nam Carolina, Mỹ, ngày 4/10. Tay súng đã bị bắt và đã được xác định danh tính. Theo thông tin ban đầu, người đàn ông này tên là Fred Hopkins, 74 tuổi, và là một cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam. Người này cố thủ trong nhà với một số con tin là trẻ em. Các nhân viên cảnh sát đã bị bắn khi đang tiến hành lục soát ngôi nhà. Thủ phạm sau đó đã thả các con tin và bị bắt giữ.


Ngày 4/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan tuyên bố quân đội nước này sẽ tiếp tục hiện diện tại Syria cho đến khi người dân nước này tổ chức được một cuộc bầu cử, và mối đe dọa khủng bố bị loại bỏ. Phát biểu tại một diễn đàn ở Istabul, Tổng thống Erdogan nói rằng người dân Syria ở Idlib  và Afrin đã mời quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đến và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ở lại những khu vực này cho tới khi khủng bố rời khỏi Syria và các cuộc bầu cử tự do được tổ chức.


Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ấn Độ ngày 4/10 đã tổ chức cuộc diễn tập chung đầu tiên ở Vịnh Bengal, ngoài khơi bờ biển Chennai, bang Tamil Nadu của Ấn Độ. Tham gia diễn tập bên phía Việt Nam có tàu Cảnh sát biển 8001, trong khi Ấn Độ huy động 3 tàu bảo vệ bờ biển, 1 máy bay Dornier và 1 máy bay trực thăng Chetak, cùng với tàu Sagar Manjusa của Viện công nghệ hải dương quốc gia.


Ngày 4/10, phát biểu sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Ireland Leo Varadkar, Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Liên minh châu Âu Michel Barnier nhấn mạnh, một thỏa thuận Brexit với Anh cần phải có một giải pháp hoàn toàn hợp pháp đối với vấn đề biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland. Trên mạng xã hội Twitter, ông Barnier viết: "Chúng ta đang trong giai đoạn cuối cùng của đàm phán Brexit. Để nhất trí bất kỳ thỏa thuận nào, chúng ta cần có một giải pháp bổ sung hoàn toàn hợp pháp cho Ireland và Bắc Ireland ".

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG