THẾ GIỚI 24H: Nga phạm sai lầm khi can thiệp quân sự ở Syria?

THẾ GIỚI 24H: Nga phạm sai lầm khi can thiệp quân sự ở Syria?
TPO - Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia đã cảnh báo Nga về những hậu quả từ sự can thiệp của Moscow ở Syria. 

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Saudi Arabia Adel al-Jubeir ở Ankara, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Feridun Sinirlioglu nói: “Nga đang phạm phải sai lầm lớn”. Theo ông Sinirlioglu, hành động quân sự của Nga ở Syria sẽ không mang lại ý nghĩa hay lợi ích gì mà trái lại chỉ làm chậm trễ tiến trình chuyển tiếp chính trị nhằm giúp Syria thoát khỏi tình trạng hỗn loạn hiện nay. Ngoại trưởng Saudi Arabia nhấn mạnh về tầm quan trọng của một giải pháp chính trị mà trong đó Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ không có vai trò gì trong tương lai. Ông Jubeir cũng cảnh báo hành động can thiệp của Nga ở Syria có thể dẫn đến sự can dự của những thế lực từ bên ngoài khác vào tình hình ở quốc gia Trung Đông này.


Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/10 cho biết lực lượng của nước này tại Syria đã thiết lập một "đường dây nóng" với quân đội Israel nhằm tránh xảy ra đụng độ trên bầu trời quốc gia Trung Đông này. Theo thông cáo của bộ trên, một cơ chế "chia sẻ thông tin đã được thiết lập thông qua một đường dây nóng giữa trung tâm chỉ huy hàng không Nga tại Căn cứ không quân Hmeimim (tại Syria) và một chốt chỉ huy của Không lực Israel".


Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách đối ngoại của Quốc hội Iran, ông Alaedin Boroujerdi khẳng định rằng Tehran chỉ cung cấp vũ khí và chuyên gia quân sự cho Syria và Iraq. Phát biểu họp báo tại thủ đô Damascus của Syria, ông Boroujerdi nêu rõ: “Sự hỗ trợ của chúng tôi dành cho Iraq và Syria là theo yêu cầu của hai quốc gia này, cũng như theo chiến lược chống khủng bố của Tehran. Chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí và chuyên gia quân sự cho cả hai nước.”


Bộ Quốc phòng Litva ngày 15/10 cho biết Mỹ đã lựa chọn thành phố Marijampole ở miền Nam nước này làm điểm cung ứng hậu cần cho các binh sỹ Mỹ triển khai tại các nước Baltic, theo đó, đơn vị hậu cần tại Marijampole sẽ tích trữ và cung cấp mọi đồ quân nhu cần thiết để triển khai các chiến dịch trong khu vực. Một phần hàng quân nhu sẽ được chuyển tới nước này vào ngày 19/10 tới.


Các quan chức cấp cao Mỹ cho biết Tổng thống Barack Obama sẽ duy trì 5.500 binh sĩ Mỹ ở Afghanistan khi ông rời nhiệm sở vào năm 2017. Tổng thống Obama ban đầu dự định rút hầu hết binh sĩ vào cuối năm 2016, chỉ để lại một số ít quân đóng tại đại sứ quán Mỹ. Tuy nhiên, trong nhiều tháng qua, các lãnh đạo quân đội Mỹ đã tranh luận rằng người Afghanistan cần có thêm sự hỗ trợ của Mỹ để đẩy lui phiến quân Taliban và duy trì những thành quả đã đạt được trong 14 năm qua với sự viện trợ của Washington lên tới hàng tỷ USD cũng như sự đổ máu của binh sĩ Mỹ.


Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) ngày 15/10 cho biết Iran đã chuyển cho cơ quan này những thông tin và tài liệu cần thiết để đánh giá liệu các hoạt động trước đây của Tehran có liên quan tới vũ khí hạt nhân hay không. Đây là bước tiến trong quá trình thực thi thỏa thuận giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức). Thỏa thuận trên mở đường cho việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Tehran để đổi lấy việc Iran hạn chế các hoạt động hạt nhân. Đánh giá của IAEA cần phải được công bố trước ngày 15/12. 


Cảnh sát bang New South Wales đã phối hợp với các lực lượng chống khủng bố ở Australia tiến hành bắt giữ Talal Alameddine tại nhà riêng ở Merrylands, thành phố Sydney. Tên này bị cáo buộc cung cấp vũ khí cho Farhad Jabar, thủ phạm vụ tấn công một nhân viên cảnh sát tại Parramatta hai tuần trước đây. Alameddine, 22 tuổi, hiện đang bị thẩm vấn và sẽ phải đối mặt với các tội danh “cung cấp và sử dụng vũ khí trái phép, cản trở điều tra của cảnh sát”.


Thủ tướng Đức Merken cho rằng cuộc khủng hoảng tị nạn chính là một cuộc thử nghiệm đối với châu Âu và châu Âu chắc chắn sẽ vượt qua cuộc thử nghiệm lịch sử này. Phát biểu trước Quốc hội Đức, ngày 15/10, bà Merken cam kết sẽ giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng tị nạn nhằm giảm thiểu làn sóng người nạn từ Trung Đông và Bắc Phi tìm đường đến châu Âu trên những con đường nguy hiểm. Trước mắt Đức sẽ cố gắng đảm bảo tăng cường viện trợ tại Syria và các nước láng giềng của Syria, các nước đang phải chịu gánh nặng lớn về người tị nạn. 


Ngày 15/10, Ba Lan đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt về việc xây đường ống dẫn khí đốt đầu tiên từ Liên minh châu Âu (EU) tới các quốc gia Baltic bị cô lập và giảm bớt phụ thuộc năng lượng vào Nga cho các nước này. Phát biểu sau khi chứng kiến lễ ký thỏa thuận trị giá 558 triệu euro (636 triệu USD) giữa các đại diện năng lượng của Ba Lan, Litva, Latvia và Estonia, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker nói: "Các bạn đã chấm dứt sự cô lập về năng lượng của các nước Baltic. Các bạn đã chấm dứt sự phụ thuộc lâu nay của những nước này vào một nhà cung cấp đơn lẻ".


Núi lửa Colima tại Mexico ngày 15/10 đã thức giấc với cột khói bụi lớn phun lên bầu trời. Cơ quan khẩn cấp Mexico cho biết, ngọn núi bắt đầu phun tro bụi từ khoảng 9h46 phút sáng. Cột khói bụi cao khoảng 2.000 m và hướng về phía Nam. Theo nhà chức trách Mexico, tro bụi núi lửa sẽ ảnh hưởng tới một số khu vực của thành phố Colima và gây hạn chế tầm nhìn trên các tuyến đường. Núi lửa Colima nằm ở bang Colima, phía Tây Nam Mexico, và là một phần trong Vành đai lửa Thái Bình Dương. 

MỚI - NÓNG