THẾ GIỚI 24H: NATO đang bị tê liệt vì quá phụ thuộc vào Mỹ

Tổng thống Pháp cảnh báo NATO tê liệt vì quá phụ thuộc Mỹ. Ảnh: AP
Tổng thống Pháp cảnh báo NATO tê liệt vì quá phụ thuộc Mỹ. Ảnh: AP
TPO - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trong trạng thái tê liệt, đồng thời cảnh báo các thành viên châu Âu rằng họ không thể quá phụ thuộc vào Mỹ.

“Những gì chúng ta đang trải qua là NATO đang trong trạng thái chết não. NATO chỉ thực sự hoạt động nếu người bảo lãnh cho phương án cuối cùng thực sự làm vậy”, nhà lãnh đạo nhấn mạnh, “tôi cho rằng chúng ta nên đánh giá lại thực tiễn những gì NATO cam kết với Mỹ". Theo kênh RT, Tổng thống Macron cho rằng Washington đang “quay lưng lại” với NATO. Một trong những hành động của Mỹ thể hiện điều nay là quyết định rút quân khỏi miền Đông Bắc Syria và bỏ rơi đồng minh là lực lượng người Kurd tại đó.


Trang web của cảnh sát hạt Essex vừa đăng tải thông báo chính thức về việc nhận dạng 39 người Việt tử nạn. Cảnh sát Essex đã làm việc với công an Việt Nam để  xác minh danh tính 39 người thiệt mạng trên xe tải ngày 23/10. Các hồ sơ đã chính thức xác minh danh tính các nạn nhân. Gia đình của các nạn nhân đã được thông báo tin buồn.


Quân đội Nigeria ngày 7/11 cho biết ít nhất 10 binh sỹ nước này đã thiệt mạng và chín người bị thương trong một vụ tấn công của các tay súng nghi là thuộc nhóm Boko Haram tại khu vực hẻo lánh ở Đông Bắc Nigeria. Ngoài ra, 12 binh sỹ đã mất tích sau khi tổ tuần tra của họ bị các tay súng thánh chiến tấn công tại tỉnh Damboa, bang Borno. Các binh sỹ đã bị tấn công khi trở về căn cứ ở Damboa, cách thủ phủ Maiduguri của bang Borno 88km. Khu vực xảy ra vụ tấn công là bên bìa rừng Sambisa, nơi được coi là "thành trì" của nhánh Boko Haram do thủ lĩnh Abubakar Shekau đứng đầu.


Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 7/11 cho biết, số lượng thành viên gia đình của thủ lĩnh tối cao tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi, những người đã bị Ankara bắt giữ, đã lên đến “gần 2 con số”, trong đó có một trong những con trai của trùm khủng bố vừa bị tiêu diệt này. Hôm 6/11, ông Erdogan đã thông báo về việc bắt giữ một trong số những người vợ của “quốc vương Hồi giáo” tự xưng, cùng với việc bắt giữ chị gái, anh rể, cháu gái và 5 đứa trẻ khác. Ông Erdogan cho hay những thành viên khác trong “nhóm nòng cốt” của al-Baghdadi đang cố gắng chạy khỏi Syria và thâm nhập vào Thổ Nhĩ Kỳ.


Malaysia không đánh giá cao đề nghị đăng cai APEC 2020 của Mỹ .Mỹ đã đề nghị đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2020, sau khi Tổng thống Chile Sebastian Pinera đột ngột hủy tổ chức sự kiện này, vốn lên kế hoạch diễn ra trong hai ngày 16 và 17/11 tới, do khủng hoảng chính trị trong nước. Tuy nhiên, trong phát biểu ngày 7/11, Ngoại trưởng Malaysia - ông Saifuddin Abdullah, cho rằng đây "không phải là một ý tưởng hay."


Ngày 7/11, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ 17 người nước ngoài bị tình nghi có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hãng thông tấn Anadolu cho biết 17 nghi can trên bị bắt giữ tại Ankara và đã được giao nộp cho các nhân viên chống khủng bố thẩm vấn. Tuy nhiên, hãng tin này không cung cấp thông tin chi tiết về quốc tịch của họ. Thổ Nhĩ Kỳ gần đây gia tăng nỗ lực nhằm trấn áp IS sau khi thủ lĩnh tổ chức này Abu Bakr al-Baghdadi bị tiêu diệt hồi tuần trước.


Máy bay chiến thuật của Nga ngày 7/11 lần đầu tiên tiến hành tuần tra trên không dọc biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ như một phần trong thỏa thuận Nga-Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới vùng đệm ở miền bắc Syria, chỉ huy trung tâm điều phối của Nga tại Syria cho biết. Ông  không nói chi tiết chính xác loại máy bay tham gia tuần tra. “Máy bay chiến thuật đã tiến hành tuần tra trên không dọc tuyến đường căn cứ không quân Kuweires-khu định cư Ain Isa- khu định cư Raqqa, và dọc Hồ Assad trở về căn cứ không quân Kuweires”,ông nói.


Ngày 7/11, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết kêu gọi chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế, thương mại và tài chính mà Mỹ áp đặt đối với Cuba. Đây là năm thứ 28 liên tiếp Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua nghị quyết này. Trong cuộc bỏ phiếu ngày 7/11, 187 nước thành viên Liên Hợp Quốc đã nhấn mạnh sự ủng hộ đối với Nghị quyết, trong khi đó, Mỹ và Brazil bỏ phiếu chống. Colombia và Ukraine bỏ phiếu trắng.


Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 7/11 cho biết, Iran đã chuyển một thùng khí urani tới cơ sở hạt nhân Fordow và đấu nối với các máy ly tâm ở đây, qua đó vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà Tehran ký kết với các cường quốc lớn hồi năm 2015. Tuy nhiên, IAEA không đề cập gì đến việc làm giàu urani của Iran. Một người phát ngôn của IAEA cho biết, hôm 6/11, cơ quan này đã xác nhận rằng thùng khí urani nói trên đã được đấu nối vào hai tầng của các máy ly tâm để chống ăn mòn. Đây là "một bước chuẩn bị trước khi tiến hành làm giàu (urani)."


Ngày 7/11, ít nhất 9 người di cư đã thiệt mạng ngoài khơi đảo Canary Lanzarote của Tây Ban Nha, sau khi chiếc thuyền chở họ bị lật vì đâm vào đá. Theo truyền thông địa phương, khi xảy ra vụ tai nạn trên thuyền có 15 người. Được biết, chiếc thuyền này rời khỏi Agadir, Morocco, địa điểm cách Canary Lanzarote gần 200km, từ 5 ngày trước đó. 5 thi thể được tìm thấy vào hôm 6/11 và 4 thi thể được tìm thấy vào ngày 7/11. 4 người di cư khác được giải cứu. Hiện lực lượng cứu hộ vẫn đang tìm kiếm 2 người mất tích.

MỚI - NÓNG