THẾ GIỚI 24H: Nhà Trắng bắt đầu chiến dịch truy quét khủng bố trong nước

Vụ bạo động diễn ra tại Điện Capitol hồi đầu tháng này dấy lên nhiều lo ngại cho chính quyền Biden. Ảnh: Getty
Vụ bạo động diễn ra tại Điện Capitol hồi đầu tháng này dấy lên nhiều lo ngại cho chính quyền Biden. Ảnh: Getty
TPO - Hôm 22/1, Nhà Trắng công bố nỗ lực liên ngành sâu rộng để loại bỏ chủ nghĩa cực đoan trong nước sau “cơn bão bạo lực” ở Điện Capitol hồi đầu tháng này.
Tại cuộc họp báo hôm 22/1, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki gọi sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan bạo lực trong nước là “mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng”, và cho biết chính quyền của Tổng thống Biden “sẽ giải quyết mối đe dọa này bằng các nguồn lực cần thiết”. Tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đã yêu cầu Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia phối hợp với Cục Điều tra liên bang ( FBI) và Bộ An ninh Nội địa để "đánh giá mối đe dọa toàn diện" về khủng bố ở trong nước.

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết, Hạ viện sẽ chuyển điều khoản luận tội cựu Tổng thống Donald Trump sang Thượng viện vào ngày 25/1 tới, mở đường cho phiên xét xử diễn ra sớm nhất là trong tuần sau. Phát biểu với báo giới ngày 22/1 (giờ Mỹ), ông Chuck Schumer khẳng định một phiên tòa xét xử sẽ được tổ chức tại Thượng viện và sẽ có một cuộc bỏ phiếu để xem có kết tội cựu Tổng thống Donald Trump hay không.


Thượng viện Mỹ vừa phê chuẩn đề cử của Tổng thống Joe Biden đối với vị trí lãnh đạo Lầu Năm Góc, mở đường cho tướng nghỉ hưu Lloyd Austin làm nên lịch sử với tư cách là Bộ trưởng Quốc phòng da màu đầu tiên của nước này. Với tỉ lệ 93 phiếu thuận và 2 phiếu chống, Thượng viện Mỹ đã chuẩn thuận ông Lloyd Austin làm Bộ trưởng Quốc phòng, trong cuộc bỏ phiếu vào sáng 22/1 (theo giờ địa phương), đồng thời trao cho Tổng thống Joe Biden thành viên Nội các thứ hai sau khi nhậm chức.

Ngày 21/1, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi hợp tác toàn cầu trong phát triển vaccine ngừa COVID-19 và hối thúc cộng đồng quốc tế cùng phản đối việc chính trị hóa vấn đề này. Đề nghị trên được Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đưa ra trong các cuộc điện đàm riêng rẽ với Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Kazakhstan Mukhtar Tleuberdi, Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mahmood Qureshi và Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba.

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 605.043 trường hợp mắc COVID-19 và 14.918 ca tử vong. Tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu tăng lên gần 99 triệu ca bệnh. Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 23/1 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 98.670.343 ca, trong đó có 2.113.764 người thiệt mạng. Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 218 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 70.859.589 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca nguy kịch hiện là 25.696.990 ca và 111.509 ca đang điều trị tích cực.

Trung Quốc đang triển khai các chiến thuật địa phương hóa để đối phó với làn sóng bùng phát COVID-19 mới. Theo hãng tin Reuters, trong cuộc họp ngày 18/1 chính quyền Trung quốc đã thông báo thực hiện nguyên tắc “một làng, một chính sách” và lập kế hoạch riêng biệt cho từng cộng đồng. Sau nhiều tháng duy trì số ca mắc COVID-19 mới luôn ở mức thấp, kể từ đầu năm nay, Trung Quốc chứng kiến sự gia tăng đột biến về số ca bệnh, với hơn 100 ca mỗi ngày, làm dấy lên lo ngại về một đợt bùng phát quy mô lớn.

Ngày 22/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cho biết giới chức Trung Quốc nhất trí sẽ bàn giao cho nước này lô vaccine ngừa COVID-19 thứ hai do công ty Sinovac sản xuất. Dự kiến, lô hàng gồm 10 triệu liều vaccine CoronaVac sẽ được chuyển đến Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần này. Chia sẻ với báo giới, Tổng thống Erdogan cho hay Thổ Nhĩ Kỳ đã tiếp nhận lô vaccine CoronaVac đầu tiên gồm 3 triệu liều và đến nay đã tiêm chủng cho gần 1,2 triệu người, chủ yếu là nhân viên y tế và người cao tuổi.
MỚI - NÓNG