THẾ GIỚI 24H: Nga triển khai hệ thống tên lửa kép ở Đông Ukraine?

THẾ GIỚI 24H: Nga triển khai hệ thống tên lửa kép ở Đông Ukraine?
TPO - Hãng Bloomberg ngày 21/5 dẫn lời Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), Tướng Không quân Mỹ Philip Breedlove nói rằng Nga có thể đã triển khai các khí tài có thể mang đầu đạn hạt nhân trong cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Theo Tướng Breedlove, không có "bằng chứng trực tiếp" rằng Điện Kremlin đã triển khai vũ khí hạt nhân nhưng "không có nghĩa là điều đó không thể xảy ra”. Ông Breedlove cho biết: "Rất nhiều hệ thống tên lửa được người Nga sử dụng là các hệ thống kép - chúng có thể mang đầu đạn thông thường hay hạt nhân - và một số hệ thống này đã được triển khai”. Tuy nhiên, Tướng Breedlove nhấn mạnh NATO không cần điều chỉnh chiến lược răn đe hạt nhân ở khu vực, theo Vietnamplus.


Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) ngày 21/5 cho biết, 2 người Nga bị các lực lượng Ukraine bắt giữ trong một cuộc đọ súng ở khu vực miền Đông ly khai của Ukraine, đã thừa nhận đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang của Điện Kremlin. OSCE đã công bố thông tin trên sau khi tiến hành các cuộc phỏng vấn đối với hai người bị thương này tại một bệnh viện ở Kiev. Thông báo của OSCE nêu rõ: “Cả hai cá nhân đã thừa nhận rằng họ là những thành viên của một đơn vị thuộc Các lực lượng Vũ trang Liên bang Nga. Họ đã thừa nhận rằng họ đã làm nhiệm vụ trinh sát. Họ được trang bị vũ khí nhưng không có lệnh tấn công”.


Ngày 21/5, với 272 phiếu ủng hộ, Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) đã quyết định đình chỉ thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quân sự với Nga, động thái được dự đoán từ lâu báo hiệu một sự rạn nứt hơn nữa trong quan hệ giữa hai quốc gia láng giềng này. Quốc hội Ukraine đã hủy bỏ 5 thỏa thuận hợp tác, trong đó có thỏa thuận trao cho quân đội Nga quyền quá cảnh ở Ukraine để tới Moldova. Thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực quân sự được Kiev và Moscow ký kết tháng 11/1995 tại Sochi (Nga) và được Quốc hội Ukraine đã thông qua vào năm 2002.


Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, nước này sẵn sàng cung cấp vũ khí cho Iraq trong bối cảnh nước này đang phải chật vật để chặn bước tiến của lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS). Phát biểu trước thềm cuộc hội đàm tại Moscow giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Iraq Haidar al-Abadi, Ngoại trưởng Lavrov nói rằng Moscow sẽ nỗ lực hết sức mình để giúp đỡ chính quyền Baghdad đẩy lui IS.


Ngày 21/5, đạn cối đã rơi gần Đại sứ quán Nga tại thủ đô Damascus của Syria làm 1 người thiệt mạng. Đây là lần thứ 2 tòa đại sứ này trở thành mục tiêu của đạn cối trong tuần này. Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết 1 người đàn ông đã thiệt mạng sau khi "2 quả đạn cối rơi gần Đại sứ quán Nga tại khu vực Mazraa" của Damascus. Trong khi đó, dẫn lời 1 quan chức cảnh sát cấp cao, hãng thông tấn SANA đưa tin "những kẻ khủng bố đã tấn công khu vực dân cư Mazraa với 2 quả đạn cối, làm 1 người thiệt mạng và 3 người bị thương”. Hôm 19/5, 1 quả đạn cối rơi vào Đại sứ quán Nga đã gây ra thiệt hại về tài sản song không có thương vong.


Ngày 21/5, một vụ nổ lớn đã khiến ít nhất 40 phiến quân Hồi giáo bị thiệt mạng, khi quân đội của Chính phủ Syria không kích vào một căn cứ quân sự của nhóm này ở thị trấn Al-Shaar, phía đông thành phố Aleppo, Syria. Các nguồn tin dẫn lời người đứng đầu nhóm quan sát nhân quyền Syria - Rami Abdel Rahman cho biết, phía quân đội Syria đã cho thả một quả bom thùng, đồng thời bắn một quả tên lửa vào căn cứ của nhóm phiến quân Hồi giáo. Vụ nổ làm rung chuyển cả khu vực. Trong số phiến quân bị thiệt mạng, có 3 nhà lãnh đạo được cho là của liên minh các phe phái Hồi giáo tại Syria.


Hải quân Singapore đã đề xuất một khuôn khổ khu vực về hoạt động an toàn của tàu ngầm, trong bối cảnh ngày càng nhiều tàu ngầm và tàu nổi đi qua vùng biển nông trên Biển Đông, đồng nghĩa với việc gia tăng nguy cơ xảy ra sự cố. Phát biểu tại cuộc thảo luận nhóm trong khuôn khổ Hội nghị An ninh biển quốc tế 2015 (IMSC), Tư lệnh Hải quân Singapore, Chuẩn Đô đốc Lai Chung Han ước tính hải quân các nước châu Á-Thái Bình Dương có thể sở hữu tới hơn 130 tàu ngầm chạy diesel-điện vào năm 2020. Do vấn đề hoạt động tàu ngầm là nhạy cảm đối với nhiều quốc gia trong khu vực, Singapore đã đề xuất chia sẻ thông tin để xây dựng lòng tin giữa các bên, theo TTXVN. 


Trung Quốc và Nga ngày 21/5 kết thúc cuộc tập trận hải quân trên biển Địa Trung Hải. Đây là lần đầu tiên hai nước tiến hành tập trận quân sự cùng nhau tại khu vực này. 9 tàu hải quân Trung Quốc và Nga đã tập trung tại biển Địa Trung Hải tham gia cuộc tập trận quân sự chung, kéo dài từ ngày 17-21/5. Trong số 9 tàu của hai nước tham gia cuộc tập trận, có cả những tàu của Trung Quốc đang tham gia giám sát hoạt động chống cướp biển tại khu vực hải phận Somalia. Một trong những nội dung của cuộc diễn tập về chống cướp biển, với giả định cướp biển bắt giữ một tàu và các thủy thủ đoàn làm con tin. Cuộc diễn tập cũng có sự tham gia của nhóm cứu hộ với tàu hải quân và trực thăng.


Tại Anh, hơn 1.400 người đang nằm trong diện điều tra của cảnh sát do những nghi vấn về lạm dụng trẻ em. Cảnh sát Anh cho biết, trong số 1.400 nghi phạm được xác định trên có 76 người là chính trị gia, 43 người làm trong ngành âm nhạc, 7 người trong ngành thể thao, và 135 người làm trong ngành truyền hình, phát thanh và phim ảnh. Đáng chú ý là các nghi phạm bị cáo buộc phạm tội ngay tại chính tổ chức họ làm việc, bao gồm trường học, nhà dân, các cơ sở tôn giáo và y tế. Chiến dịch điều tra này được mở khi số người trình báo bị lạm dụng tình dục ngày càng tăng cao, đặc biệt là sau vụ việc cố DJ, người dẫn chương trình Jimmy Savile bị phát hiện lạm dụng nhiều trẻ em 8 năm trước.


Sáu ngân hàng lớn đã bị phạt gần 6 tỉ USD vì thao túng thị trường ngoại hối và lãi suất liên ngân hàng London (lãi suất Libor). Trong số này, 4 ngân hàng Barclays (Anh), Royal Bank of Scotland (RBS, Scotland), JPMorgan Chase và Citicorp (đều của Mỹ) đã nhận tội âm mưu thao túng thị trường ngoại hối do Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra và phải nộp phạt 2,5 tỉ USD. Hai ngân hàng UBS (Thụy Sĩ) và Bank of America (Mỹ) thoát tội hình sự đối với cáo buộc nêu trên nhưng UBS vẫn bị buộc tội thao túng lãi suất Libor, trong khi Bank of America cũng phải nộp phạt vì các hành vi không lành mạnh bóp méo thị trường tiền tệ. Hai ngân hàng này phải nộp phạt hơn 1,8 tỉ USD cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

MỚI - NÓNG