THẾ GIỚI 24H: Mỹ bác đề xuất cùng Nga không kích ở Syria

THẾ GIỚI 24H: Mỹ bác đề xuất cùng Nga không kích ở Syria
TPO - Người phát ngôn Lầu Năm Góc Jeff Davis ngày 20/5 đã bác bỏ đề xuất hợp tác của Nga về việc tiến hành các cuộc không kích chung chống khủng bố ở Syria.

Phát biểu trước báo giới, ông Jeff Davis nhấn mạnh Mỹ sẽ không hợp tác hay phối hợp với Nga trong bất kỳ chiến dịch quân sự nào tại Syria. Tuyên bố này được đưa ra sau khi Nga đưa ra đề xuất với Mỹ - quốc gia đứng đầu Nhóm Quốc tế ủng hộ Syria (ISSG), tham gia các chiến dịch chung giữa Lực lượng không quân Nga và lực lượng không quân của liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Syria do Washington đứng đầu. 


Bộ Quốc phòng Nga đã thông báo kế hoạch mở cửa lại một trung tâm radar ở Crimea. Quyết định này là để đáp lại hành động gây căng thẳng từ NATO gần biên giới phía nam và phía tây. Trung tâm radar này đóng vai trò là hệ thống cảnh báo tên lửa của (MWS) Nga, chuyên theo dõi nhất cử nhất động các tên lửa được phóng đi từ Biển Đen và Địa Trung Hải. Trạm MWS đặt ở Crimea có khả năng xác định các vụ phóng đối với tên lửa đạn đạo, tên lửa có cánh và tên lửa mang đầu đạn siêu thanh; góp phần nâng cao khả năng phòng thủ của quân đội Nga ở sườn phía nam và phía tây.


Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho rằng việc kết nạp Montenegro làm thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ làm gia tăng căng thẳng hơn nữa tại châu Âu. Ông Peskov nhấn mạnh theo quan điểm của Nga, việc NATO tiếp tục "bành trướng" là "tiến trình tiêu cực."


Trung Quốc ngày 20/5 yêu cầu Mỹ chấm dứt hoạt động giám sát gần Trung Quốc sau khi hai máy bay chiến đấu của Bắc Kinh có hành động mà Lầu Năm Góc gọi là vụ chặn đường “mất an toàn” đối với một máy bay trinh sát Mỹ trên biển Đông. Quan chức quốc phòng Mỹ nói rằng, hai máy bay J-11 của Trung Quốc bay chỉ cách máy bay EP-3 của Mỹ khoảng 15m. Vụ việc xảy ra ở phía đông đảo Hải Nam. “Các báo cáo ban đầu xác định vụ việc là không an toàn”. (XEM CHI TIẾT)


Ngày 20/5, Hải quân Ai Cập cho biết, họ tìm thấy một bộ phận cơ thể, ghế ngồi và hành lý của hành khách trên chuyến bay EgyptAir số hiệu MS804, vài giờ sau thông tin tìm thấy mảnh vỡ trên vùng biển Địa Trung Hải, cách thành phố Alexandria khoảng 290km về phía bắc. Cùng ngày Bộ trưởng Quốc Phòng Hy Lạp cũng đưa ra thông tin tương tự. Ông cho biết, một bộ phận cơ thể, hai ghế ngồi và ít nhất 1 hành lý được tìm thấy. Khu vực tìm thấy các vật dụng trên cách nơi máy bay biến mất khỏi màn hình radar vài km về phía nam. (XEM CHI TIẾT)


Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) ngày 20/5 cho biết hình ảnh được vệ tinh Sentinel-1A chụp lúc 16 giờ GMT ngày 19/5 cho thấy một vết dầu loang dài khoảng 2 km cách vị trí cuối cùng của máy bay MS804 trước khi biến mất trên màn hình radar khoảng 40 km về phía Đông Nam. Hình ảnh thứ hai chụp lúc 4 giờ GMT ngày 20/5 cho thấy vết dầu này đã trôi đi khoảng 5 km. ESA đã chuyển thông tin trên tới các giới hữu trách song lưu ý không đảm bảo vết dầu loang đó là của máy bay MS804.


Lực lượng hiến binh Pháp ngày 20/5 cho biết một chiếc trực thăng chở 4 thành viên của lực lượng này đã rơi tại khu vực miền núi Tây Nam, khiến cả 4 người thiệt mạng. Theo nguồn tin trên, chiếc trực thăng đã đâm vào một vách đá trong khu vực núi Cauterets, thuộc tỉnh Hautes-Pyrenees. Những nạn nhân xấu số nói trên gồm 1 cơ trưởng, 1 cơ phó và hai chuyên viên cứu hộ.


Các ngoại trưởng NATO đã nhất trí kéo dài sứ mệnh hỗ trợ và huấn luyện quan trọng của liên minh tại Afghanistan, trong bối cảnh quốc gia Tây Nam Á này đang phải đối mặt với "những thách thức an ninh nghiêm trọng". Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg khẳng định lực lượng Afghanistan đang chiến đấu hiệu quả chống phiến quân Taliban, nhờ các chương trình huấn luyện quân sự hiện nay được triển khai từ năm 2015 sau khi NATO kết thúc vai trò chiến đấu trực tiếp tại đây.


Liên minh châu Âu (EU) ngày 20/5 đã thông qua một cơ chế khẩn cấp, theo đó cho phép các nước EU lập tức ngừng chương trình miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác nếu các nước này vi phạm các điều kiện chủ chốt của EU. Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Klaas Dijkhoff đã bày tỏ hài lòng về quyết định nói trên của EU, cho rằng cơ chế mới này sẽ tạo điều kiện thuận lợi giúp EU xử lý tình trạng lạm dụng các điều khoản trong thoả thuận di cư.


Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20/5 thông báo chủng virus Zika đang hoành hành ở Mỹ Latin đã lần đầu tiên bị phát hiện tại châu Phi. Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới  tại châu Phi Matshidiso Moeti cho biết, chủng virus Zika đang hiện diện tại Cape Verde cùng chủng với loại virus đang hoành hành ở châu Mỹ: “Dòng virus Zika đã được phát hiện ở châu Phi này đã được chứng minh là gây ra ra các chứng rối loạn thần kinh, tật đầu nhỏ và hội chứng Guillain-Barre. Việc phát hiện này đáng lo ngại vì nó là bằng chứng cho thấy virus Zika đã vượt ra ngoài Nam Mỹ và trên đường đến châu Phi”.

MỚI - NÓNG