THẾ GIỚI 24H: Nga không còn ủng hộ Tổng thống Syria?

Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tại Điện Kremlin ngày 29/6. Ảnh: AP
Tổng thống Putin và Ngoại trưởng Sergey Lavrov trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Syria Walid Muallem tại Điện Kremlin ngày 29/6. Ảnh: AP
TPO - Ngày 14/8, sau các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, Liên minh Dân tộc Syria (SNC) đã khẳng định rằng Moscow "không còn ủng hộ" Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Chủ tịch SNC, nhóm đối lập chính ở Syria, ông Khaled Khoja hôm 13/8 đã gặp Ngoại trưởng Lavrov như một phần trong nỗ lực mới của Moscow nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc nội chiến kéo dài 4 năm và cướp đi sinh mạng khoảng 240.000 người ở quốc gia Trung Đông này. Trả lời họp báo, Chủ tịch Khoja nói: "Chúng tôi nhận thấy giới chức Nga không còn ủng hộ cá nhân ông Assad, song vẫn ủng hộ nhà nước Syria, sự toàn vẹn lãnh thổ Syria cũng như duy trì các thực thể của Syria". Phản ứng trước tuyên bố trên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova khẳng định lập trường của Moscow không hề thay đổi. "Chúng tôi không ủng hộ cá nhân ông Assad mà ủng hộ một tổng thống được bầu cử hợp pháp ở Syria".


Sáng 14/8 theo giờ Cuba (tối cùng ngày theo giờ Việt Nam), lần đầu tiên Quốc kỳ của Mỹ đã được kéo lên tại thủ đô La Habana của Cuba sau 54 năm kể từ khi hai nước cắt đứt quan hệ ngoại giao. Ba lính thủy quân lục chiến đã nghỉ hưu của Mỹ, những người đã làm lễ hạ cờ 54 năm về trước, đã trao lá cờ mới cho Đội quốc kỳ thuộc thủy quân lục chiến để kéo lên trên trước tòa nhà sứ quán Mỹ. Sự kiện mang tính biểu tượng này đã hoàn tất tiến trình tái thiết lập quan hệ ngoại giao - chương đầu tiên trong quá trình bình thường hóa quan hệ giữa La Habana và Washington. 


Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố Moscow đã thông báo cho Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hiểu rõ rằng nước này sẽ không chấp nhận bất kỳ nghị quyết về trừng phạt Iran được đưa ra Liên Hợp quốc. "Việc tiếp tục gây áp lực gay gắt, ép Iran nhượng bộ nhiều hơn những gì từng được phản ánh trong kế hoạch hành động chung toàn diện, là đường lối dẫn tới ngõ cụt. Các biện pháp trừng phạt không đem lại kết quả mong muốn, là động thái vô dụng và gây tổn thất. Khi thông qua Nghị quyết 1929, gói biện pháp trừng phạt cuối cùng chúng tôi đã thông báo cho các đồng nghiệp Mỹ và EU hiểu rõ rằng Nga sẽ không để có thêm nghị quyết trừng phạt nào được đưa ra", ông Ryabkov nói.


Thủ tướng Nhật Bản Shino Abe cho rằng, các thế hệ tương lai của Nhật Bản không cần phải tiếp tục xin lỗi về những sai lầm trong quá khứ. Ông Abe cũng bày tỏ sự thấu hiểu đối với những “đau thương, mất mát vô hạn” mà quân phiệt Nhật Bản đã gây ra cho những người vô tội trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Trong tuyên bố chính thức phát sóng trực tiếp trên cả nước tối 14/8 nhân dịp kỷ niệm 70 năm kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ 2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định, “những lời xin lỗi chân thành” của các bậc tiền nhiệm như cựu Thủ tướng Tomiichi Murayama và cựu Thủ tướng Junichiro Koizumi có giá trị “không thể lay chuyển”.


Ngày 14/8, đảng Đoàn kết và Phát triển Liên bang (USDP) cầm quyền ở Myanmar khẳng định không thay đổi các mục tiêu, tư tưởng và chính sách của đảng sau khi tiến hành cải tổ Ban chấp hành trung ương. Trong một thông cáo báo chí, USDP cho biết cuộc cải tổ diễn ra một ngày trước đó nhằm mục đích tăng cường củng cố nội bộ đảng, đẩy mạnh hợp tác với các chính đảng khác cũng như các nhóm sắc tộc vì lợi ích của đất nước và nhân dân. Thông cáo khẳng định USDP cũng sẽ giữ nguyên kế hoạch đề cử 1.147 ứng viên tham gia cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Quốc hội và các hội đồng địa phương. Tổng thống U Thein Sein và Phó Tổng thống U Nyan Tun đã tuyên bố không tham gia tranh cử lần này.


Người phát ngôn Hạm đội Biển Đen của Nga, Đại tá Vyacheslav Trukhachev thông báo một đội gồm 6 tàu chiến thuộc hạm đội này đã tiến hành các cuộc tập trận bắn tên lửa và pháo binh trên các vùng biển trung lập ở Địa Trung Hải. Ông Trukhachev nói: "Ngoài tàu tuần dương trang bị tên lửa Moscow, tổng cộng 5 tàu chiến và 3 tàu hậu cần đã tham gia các cuộc diễn tập này". Trong quá trình tập trận, các tàu chiến thuộc Hạm đội Biển Đen đã thực hành các biện pháp bảo vệ các đoàn tàu, năng lực phòng thủ trước các cuộc tấn công từ trên không, tấn công tác chiến nhằm vào tàu của quân địch giả định và hỗ trợ tàu bị hư hỏng.


Ngày 14/8, các quan chức Chính phủ Mỹ cáo buộc tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) dùng chất độc hóa học để tấn công lực lượng người Kurd tại Iraq. Wall Street Journal trích dẫn lời các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, sau khi điều tra, các cơ quan tình báo của Mỹ tin rằng, phiến quân IS đã sử dụng một lượng chất độc hóa học trước khi giao tranh với các chiến binh người Kurd tại Iraq. Trước đó, ngày 12/8, khoảng 60 chiến binh người Kurd tham gia chiến đấu chống lại phiến quân IS tại miền bắc Iraq, đã bị những vết thương trong cổ họng liên quan đến cuộc tấn công sử dụng chất độc hóa học.


Ngày 14/8, nhà chức trách Malaysia cho biết các mảnh vỡ được tìm thấy ở Maldives cho đến nay không liên quan tới máy bay mất tích MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines. Theo Bộ trưởng Giao thông Malaysia Liow Tiong Lai, nhóm chuyên gia mà nước này cử tới Maldives đã nghiên cứu các mảnh vỡ mà người dân ở quốc đảo này phát hiện trước đó, song những mảnh vỡ này không liên quan tới máy bay MH370 và cũng không phải là vật liệu dùng để chế tạo máy bay. 


Nhóm các Bộ trưởng Tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurogroup) bắt đầu nhóm họp tại Brussels, Bỉ, nhằm đưa ra quyết định về gói viện trợ trị giá 85 tỷ euro cho Hy Lạp để đổi lại những biện pháp khắc khổ và cải cách kinh tế xa hơn của Athen. Phát biểu với phóng viên tại Brussels trước thềm cuộc họp, người đứng đầu Eurogroup Jeroen Dijsselbloem khẳng định khoản nợ khổng lồ của Hy Lạp tiếp tục là "điểm quan ngại chính" trong cuộc họp này của các bộ trưởng tài chính, đồng thời cho biết thời gian họp "sẽ không ngắn".


Mỹ đã yêu cầu 5 quốc gia châu Âu phong tỏa tài sản của 2 nhà khai thác di động Nga МТS và VimpelCom cũng như Công ty Telia Sonera của Thụy Điển với tổng trị giá gần 1 tỉ USD. Trong số tài sản bị phong tỏa trên, 300 triệu USD có trong các tài khoản ở Ireland, Luxembourg và Bỉ; 640 triệu USD ở Thụy Sĩ, bao gồm 1 biệt thự nằm trên bờ hồ; 30 triệu USD ở Thụy Điển. Các công tố viên Mỹ cho rằng Công ty VimpelCom Ltd đóng ở Amsterdam - Hà Lan, Công ty MTS của Nga và Công ty Telia Sonera của Thụy Điển đã gửi nhiều triệu USD vào tài khoản các công ty do Gulnara Karimova, con gái lớn của Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, nắm quyền kiểm soát nhằm bảo đảm việc thực hiện một số dự án ở nước này

MỚI - NÓNG