THẾ GIỚI 24H: Nga ‘sẽ đáp trả thích đáng’ lệnh trừng phạt của EU

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
TPO - Sau khi EU công bố bổ sung danh sách trừng phạt cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản đối với một số cá nhân và thực thể Nga “vì những hành động của họ liên quan tới cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine”, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Moscow sẽ "đáp trả thích đáng" và cho rằng các biện pháp này "trái với lẽ thường và sẽ không đem lại giải pháp cho cuộc xung đột ở đông Ukraine".  

Liên minh châu Âu (EU) ngày 16/2 đã bổ sung thêm 19 cá nhân, trong đó có 5 người Nga, cùng 9 thực thể vào danh sách trừng phạt cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản vì những hành động của họ liên quan tới cuộc giao tranh ở miền Đông Ukraine. Danh sách trừng phạt mới vừa được EU công bố này đã nêu đích danh Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatoly Antonov và Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga Arkady Bakhin vì 'tiếp tay cho việc triển khai binh sỹ Nga ở Ukraine'. Trong số ba cá nhân còn lại của Nga bị trừng phạt lần này có hai nghị sỹ là Joseph Kobzon và Valery Rashkin thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga. Như vậy tính tới nay, EU đã cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản của 151 cá nhân trong khi 37 thực thể cũng bị áp đặt các biện pháp hạn chế hoạt động.


Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16/2 đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko và Thủ tướng Đức Angela Merkel Minsk Đức xung quanh việc thực hiện các điều ước hòa bình theo thỏa thuận Minsk. Thông báo của cơ quan báo chí điện Kremlin cho biết: “Lãnh đạo Nga, Ukraine và Đức tiếp tục thảo luận về việc thực hiện các nội dung theo thỏa thuận Minsk nhằm giải quyết hòa bình ở phía Đông - Nam Ukraine, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thỏa thuận ngừng bắn, rút ​​vũ khí hạng nặng tại khu vực giao tranh và ‘chảo lửa’ Debaltsevo”, theo Lenta.


Các đoàn xe pháo và thiết bị định vị cối của Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng sáng 16/2 đã bắt đầu rời giới tuyến phòng thủ đầu tiên ở "chảo lửa" Debaltsevo. Theo người dân địa phương, kể từ thời điểm ngừng bắn, quân đội Ukraine đã không còn bắn vào Alchevsk và các điểm dân cư ở ngoại ô thành phố như Stakhanov và Pervomaysk. Tại Debaltsevso đang diễn ra giao tranh trên đường phố, với sự tham chiến của một số đơn vị LPR và lữ đoàn chiến binh Prizrak. Theo dân quân, quân đội Ukraine tiếp tục hành động khiêu khích - các binh sỹ Ukraine trên đường phố được xe tăng và các tay súng bắn tỉa yểm trợ, bắn vào cả dân quân LPR và dân thường, theo Vietnamplus.


Tân Bộ trưởng Quốc phòng Canada Jason Kenney, ngày 16/2 tuyên bố, Chính phủ Canada đang chuẩn bị gói viện trợ tài chính kế tiếp cho Ukraine, cũng như sẽ cung cấp cho lực lượng vũ trang nước này hình ảnh từ các vệ tinh quân sự của mình để phát hiện những cứ điểm của lực lượng ly khai. Theo ông Jason Kenney, Thủ tướng Canada Stephen Harper đã hứa với Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko về việc hỗ trợ tài chính. “Ngoài ra, trong thời gian tới chúng tôi sẽ gửi đến Ukraine những hình ảnh thu được từ các vệ tinh của chúng tôi. Đây là yêu cầu chính của ông Poroshenko trong chuyến thăm của ông đến Ottawa hồi tháng 6 năm ngoái”, Bộ trưởng Quốc phòng Canada nói thêm.


Truyền thông nhà nước Myanmar ngày 16/2 đưa tin, các cuộc đụng độ ngày càng gia tăng giữa quân đội Myanmar và các tay súng người thiểu số Kokang ở miền Bắc Myanmar, khu vực giáp biên giới với Trung Quốc, đã khiến hơn 20 phiến quân thiệt mạng. Cùng ngày, Bắc Kinh đã lên tiếng cảnh báo tình trạng này đang đe dọa sự ổn định trên tuyến biên giới giữa 2 nước. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hối thúc 2 bên “kiềm chế” và nhấn mạnh rằng giao tranh nếu tiếp tục “sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định ở khu vực biên giới Trung Quốc-Myanmar cũng như an ninh của Trung Quốc”. Bà Hoa Xuân Oánh cũng khẳng định Trung Quốc tôn trọng “sự toàn vẹn lãnh thổ” của Myanmar và cam kết “sẽ không cho phép bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào tiến hành các hoạt động phá hoại mối quan hệ Trung Quốc-Myanmar từ bên trong lãnh thổ Trung Quốc”.


Bất chấp việc đã đạt được lệnh ngừng bắn ở Ukraine, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian vẫn tuyên bố thương vụ gây tranh cãi, trong đó Pháp bán 2 tàu chiến công nghệ cao lớp Mistral cho Nga "không nằm trong chương trình nghị sự". Phát biểu trên Đài phát thanh Pháp ngày 16/2, ông Drian khẳng định: "Thương vụ đó không nằm trong chương trình nghị sự. Tổng thống nước Cộng hòa (Pháp) đã quyết định rằng chúng tôi không nên chuyển giao những tàu chiến này, bởi lệnh ngừng bắn chưa được thực thi và vẫn còn những nguy cơ về an ninh, trong đó có nguy cơ an ninh ở châu Âu, và bởi Nga đang vi phạm các thỏa thuận quốc tế về biên giới."


Bộ An ninh nội địa Mỹ đang là tâm điểm cuộc tranh cãi giữa chính phủ của Tổng thống Barack Obama và Quốc hội hiện do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát cả 2 viện. Khúc mắc giữa 2 bên nảy sinh khi Tổng thống Obama ban hành sắc lệnh hành chính tháng 11 năm ngoái, theo đó cấm trục xuất gần 5 triệu người nhập cư bất hợp pháp đã và đang có mặt trong lãnh thổ nước Mỹ. Phe Cộng hòa đáp trả bằng việc không cho phép bộ An ninh nội địa, cơ quan có trách nhiệm đảm bảo an ninh tại biên giới, sân bay, bờ biển và bảo vệ Tổng thống Mỹ, được sử dụng tiền ngân sách tài khóa 2015 vào việc thực thi sắc lệnh hành chính trên. Quyền chi tiêu của Bộ An ninh nội địa Mỹ sẽ hết hạn vào ngày 27/2 tới.


Đại tá Igor Egorov, đại diện Cơ quan báo chí và thông tin Bộ Quốc phòng Liên bang Nga phụ trách lực lượng tên lửa chiến lược, ngày 16/2 cho biết, cuộc tập trận của Lực lượng tên lửa chiến lược (RVSN), được tổ chức trên địa phận 20 khu vực của đất nước đã kết thúc. “Các chiến sĩ tên lửa chiến lược sử dụng tất cả các loại tổ hợp tên lửa hiện đang phục vụ trong lực lượng RVSN. Mục đích chính của cuộc tập trận – xác định khả năng điều khiển các sư đoàn và trung đoàn tên lửa thực hiện những biện pháp nhằm đạt tình trạng sẵn sàng chiến đấu ở mức cao nhất trong bất kỳ tình huống nào”, Đại tá Igor Egorov nói, đồng thời khẳng định, cuộc tập trận giúp RVSN hoàn thiện những vấn đề liên quan đến các phương pháp chiến đấu.


Ấn Độ có kế hoạch mua khoảng 50 UAV chiến thuật để tuần tra trên biển, chống cướp biển và khủng bố cũng như thực hiện các chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ, Hải quân Ấn Độ đã đưa yêu cầu về UAV và hy vọng sẽ có được câu trả lời từ các nhà cung cấp vào ngày 5/3 tới. Theo đó, các UAV phải phù hợp với các chiến dịch cho cả ngày và đêm. UAV sẽ được phóng từ tàu có chiều dài 50 mét, được trang bị một sân bay trực thăng. Ngoài ra, Ấn Độ cũng yêu cầu chuyển giao công nghệ sản xuất UAV cho các chuyên gia của mình.


Ba nước Tây Phi gồm Guinea, Sierra Leone và Liberia đang tác động mạnh nhất của dịch Ebola ngày 16/2 đề ra mục tiêu chấm dứt dịch Ebola trong vòng 2 tháng. Trong một thông cáo, Chính phủ Guinea cho biết, lãnh đạo các nước tham gia Liên minh sông Mano ghi nhận nỗ lực của các nước thành viên và cộng đồng quốc tế, đã góp phần ngăn chặn đà lây lan của dịch bệnh. Những nước này mong muốn sẽ không có ca nhiễm mới nào trong 60 ngày tới, tính từ ngày 15/2. Liên minh sông Mano là một tổ chức khu vực gồm 4 nước là Guinea, Sierra Leone, Liberia và Cote D'Ivoire được thành lập năm 1973. Đại dịch Ebola bùng phát cách đây gần 1 năm tại Guinea và tới nay đã cướp đi sinh mạng của hơn 9.000 người tại Tây Phi.  

MỚI - NÓNG