THẾ GIỚI 24H: Mỹ kết tội 12 đặc vụ Nga tấn công mạng bầu cử tổng thống

Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller. (Nguồn: AFP/TTXVN)
TPO - Ngày 13/7, Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Rod Rosenstein đã công bố kết quả điều tra và chính thức kết tội 12 công dân Nga tấn công mạng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. 

Tất cả 12 bị cáo này đều là thành viên Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU).Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller đã truy tố 12 sỹ quan tình báo Nga về vai trò của họ trong việc xâm nhập hệ thống máy tính của Ủy ban Toàn quốc của đảng Dân chủ và ban vận động tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton để đánh cắp tài liệu nhằm gây ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.  Dư luận cho rằng động thái này sẽ phủ bóng lên cuộc gặp thượng đỉnh tại Helsinki (Phần Lan) vào ngày 16/7 tới giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin, người lâu nay vẫn phủ nhận sự can dự của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.


Ngày 13/7, các thành viên phe Dân chủ đã nhanh chóng tận dụng cơ hội này để chỉ trích Moskva và một số người đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy cuộc gặp thượng đỉnh với người đồng cấp Nga Vladimir Putin, dự kiến diễn ra vào ngày 16/7 tới tại Helsinki (Phần Lan). Tuyên bố trên được đưa ra ngay sau khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller cáo buộc 12 sỹ quan thuộc Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (GRU) can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.


Ngày 13/7, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) cho biết tên lửa Patriot của nước này đã bắn rơi một máy bay không người lái (UAV) bay từ Syria vào lãnh thổ Israel. Cư dân của thành phố Safed phía Bắc Israel cho biết họ nghe thấy tiếng nổ và những vệt khói trên bầu trời. Đây là lần thứ hai trong tuần này một UAV đã xâm nhập vào lãnh thổ Israel từ Syria. Ngày 11/7, một tên lửa Patriot của nước này cũng đã bắn rơi một máy bay không người lái từ Syria tại khu vực hồ Kinneret. Để đối phó với cuộc xâm nhập của máy bay người lái từ phía Syria, lực lượng không quân Israel đã tấn công ba vị trí quân sự tại Syria tối cùng ngày.


Ngày 13/7, Mỹ đã chính thức dỡ bỏ một lệnh cấm bán phần mềm và linh kiện cho tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc - một trong những nhà sản xuất thiết bị viễn thông lớn nhất thế giới. Bộ Thương mại Mỹ cho hay bộ này sẽ vẫn giám sát tập đoàn ZTE nhằm ngăn ngừa những vi phạm trong tương lai các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào Iran và Triều Tiên. Trong thông báo ngày 11/7, Bộ Thương mại Mỹ cho biết ZTE đã ký một thỏa thuận với Mỹ, theo đó chấp nhận nộp một khoản "tiền đặt cọc" 400 triệu USD trong trường hợp tái phạm các biện pháp trừng phạt của Mỹ trong tương lai. Theo thỏa thuận này, sau khi ZTE nộp khoản tiền nói trên, Mỹ sẽ lập tức dỡ bỏ trừng phạt, mở đường cho tập đoàn này nối lại một số hoạt động chính.


Đài phát thanh và truyền hình Hàn Quốc ngày 13/7 dẫn một nguồn tin ngoại giao cùng ngày cho biết vào sáng 12/7, thông qua kênh liên lạc Panmunjom, Triều Tiên đã đề nghị phía Hàn Quốc truyền đạt với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc về đề xuất khôi phục đường dây điện thoại kết nối trực tiếp giữa quân đội nước này với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc. Đường dây điện thoại trực tiếp giữa quân đội Triều Tiên với Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc lần lượt được đặt ở Lầu Thống nhất (Tongilgak) phía Triều Tiên và văn phòng dành cho sỹ quan Bộ Tư lệnh Liên hợp quốc ở phía Hàn Quốc, ở khu vực làng đình chiến Panmunjom. Tuy nhiên, đường dây điện thoại này đã bị cắt đứt vào năm 2013, khi Triều Tiên tuyên bố vô hiệu hóa Hiệp định đình chiến.


Cựu Thủ tướng Pakistan Nawaz Sharif ngày 13-7 được đưa bằng máy bay trực thăng từ London, Anh về thủ đô Islamabad, Pakistan để đối mặt với án tù 10 năm về tội tham nhũng. AP dẫn lời các quan chức chống tham nhũng Pakistan cho biết ông Sharif sẽ đi cùng con gái Mariam trở về Lahore trước khi đến Islamabad. Mariam cũng bị kết án 7 năm tù giam do tham nhũng. Con rể của ông Sharif hiện đang chấp hành án tù 1 năm với cùng cáo buộc tham nhũng, bắt nguồn từ việc mua căn hộ cao cấp ở Anh mà tòa án cho rằng đã được mua bằng tiền bất hợp pháp.


Cảnh sát tại một thành phố ở Mexico đã chuyển sang dùng súng cao su và đá để làm nhiệm vụ thay cho vũ khí sát thương. Tờ Guardian (Anh) ngày 27/6 đưa tin thị trưởng bang Verracruz – ông Miguel Ángel Yunes Linares đã quyết định “tước” toàn bộ vũ khí của cảnh sát tại thành phố Alvarado do chỉ có 30 trong tổng số 130 cảnh sát tại địa phương này vượt qua kỳ kiểm tra về sử dụng súng. Thay vào đó, chính quyền bang cấp cho cảnh sát tại Alvarado súng cao su và đá cuội để tự vệ.


Lần đầu tiên kể từ khi nổ ra cuộc nổi dậy ở Syria năm 2011, quân đội Syria đã giành được quyền kiểm soát TP Dara’a, theo hãng tin SANA. Ngày 13/7, các lực lượng của chính phủ cùng với quân cảnh Nga đã tiến vào các thị trấn Yadodeh, Tafas và Muzayreb ở phía tây TP Dara'a theo các thỏa thuận hòa giải. Tuy nhiên, lực lượng phiến quân vẫn kiểm soát một số thị trấn và làng mạc bao gồm Kafr Shams và Inkhil. Trước đó, cả hai thị trấn này đều đã đồng ý đầu hàng.Lần đầu tiên, quốc kỳ của Syria lại tung bay tại Dara’a kể từ năm 2011, sau khi quân đội chính phủ giành lại quyền kiểm soát TP này. Sau khi kiểm soát hoàn toàn TP Dara’a, lực lượng quân đội Syria sẽ sớm bắt tay vào việc khôi phục các cơ sở hạ tầng và dịch vụ cơ bản cho TP này", hãng tin nhà nước SANA cho biết.


Ngày 13/7, một vụ đánh bom liều chết nhằm vào một cuộc vận động bầu cử đã diễn ra ở tỉnh Baluchistan, miền Tây Nam Pakistan khiến ít nhất 70 người đã thiệt mạng. Sự việc trên là vụ tấn công đẫm máu nhất tại quốc gia Nam Á này trong hơn 1 năm qua. Giới chức y tế tỉnh Baluchistan xác nhận số nạn nhân thiệt mạng trong vụ đánh bom đã tăng lên 70 người, trong khi đó hơn 120 người đã bị thương. Cảnh sát cho biết vào thời điểm xảy ra vụ tấn công, hơn 1.000 người đang tham gia cuộc vận động. Đây là vụ tấn công thứ ba trong tuần này nhằm vào các sự kiện tranh cử, làm dấy lên quan ngại về tình hình an ninh của cuộc bầu cử Pakistan diễn ra ngày 25/7 tới. 

Theo (Tổng hợp)
MỚI - NÓNG