THẾ GIỚI 24H: NATO không muốn Chiến tranh Lạnh với Nga

THẾ GIỚI 24H: NATO không muốn Chiến tranh Lạnh với Nga
TPO - "Nga là một cường quốc trên thế giới, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không muốn chiến tranh Lạnh với Nga"- Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 13/2 đã đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich đang diễn ra ở Đức.

Người đứng đầu NATO nhấn mạnh Nga là láng giềng lớn nhất của liên minh quân sự này và là một cường quốc thế giới. NATO không tìm kiếm sự đối đầu với Moscow và không muốn chiến tranh lạnh giữa hai bên. Tổng Thư ký NATO cho rằng quan hệ với Nga cần được xây dựng trên cơ sở "phòng thủ và đối thoại". 


Phát biểu tại Hội nghị an ninh Munich đang diễn ra ở Đức, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev cảnh báo Nga và các nước phương Tây đã rơi vào một cuộc chiến tranh Lạnh mới. Người đứng đầu Chính phủ Nga nhấn mạnh "đường lối chính trị của NATO với Nga vẫn là thù địch và đóng kín". Ông Medvedev nêu rõ hầu như mỗi ngày đều có những thông báo về "mối đe dọa khủng khiếp nhất" lúc thì đối với NATO nói chung, lúc thì với riêng châu Âu, Mỹ và các nước khác, được coi là xuất phát từ Nga.


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cảnh báo châu Âu đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ II. Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh: "Chưa bao giờ trong lịch sử, chúng ta phải đối đầu với nhiều cuộc khủng hoảng như vậy. Chúng ta đang đứng trước cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất kể từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ II". Nhà ngoại giao Mỹ cũng cam kết hỗ trợ châu Âu, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng có thể đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng. 


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 13/2 tuyên bố nước này có thể tiến hành hoạt động quân sự chống lại các tay súng người Kurd ở Syria - lực lượng mà Ankara coi là một nhóm khủng bố - nếu cần thiết. Ông Davutoglu nêu rõ: "Nếu cần thiết, chúng tôi có thể tiến hành các biện pháp tương tự ở Syria giống như chúng tôi đã thực hiện ở Iraq và khu vực Qandil. Chúng tôi hy vọng những người bạn và đồng minh sẽ sát cánh cùng chúng tôi".


Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chỉ trích Nga lặp lại hành động khiêu khích ở cả Ukraine và Syria, nhấn mạnh sẽ tiếp tục các biện pháp trừng phạt cho tới khi Thỏa thuận hòa bình Minsk được thực thi toàn diện. Ngoại trưởng Kerry cho rằng, với việc ủng hộ lực lượng đòi ly khai ở Đông Ukraine và can thiệp quân sự ở Syria nhân danh Tổng thống Bashar al-Assad, Nga đã hành động bất chấp nguyện vọng của cộng đồng quốc tế.


Ngoại trưởng nhóm "Bộ tứ Normandy" (gồm Nga, Pháp, Đức và Ukraine) đã nhất trí tăng cường công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử địa phương tại Donbass, miền Đông Ukraine. Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho biết các bên đã nhất trí nhóm Tiếp xúc về Ukraine và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) cần đưa ra những đề xuất cụ thể nhằm cải thiện việc tuân thủ lệnh ngừng bắn, về công tác chuẩn bị cho bầu cử địa phương tại miền Đông Ukraine và đảm bảo an ninh trong thời gian thực hiện các công việc trên. 


Trang tin chuyên về các vấn đề vũ khí khu vực Trung Đông và Bắc Phi (Menadéfense) ngày 13/2 đưa tin, không quân nước này đã đặt mua máy bay Sukhoi Su-35 (trước đây có tên gọi là Su-27M) của Nga. Đây là một phần trong những nỗ lực hiện đại hóa đội bay của Algeria. Theo nguồn tin trên, Algeria đặt mua máy bay Su-35 sau khi đã tiến hành hàng loạt các cuộc thử nghiệm tại Tamanrasset, cách thủ đô Algiers 1.900 km về phía Nam. 


Ấn Độ đã cho triệu Đại sứ Mỹ tại nước này Richard Verma tới để bày tỏ thái độ “không hài lòng và thất vọng” khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama quyết định bán máy bay chiến đấu F-16 cho Pakistan. Bộ Ngoại giao Ấn Độ cùng ngày cũng đã ra tuyên bố mạnh mẽ bày tỏ thất vọng trước quyết định trên của Mỹ, đặc biệt khi Washington viện lý do máy bay F-16 sẽ giúp Islamabad đối phó với khủng bố.


Mỹ và Cuba sẽ ký một thỏa thuận song phương vào ngày 16/2 tới nhằm khôi phục các chuyến bay thương mại giữa hai quốc gia sau hơn nửa thế kỷ bị gián đoạn. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 12/2 nêu rõ: "Trong khi luật pháp Mỹ cấm du lịch tới Cuba, thỏa thuận trên sẽ tạo thuận lợi cho các hoạt động du lịch được cho phép, qua đó mở rộng các lựa chọn cho du khách và tăng cường liên kết giữa người dân hai nước". 


Giá dầu thế giới bật tăng sau khi xuất hiện một số báo cáo cho thấy Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) sẵn sàng xem xét việc cắt giảm sản lượng dầu mỏ nhằm xoa dịu tình trạng nguồn cung dư thừa quá mức trên toàn cầu. Giá dầu ngọt nhẹ của Mỹ giao tháng 3/2016 đã khép phiên giao dịch tại thị trường New York với mức tăng tới 3,23 USD (12.3%) lên 29,44 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao tháng 4/2016 cũng tiến thêm 3,30 USD (11%), lên 33,36 USD/thùng.

MỚI - NÓNG