THẾ GIỚI 24H: Nga cảnh báo việc thiết lập tổ hợp tên lửa Mỹ ở Ukraine

THẾ GIỚI 24H: Nga cảnh báo việc thiết lập tổ hợp tên lửa Mỹ ở Ukraine
TPO - Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov ngày 20/5 tuyên bố việc Ukraine có ý định cho phép triển khai các tổ hợp tên lửa phòng không (MDS) của Mỹ tại nước này là động thái mang tính “tiêu cực.”

Bình luận về tuyên bố trước đó của Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia và Quốc phòng Ukraine (NSDC), ông Aleksandr Turchinov về nội dung nêu trên, ông Peskov cho rằng "nếu Ukraine muốn triển khai trên lãnh thổ của mình các tổ hợp tên lửa phòng không (MDS) của Mỹ, chúng tôi có thể xem đó là động thái mang tính tiêu cực, vì nó sẽ là một nguy cơ đối với Nga”.

Theo người phát ngôn của Tổng thống Nga, việc thiết lập MDS ở Ukraine "sẽ dẫn tới sự cần thiết phải có các biện pháp đối phó tương ứng để đảm bảo an ninh của Nga."

Trước thông tin trên, Mỹ tuyên bố không có kế hoạch đặt hệ thống phòng thủ tên lửa ở Ukraine. Theo Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf: "Tôi không nghĩ chúng tôi là đối tác chắc chắn mà họ đang đề cập đến", bà Harf nói. "Kế hoạch phòng thủ tên lửa của NATO rất quan trọng. Tất cả theo như kế hoạch hiện thời sẽ hoàn toàn nằm trong lãnh thổ của NATO". "Không có lời đề nghị từ Ukraine hay kế hoạch của Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của NATO ở Ukraine", bà Harf tuyên bố.


Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk, ngày 20/5 cho biết Kiev đã quyết định hủy bỏ một thỏa thuận hợp tác kỹ thuật-quân sự với Nga. Phát biểu tại một cuộc họp chính phủ, Thủ tướng Yatsenyuk thông báo Chính phủ Ukraine chấm dứt hiệu lực của hiệp định về hợp tác kỹ thuật-quân sự với Liên bang Nga ký kết năm 1993.

Sau khi Liên Xô tan rã, tại Ukraine còn một số lượng lớn các xí nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp-quốc phòng thời Liên Xô, vốn liên kết mật thiết với ngành quốc phòng của Nga. Đặc biệt, Ukraine được thừa hưởng tới 1/3 số xí nghiệp và phòng thiết kế của ngành tên lửa và hàng không Liên Xô.

Tháng 5/1993, Nga và Ukraine ký Hiệp định liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật-quân sự, theo đó hai bên thỏa thuận duy trì và phát triển hợp tác trong chế tạo và sản xuất các loại hàng hóa quân sự để cung cấp cho nhau, đồng thời cung cấp lẫn nhau các dịch vụ liên quan. 


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 20/5 đã tái khẳng định Moscow sẵn sàng hợp tác cùng thắng với Phương Tây. Phát biểu tại một phiên họp của Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga), ông Lavrov nêu rõ: “Chúng tôi sẵn sàng phát triển sự hợp tác với Phương Tây nếu họ sẵn sàng hành động một cách trung thực và trên cơ sở đôi bên cùng có lợi”.

Nhà ngoại giao này đồng thời nhấn mạnh Nga sẵn sàng hưởng ứng tích cực và nối lại hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nếu liên minh quân sự này xem xét lại các cuộc tiếp xúc hiện nay với Moscow. Ngoài ra, Ngoại trưởng Nga cũng hối thúc nối lại cuộc đàm phán nhằm mở rộng sự hợp tác giữa Liên minh châu Âu (EU) và Liên minh kinh tế Á-Âu mà Moskva đóng vai trò chủ chốt.


Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO Jens Stoltenberg đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nhằm thảo luận về tình hình Ukraine. Cuộc gặp diễn ra bên lề cuộc họp thường kỳ Hội đồng Ngoại giao Liên minh châu Âu đang diễn ra tại Bỉ.

Tại cuộc gặp, hai bên đã thẳng thắn chia sẻ quan điểm về cuộc khủng hoảng Ukraine. Theo đó, Tổng thư ký NATO yêu cầu Nga chấm dứt việc ủng hộ lực lượng ly khai ở miền Đông Ukraine, điều mà Nga luôn lên tiếng bác bỏ. Đây là cuộc gặp đầu tiên trong vòng 3 tháng qua giữa Tổng thư ký NATO Stoltenberg và Ngoại trưởng Nga Lavrov. NATO đã đình chỉ quan hệ hợp tác với Nga sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi tháng 4/2014.


Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon ngày 20/4 cho biết, CHDCND Triều Tiên đã hủy bỏ chuyến thăm dự định của ông tới khu công nghiệp liên Triều nằm ở thành phố biên giới Kaesong của Triều Tiên. Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, ông Ban Ki-moon dự định sẽ tới thăm Kaesong vào ngày 21/5, để gặp gỡ các doanh nghiệp của Hàn Quốc cũng như công nhân Triều Tiên ở khu công nghiệp này.

“Sáng sớm nay, Triều Tiên đột ngột thông báo cho chúng tôi thông qua một kênh ngoại giao rằng, họ đã hủy cấp phép đối với chuyến thăm của tôi tới khu công nghiệp Kaesong", Tổng thư ký Ban Ki-moon nói.


Cuba quyết định từ chối thỏa thuận đã ký kết với Bắc Kinh hồi nửa cuối năm ngoái về việc triển khai các tàu của Hải quân Trung Quốc ở nước mình. Tờ báo Nhật Bàn Yomiuri Shimbun số ra ngày 20/5 cho biết, "bước tiến lớn đạt được trong việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ" đã thúc đẩy Cuba quyết định từ chối thỏa thuận triển khai các tàu Hải quân Trung Quốc. 

Bài báo cũng lưu ý rằng từ năm 2012, phía Cuba đã đề xuất Trung Quốc đặt các tàu của họ trong vùng biển Caribbean cũng như tiến hành các cuộc tập trận chung.


Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/5 cho biết, các lực lượng vũ trang nước này đã điều động một con số kỷ lục tới 10 chiến đấu cơ F-16 tuần tra định kỳ tại khu vực biên giới giáp Syria. Bộ tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho hay ban đầu chỉ có 2 đến 6 máy bay chiến đấu làm nhiệm vụ trên, nhưng con số này đã tăng lên 10 chiếc vào ngày 20/5. Thông báo cũng lưu ý các hệ thống phòng không loại SA của Syria đã “quấy nhiễu” 2 chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ trong thời gian 45 giây hôm 19/5 vừa qua.


Chính phủ Đức đang lên kế hoạch bồi thường hơn 10 triệu euro (11,1 triệu USD) cho gần 4.000 cựu tù nhân Liên Xô trong Thế chiến thứ Hai vốn bị bắt giữ nhưng may mắn sống sót dưới tay phát xít Đức.

Mặc dù, châu Âu đã tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 70 ngày chấm dứt Chiến tranh Thế giới lần thứ hai vào đầu tháng này nhưng hiếm có cuộc thảo luận nào nhắc tới số phận của hàng triệu tù nhân trong giai đoạn chiến tranh này.

Theo tờ The Moscow Times, nguồn tin từ chính phủ Đức cho hay hôm 20/5, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Angela Merkel đã đồng thuận với đảng Dân chủ Xã hội để thiết lập khoản ngân sách hỗ trợ cho mỗi tù nhân Liên Xô cũ bị bắt giữ dưới tay phát xít Đức là 2.500 euro (2.780 USD). 


Công tác nhận dạng toàn bộ 150 nạn nhân trong vụ tai nạn máy bay Germanwings hôm 24/3 vừa qua đã hoàn tất. Các công tố viên Pháp vừa cho biết, toàn bộ 150 nạn nhân tới từ 18 quốc gia trong vụ tai nạn thảm khốc này đã được nhận dạng hoàn toàn. Các thi thể của các nạn nhân trên có thể được đưa về với gia đình để thực hiện các nghi thức an táng. Cùng với đó, báo cáo đầy đủ về vụ tai nạn Germanwings sẽ được hoàn thiện trong 1 năm tới. Trong số 150 nạn nhân thiệt mạng có 72 người mang quốc tịch Đức, 50 người mang quốc tich Tây Ban Nha và 28 người đến từ các quốc gia khác.


Chiều 20/5, giá dầu tăng trở lại trên thị trường châu Á sau khi đã giảm sâu trong phiên giao dịch trước. Theo các nhà phân tích nguyên nhân tăng giá là do đồng USD tăng mạnh và sự quan ngại của thị trường về nguồn cung toàn cầu.

Tại thị trường Singapore chiều 20/5, giá dầu ngọt nhẹ New York (WTI) giao tháng 7/2015 đã tăng 53 cent lên 58,52 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao cùng kỳ hạn cũng tăng 61 cent lên 64,63 USD/thùng. Cả hai loại dầu này đều giảm mạnh trong phiên giao dịch hôm qua do những lo ngại về nguồn cung dư thừa, nhưng khi đồng USD tăng so với các đồng tiền chủ chốt khác làm cho giá dầu được giao dịch bằng đồng USD trở nên đắt hơn khiến nhu cầu giảm.

MỚI - NÓNG