THẾ GIỚI 24H: Mỹ tăng cường hoạt động ở Biển Đông

Các chiến đấu cơ đỗ trên tàu sân bay USS George Washington khi một tàu Mỹ khác đi qua ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
Các chiến đấu cơ đỗ trên tàu sân bay USS George Washington khi một tàu Mỹ khác đi qua ở Biển Đông. Ảnh: Reuters
TPO - Giới chức Mỹ khẳng định nước này sẽ gia tăng các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông trước mối lo ngại rằng Trung Quốc đang tìm cách thống trị vùng biển này.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện điều đó với độ phức tạp được nâng cao trong tương lai và chúng tôi sẽ điều máy bay, tàu và hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép", đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, nói trong một cuộc điều trần của Ủy ban Quân vụ Hạ viện.


Bộ Tổng tham mưu Nga ngày 27/2 cho biết, tình hình trên toàn bộ lãnh thổ Syria nằm trong sự giám sát của Lực lượng Không quân vũ trụ Nga. Theo phát ngôn viên của cơ quan, Nga đã thực hiện bước đầu tiên nhằm chấm dứt các hoạt động chiến sự trên đất Syria. Chế độ ngừng bắn ở Syria đã chính thức có hiệu lực vào lúc nửa đêm ngày 27/2. Thoả thuận về ngừng bắn đạt được ngày 22/2 trong quá trình các tham vấn Nga-Mỹ.


Hãng thông tấn nhà nước SANA của Syria ngày 27/2 đưa tin môt loạt quả đạn pháo đã rơi vào khu dân cư ở thủ đô Damascus, chỉ vài giờ sau khi lệnh ngừng bắn tại Syria do Mỹ và Nga làm trung gian, có hiệu lực. Nguồn tin quân sự cho biết "các nhóm khủng bố" đã bắn đạn pháo từ khu vực ngoại ô phía Đông thủ đô Damascus, nhưng chưa có thông báo về thương vong. Cho đến nay, chính quyền Syria vẫn gọi các nhóm vũ trang đối lập là "các nhóm khủng bố".


Nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã thừa nhận thực hiện một vụ tấn công liều chết tại cửa ngõ thị trấn Salamiya ở tỉnh Hama, Syria vào ngày 27/2. Truyền thông nhà nước Syria cho biết vụ tấn công đã khiến ít nhất 2 người thiệt mạng. Trong một tuyên bố trực tuyến, IS nói rằng một chiến binh của nhóm này đã lái xe bom tới một điểm tập trung của quân đội Syria ở khu vực trên và kích nổ. Theo IS, vụ tấn công đã khiến 20 người thiệt mạng và 35 người khác bị thương.


Các quan chức Afghanistan ngày 27/2 cho biết ít nhất 10 người đã thiệt mạng và hơn 40 người bị thương khi một kẻ đánh bom liều chết cho nổ tung thân mình gần một khu chợ tại tỉnh Kunar, miền Đông Afghanistan. Trong khi đó, một nguồn tin an ninh cho hay con số thiệt mạng là ít nhất 11 người, trong đó có 3 cảnh sát. Hiện chưa có nhóm nào nhận đứng đằng sau vụ đánh bom liều chết này.


Đã có ít nhất 30 phiến quân và dân thường thiệt mạng khi các máy bay của liên quân các nước Arab do Saudi Arabia đứng đầu oanh kích một khu chợ ở phía Đông Bắc của thủ đô Sanaa của Yemen, nơi lực lượng phiến quân đang kiểm soát. Theo một nguồn tin ở khu vực trên, cuộc không kích nhằm vào 3 phương tiện của phiến quân khi chúng tiến vào một khu chợ ở thị trấn Naqil bin Ghaylan.


Hàng nghìn người Nga hôm nay tuần hành qua trung tâm thủ đô Moscow nhân kỷ niệm một năm ngày cựu phó thủ tướng Boris Nemtsov bị bắn chết và yêu cầu giới chức trừng phạt kẻ đứng sau vụ ám sát ông. Ông Nemtsov, 55 tuổi, một lãnh đạo đối lập, bị bắn chết gần điện Kremlin vào tối 27/2/2015 khi đi bộ về nhà cùng bạn gái sau khi ăn ở nhà hàng. Các nhà điều tra cáo buộc nhóm nghi phạm người Chechnya chịu trách nhiệm về vụ việc.


Giới chức Pháp ngày 27/2 xác nhận trường hợp lây nhiễm virus Zika qua đường tình dục đầu tiên tại nước này. Bộ trưởng Y tế Pháp Marisol Touraine cho biết bệnh nhân là một phụ nữ không mang thai, bị phát hiện nhiễm Zika nhiều ngày trước đó từ một người bạn trai vừa trở về từ Brazil, nơi dịch Zika đang bùng phát mạnh. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đang trong tình trạng ổn định.


Một lò phản ứng hạt nhân tại khu tổ hợp hạt nhân ở phía Tây Nam Hàn Quốc đã phải ngừng hoạt động trong ngày 27/2 do gặp sự cố về kỹ thuật. Ông Min Sung-mok, thuộc Công ty Thủy điện và điện hạt nhân Hàn Quốc (KHNP) cho biết, lò phản ứng Hanbit 1 với công suất 950.000 KW đã phải dừng hoạt động vào lúc 5h16 sáng 27/2, do lỗi thiết bị ngưng tụ hơi nước.


Indonesia sẽ tăng cường nỗ lực chống tệ nạn mại dâm và đang lên kế hoạch đóng cửa tất cả phố đèn đỏ vào năm 2019. Theo đó, chính phủ Indonesia sẽ yêu cầu tất cả chính quyền địa phương đóng cửa ước tính khoảng 100 phố đèn đỏ trên đất nước có đông người Hồi giáo nhất thế giới này. Bước đi này cũng chịu không ít phản ứng trái chiều của người dân vì nó sẽ bao gồm cả việc phá hủy những khu nhà được cho là nhà chứa.

MỚI - NÓNG