THẾ GIỚI 24H: Mỹ phát hiện chủng COVID-19 mới có khả năng kháng vaccine cao

0:00 / 0:00
0:00
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hillsboro, Oregon. Ảnh: New York Times
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Hillsboro, Oregon. Ảnh: New York Times
TPO - Các nhà khoa học ở Oregon (Mỹ) đã phát hiện một loại virus gây COVID-19 mới hình thành tại bang này vốn biến đổi từ chủng B.1.1.7 lần đầu xuất hiện tại Anh, nhưng lại có khả năng kháng vaccine cao hơn.

Tờ New York Times đưa tin các nhà nghiên cứu cho đến nay chỉ tìm thấy một trường hợp bệnh nhân mắc loại virus mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 này. Tuy nhiên, kết phân tích di truyền gen cho thấy rằng biến thể này không phát sinh từ bệnh nhân trên mà người này đã bị nhiễm trong cộng đồng. “Biến thể này xuất hiện tự phát tại Oregon chứ không phải do lây nhiễm từ nước ngoài vào”, Phó giáo sư Brian O’Roak, nhà di truyền học tại Đại học Khoa học và Y tế Oregon cho biết. Ông cùng đồng nghiệp đã phối hợp với Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh (CDC) để theo dõi các biến thể của SARS-CoV-2. Biến chủng B.1.1.7 lần đầu được phát hiện tại Anh đã lây lan nhanh khắp nước Mỹ, với ít nhất 2.500 ca nhiễm tại 46 bang. Loại virus này vừa dễ lây vừa nguy hiểm hơn so với chủng gốc SARS-CoV-2. Dự kiến, nó sẽ chiếm số đông ca mắc mới ở Mỹ trong vài tuần tới.


Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 267.600 trường hợp mắc COVID-19 và 5.737 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã lên trên 117,7 triệu ca bệnh, trong đó trên 2,6 triệu người không qua khỏi. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 9/3 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 117.719.557 ca, trong đó có 2.611.029 người tử vong. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 93.360.372 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 21.748.156 ca và 89.852 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.


Mỹ tiếp tục là nước ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 cao nhất với 29.737.573 ca và số ca tử vong cao nhất với 538.518 ca. Mỹ chiếm tới 25% tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn thế giới, trong khi số ca tử vong chiếm 20%. Ấn Độ có số ca nhiễm cao thứ hai với 11.244.624 ca nhưng nếu tính về số ca tử vong thì Brazil đứng thứ hai thế giới với 266.398 người không qua khỏi. Một năm sau kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Mỹ vẫn đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm thứ 4 dù đang chạy đua với thời gian để tiêm phòng cho người dân cũng như ngăn chặn số ca nhập viện và tử vong vì virus đáng sợ này gia tăng.


Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 8/3 đã ca ngợi chuyến thăm Iraq của Giáo hoàng Francis là “biểu tượng của hy vọng cho toàn thế giới.” Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden cho rằng chuyến thăm của Đức Giáo hoàng Francis là một sự kiện lịch sử và gửi đi một thông điệp quan trọng rằng "niềm hy vọng mạnh mẽ hơn cái chết, hòa bình mạnh hơn chiến tranh.” Trong khuôn khổ chuyến thăm, cuộc gặp giữa Giáo hoàng Francis và Đại giáo chủ Hồi giáo dòng Shiite tại Iraq Ali Sistani hôm 6/3 được đánh giá là đã cho thấy tinh thần đối thoại và sự gần gũi giữa các tôn giáo.


Ngày 8/3, quân đội Ai Cập cho biết các hải quân Ai Cập và Pháp đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung ở Biển Đỏ. Người phát ngôn quân đội Ai Cập Tamer al-Refai cho biết cuộc tập trận chung bao gồm các khoa mục khác nhau như bảo vệ các mục tiêu quan trọng trên biển trước các mối đe dọa tiềm tàng, các hoạt động phòng không và trao đổi hoạt động hạ cánh của trực thăng xuống các tàu sân bay của các đơn vị thủy quân lục chiến. Với mục tiêu củng cố quan hệ song phương và tăng cường triển vọng hợp tác quân sự giữa Ai Cập và Pháp, cuộc tập trận đóng góp hiệu quả vào việc giữ gìn an ninh và ổn định hàng hải trong khu vực.


Văn phòng Tổng thống Syria xác nhận ông Bashar al-Assad và đệ nhất phu nhân Asma mắc COVID-19. Sau khi nhận được kết quả xét nghiệm hôm 8/3, vợ chồng Tổng thống Syria đã tự cách ly. Trong quá trình này, ông Assad sẽ làm việc từ nhà. Quá trình cách ly dự kiến kéo dài hai đến ba tuần. "Cả hai đều có sức khỏe tốt và trong tình trạng ổn định", Văn phòng Tổng thống Syria cho biết và thông tin thêm rằng ông Assad và phu nhân có các triệu chứng nhẹ.


Ngày 7/3, một nghị sỹ thuộc đảng Dân chủ cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Đức Angela Merkel thông báo từ chức sau bê bối nhận tiền hối lộ liên quan các hợp đồng phân phối khẩu trang cho các địa phương. Trong thông báo mới, nghị sỹ Nikolas Loebel cho biết sẽ lập tức rút khỏi nhóm nghị sỹ là thành viên đảng CDU, nhưng tiếp tục đảm nhận vai trò nghị sỹ tại Hạ viện cho đến tháng Chín khi nước này tổ chức bầu cử liên bang. Ông Loebel cũng xin lỗi vì việc làm của mình đã ảnh hưởng tới nguyên tắc đạo đức của một nghị sỹ. Trước đó, ông Loebel bị cáo buộc nhận 250.000 euro (300.000 USD) để thúc đẩy một thương vụ mua khẩu trang của bang.


Ngày 7/3, hỏa hoạn bùng phát tại một trại tị nạn ở thủ đô Sanaa (Yemen) khiến ít nhất 8 người chết và hơn 170 người bị thương, Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) thông báo. IOM cho biết chưa xác định được nguyên nhân dẫn đến vụ hỏa hoạn tại khu trại nằm ở phía Nam thành phố Sanaa. Vụ việc khiến hơn 90 người bị thương nghiêm trọng, số trường hợp tử vong có thể tiếp tục gia tăng.


Ấn Độ đang thúc giục Mỹ, Nhật và Úc đầu tư nâng cao năng lực sản xuất vắc-xin của nước này, trong bối cảnh nhóm Bộ Tứ nỗ lực cạnh tranh với hoạt động ngoại giao vắc-xin của Trung Quốc trên toàn cầu. Bắc Kinh cam kết cung cấp ít nhất 463 triệu liều vắc-xin COVID-19 do nước này sản xuất thông qua hình thức xuất khẩu hoặc viện trợ cho nhiều quốc gia từ châu Á đến châu Phi, châu Âu đến Mỹ Latin. Hai quan chức cấp cao Ấn Độ nói với Reuters rằng liên minh Bộ Tứ, gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Úc, đang gia tăng nỗ lực mở rộng cung cấp vắc-xin toàn cầu để cạnh tranh với quyền lực mềm ngày càng lớn mà Trung Quốc có được. Là nhà sản xuất vắc-xin lớn nhất thế giới, Ấn Độ tin rằng nước này là nơi tốt nhất để triển khai nỗ lực của Bộ Tứ.

MỚI - NÓNG