THẾ GIỚI 24H: NATO muốn đối thoại với Nga

Ảnh: AP
Ảnh: AP
TPO - Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã bày tỏ mong muốn đối thoại với Nga sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump và Tổng thống Vladimir Putin hôm 14/11 nhất trí hướng tới “sự hợp tác mang tính xây dựng”.

Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg đã đưa ra tuyên bố trên. Phát biểu với phóng viên trước thềm cuộc họp với bộ trưởng quốc phòng các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) tại thủ đô Brussels (Bỉ), ông Stoltenberg nói: “Thông điệp từ NATO là chúng tôi muốn đối thoại với Nga... đặc biệt là khi căng thẳng leo thang và khi chúng tôi đối mặt nhiều thách thức an ninh khác nhau”.


Điện Kremlin ngày 15/11 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ không gặp nhau trước khi ông Trump nhậm chức vào ngày 20/1/2017. Trong cuộc điện đàm hôm 14/11, Tổng thống Putin và Tổng thống đắc cử Trump đã nhất trí cùng làm việc hướng tới “sự hợp tác mang tính xây dựng,” trong đó có cả cuộc chiến chống khủng bố. Ông Trump trước đó từng bày tỏ mong muốn gặp ông Putin, có khả năng trước khi ông nhậm chức Tổng thống Mỹ.


Một châu Âu đoàn kết và vững mạnh là "điều tốt lành" đối với Mỹ, trong khi NATO có vai trò quan trọng tuyệt đối đối với an ninh và sự thịnh vượng của Washington. Đây là lời khẳng định của Tổng thống Mỹ Barack Obama khi đang ở thăm Hy Lạp ngày 15/11, chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu cuối cùng trước khi rời nhiệm sở của nhà lãnh đạo Mỹ.


Nhiều lãnh đạo chính trị đối lập đã đề nghị Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye từ chức hoặc bị kết tội về vụ bê bối liên quan tới người bạn thân tín lâu năm của bà. Ông Moon Jae-in - nguyên chủ tịch Đảng Minjoo đối lập chính - đã nói với báo giới rằng ông sẽ khởi xướng một chiến dịch trên toàn quốc nhằm buộc Tổng thống Park phải từ chức. Ông khẳng định chiến dịch này sẽ kéo dài cho tới khi Tổng thống Park tuyên bố từ chức vô điều kiện.


Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier ngày 15/11 đã hội đàm với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại thủ đô Ankara, trong đó ông Steinmeier tuyên bố không ủng hộ việc dừng đàm phán với Thổ Nhĩ Kỳ về việc nước này gia nhập EU, song cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần quyết định có thúc đẩy nỗ lực gia nhập EU nữa hay không. Nhà ngoại giao Đức thừa nhận Berlin và Ankara vẫn bất đổng quan điểm về chiến dịch truy quét mà chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành sau cuộc đảo chính bất thành ngày 15/7. 


Bộ Ngoại giao Iran đã bác bỏ những quan ngại của Liên minh châu Âu về chương trình tên lửa của nước này. Phát ngôn viên Bahram Qasemi nhấn mạnh những vụ thử tên lửa của Tehran được tiến hành trong khuôn khổ các chính sách quốc phòng của nước này, và năng lực quốc phòng của Iran chắc chắn sẽ không thể bị đưa ra thương lượng hoặc thỏa hiệp.


Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov của Nga đã bắt đầu tham gia chiến sự tại Syria. Ngoài tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov, các tổ hợp tên lửa ven biển Bastion cũng đã thực hiện các cuộc tấn công hướng vào những mục tiêu khủng bố ở sâu trong lãnh thổ Syria. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Hải quân Nga, tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov thực hiện hiệp đồng tác chiến với các lực lượng vũ trang khác của Liên bang. (XEM CHI TIẾT)


Nguồn tin quân sự - ngoại giao Nga cho biết, các oanh tạc cơ lừng danh Tu-160 và Tu-95 được gắn tên lửa hành trình trong khi các phi công được lệnh sẵn sàng chiến chiến đấu. “Nhóm không quân Nga đã sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ với sự xuất hiện của các tên lửa hành trình”, nguồn tin cho biết nhưng không cho biết mục đích của công tác chuẩn bị quan trọng này. (XEM CHI TIẾT)


Bộ trưởng Quốc phòng Vương quốc Anh Michael Fallon xác nhận kế hoạch triển khai 8.000 binh sĩ cùng một số xe chiến đấu bộ binh, xe tăng Challenger 2 và máy bay chiến đấu ở Estonia. Giới quân sự Nga không loại trừ khả năng Vương quốc Anh cũng sẽ triển khai siêu pháo M270 MLRS gần biên giới Liên bang. (XEM CHI TIẾT)

MỚI - NÓNG