THẾ GIỚI 24H: Ông Obama xác nhận con tin Mỹ thiệt mạng

Mỹ chính thức xác nhận cái chết của nhân viên cứu trợ Kayla Muller (ảnh)
Mỹ chính thức xác nhận cái chết của nhân viên cứu trợ Kayla Muller (ảnh)
TPO - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 10/2, chính thức xác nhận cái chết của Kayla Mueller-con tin người Mỹ cuối cùng trong tay Nhà nước Hồi giáo (IS).

“Tôi sẽ buộc những phần tử khủng bố gây nên cái chết cho Kayla Muller phải trả giá. Cô ấy tượng trưng cho những giá trị cao đẹp nhất của nước Mỹ”, tuyên bố của ông Obama nêu rõ. Tuần trước, IS tuyên bố cô Mueller thiệt mạng trong một cuộc không kích của quân đội Jordan. IS bắt cóc Mueller vào mùa hè năm 2013, khi cô đến trại của Tổ chức Bác sĩ Không biên giới (MSF) Tây Ban Nha tại thành phố Aleppo, Syria. Tuy nhiên, Mueller không phải người của MSF. Cô đi cùng một nhân viên MSF. Vụ bắt cóc xảy ra khi các tay súng tấn công điểm chờ xe buýt, nơi Mueller và bạn đón xe trở lại Thổ Nhĩ Kỳ. Từ đó tới nay cha mẹ cô vẫn luôn hy vọng rằng con gái của họ sẽ trở về nhà, theo Tass.


Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) ngày 10/2 đã nối lại chiến dịch không kích phiến quân “Nhà nước Hồi giáo” tự xưng (IS), sau nhiều tuần tạm ngừng. “Chiến đấu cơ thuộc phi đội F-16 đóng quân tại Jordan sáng nay không kích nhằm vào các vị trí của tổ chức khủng bố IS, bắn trúng mục tiêu và trở về căn cứ an toàn”, chỉ huy các lực lượng vũ trang UAE nói. Hiện chưa rõ có bao nhiêu phi cơ của UAE đã xuất kích cũng như loại mục tiêu, vị trí họ tấn công. (Xem chi tiết)


Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho rằng, các cuộc đàm phán hòa bình tại Minsk (Belarus) ngày 11/2 là một trong những cơ hội cuối cùng để tuyên bố về một lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong cuộc xung đột giữa Kiev với các phần tử ly khai ở miền Đông. Website cá nhân của Tổng thống Poroshenko trích nội dung cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Garcia-Margallo nêu rõ: “Cuộc họp ngày 11/2 tại Minsk là một trong những cơ hội cuối cùng để công bố một lệnh ngừng bắn vô điều kiện và rút pháo hạng nặng”, theo Unian.


Trả lời phỏng vấn kênh phát thanh địa phương Jedynka ngày 10/2, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Tomasz Semonyak tuyên bố, việc cung cấp vũ khí cho chính quyền Kiev chắc chắn sẽ làm chiến sự tại miền Đông Ukraine tiếp tục leo thang. Lãnh đạo Bộ Quốc phòng Ba Lan cũng khẳng định, nước này không có kế hoạch viện trợ vũ khí cho Ukraine. Đáng chú ý, tuyên bố này của ông T. Semonyak trái ngược hoàn toàn với tuyên bố trước đó của chính ông hôm 9/2 rằng, nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho Ukraine, chính quyền Ba Lan chắc chắn sẽ ủng hộ quyết định của Washington, theo Lenta.


Ngày 10/2, người đứng đầu Hội đồng an ninh của điện Kremlin, ông Nikolai Patrushev cho rằng, Mỹ đang tìm cách lôi kéo Nga vào cuộc xung đột ở Ukraine để ép thay đổi quyền lực ở Moscow cũng như chia cắt Nga. “Người Mỹ đang tìm cách lôi kéo Nga vào cuộc xung đột quân sự liên chính phủ, lợi dụng các sự kiện ở Ukraine để ép thay đổi quyền lực và cuối cùng là nhằm chia cắt đất nước chúng ta”, ông Patrushev nhấn mạnh, theo RIA Novosti.


Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine (NSDC) ngày 10/2 cho biết, lực lượng vệ binh quốc gia Ukraine đã tiến hành một cuộc tấn công nhằm vào phe ly khai gần thành phố cảng chiến lược Mariupol ở miền Đông Nam nước này. Theo Thư ký NSDC Oleksander Turchynov, cuộc tấn công trên diễn ra “gần Mariupol, nơi các đơn vị của lực lượng vệ binh quốc gia đập tan thế phòng thủ của kẻ thù và tiến hành tấn công”, theo Interfax.


Phát biểu trong cuộc phỏng vấn tờ Nikkei của Nhật Bản, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha cho biết, quân đội nước này sẽ quay trở lại doanh trại khi chính phủ dân sự được lựa chọn song không loại trừ khả năng xảy ra một cuộc đảo chính nữa nếu chính phủ mới “không thể giải quyết được tình hình”. Ông Prayuth nói: “Quân đội có vai trò như là một cơ quan chính phủ, do vậy không nên lo ngại”. Khi được hỏi về khả năng xảy ra một cuộc đảo chính nữa, Thủ tướng Prayuth nói: “Thái Lan khác với những nước khác. Nếu một vấn đề không thể giải quyết được thì quân đội sẽ giải quyết”, theo Vietnamplus.


Truyền thông nhà nước Myanmar ngày 10/2 cho biết, giao tranh đã bùng phát giữa quân đội Myanmar và lực lượng phiến quân tại khu vực biên giới phía Bắc trong bối cảnh làn sóng đụng độ tại những khu vực của cộng đồng thiểu số đã phủ bóng đen lên các nỗ lực đạt được thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc. Đụng độ tại khu vực Kokang thuộc bang Shan sau gần 6 năm yên ắng đã bùng phát trở lại khi phiến quân tấn công các vị trí của quân đội Myanmar trong ngày 9/2, theo Vietnamplus.


Đại sứ Iran tại Nga, ông Mehdi Sanai cho biết, Tehran hy vọng sẽ nhận được các hệ thống phòng không S-300 của Nga ngay trong năm 2015. “Tôi hy vọng những người bạn Nga sẽ giúp chúng tôi thiết lập hệ thống phòng không S-300 ở Iran ngay trong năm nay”, ông Mehdi Sanai nói, đồng thời khẳng định: “Hợp đồng giữa Moscow và Tehran đối với S-300 là hợp pháp và không thuộc đối tượng của lệnh trừng phạt quốc tế, bởi hợp đồng được ký kết trước khi lệnh trừng phạt được đưa ra”, theo Russia Today.


Quân khu phía Đông của Nga ngày 10/2 cho biết, công tác huấn luyện phương pháp sử dụng kỹ thuật và chuyên ngành các tổ hợp tên lửa Iskander-M sẽ được thực hiện trong khuôn khổ hoạt động ra quân đang được triển khai. Đây là lần thứ hai, việc khai hỏa tên lửa phức tạp như vậy diễn ra tại Quân khu phía Đông của Nga. Trước đó, ngày 20/9, quân đội Nga đã bắn thử thành công tên lửa tối tân Iskander-M trong cuộc diễn tập quy mô lớn Vostok-2014 ở vùng Viễn Đông. Mục đích của cuộc diễn tập là kiểm tra kiểm tra sự phối hợp giữa các sĩ quan và chỉ huy các đơn vị chiến đấu khác nhau, cũng như tăng cường khả năng chỉ huy và kiểm soát của các binh sĩ trong khi thực hiện các nhiệm vụ quan trọng. (Xem chi tiết)


Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin cho biết vào ngày 11 hoặc 12/2 tới, dự kiến Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ thông qua một nghị quyết cấm mua dầu mỏ của các phần tử khủng bố ở Iraq và Syria. Ông Churkin nói: "Chúng tôi đã làm việc về nghị quyết này trong 2 tháng. Tôi tin nó sẽ được nhất trí thông qua trong tuần này. Theo nghị quyết này, những đối tượng mua dầu mỏ từ các tổ chức khủng bố ở Iraq và Syria sẽ bị liệt vào danh sách trừng phạt", theo Russia 24.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.