THẾ GIỚI 24H: Pháp và Italia tranh cãi gay gắt

Một trại tỵ nạn tạm bợ của người nhập cư gần Calais (Pháp) (Ảnh AP)
Một trại tỵ nạn tạm bợ của người nhập cư gần Calais (Pháp) (Ảnh AP)
TPO - Pháp và Italia chỉ trích gay gắt lẫn nhau quanh vụ chính quyền mới tại Italia từ chối nhận hơn 600 người tị nạn đang trôi dạt trên biển Địa Trung Hải.  

Cuộc chiến từ ngữ giữa chính phủ hai nước Pháp và Italia quanh vụ con tàu Aquarius hiện đang chở 629 người tị nạn đến từ châu Phi, trong đó có cả phụ nữ mang thai và trẻ em. Chiều thứ Ba, ngày 12/6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Italia là vô cảm, thiếu trách nhiệm và không tôn trọng luật pháp quốc tế khi từ chối cho một con tàu chở người tị nạn trên biển Địa Trung Hải được cập cảng vào đất Italia. Đáp trả lời chỉ trích này, tân Thủ tướng Italia, ông Giuseppe Conte đã lập tức ra thông cáo khẳng định “Italia không cần những bài học đạo đức giả từ một quốc gia luôn quay lưng với các vấn đề tị nạn như nước Pháp”. Sự việc chỉ được vãn hồi khi Tây Ban Nha tuyên bố sẽ tiếp nhận số người tị nạn trên tại cảng Valencia với lý do nhân đạo, dù đây không phải là cảng gần nhất với vị trí của tàu.


Ngày 12/6, tại Singapore, cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã diễn ra với cam kết phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Sau cuộc hội đàm kéo dài 41 phút “mặt đối mặt”, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cho biết, hai bên nhất trí gác lại quá khứ. Văn kiện ký kết tại hội nghị thượng đỉnh lịch sử được ông Trump đánh giá là “khá toàn diện”. Trong thỏa thuận, hai nhà lãnh đạo cam kết hình thành quan hệ song phương mới và cùng nỗ lực để thiết lập thể chế hòa bình, ổn định và lâu dài trên bán đảo Triều Tiên Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc đánh giá cao cuộc họp thượng đỉnh này, cho rằng đây là bước khởi đầu cho tiến trình phi hạt nhân hóa và cần thời gian để thực hiện.


Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras ngày 12/6 thông báo Athens và Skopje đã nhất trí đổi tên nước của Macedonia thành "Cộng hòa Bắc Macedonia," nhằm chấm dứt một cuộc tranh cãi kéo dài 27 năm qua giữa hai nước này.Macedonia hy vọng rằng việc giải quyết tranh cãi trên sẽ giúp dọn đường cho nước này gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Athens phản đối tên gọi của nước láng giềng phía Bắc do một tỉnh miền Bắc của Hy Lạp cũng có tên là "Macedonia." Trong một phát biểu trên truyền hình, Thủ tướng Tsipras nêu rõ: "Chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận, một thỏa thuận tốt đáp ứng mọi điều kiện do Hy Lạp đặt ra." Trong khi đó, Thủ tướng Macedonia Zoran Zaev hoan nghênh thỏa thuận này là một "giải pháp lịch sử."

Tổng thống Sisi khẳng định Ai Cập tiếp tục nỗ lực ủng hộ giải quyết tình hình ở Syria. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi khẳng định tầm quan trọng của cộng đồng quốc tế trong việc đưa ra giải pháp toàn diện và lâu dài cho cuộc khủng hoảng Syria. Tuyên bố được ông Sisi đưa ra trong cuộc gặp Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria Staffan de Mistura tại Cairo ngày 12/6. Tổng thống Ai Cập và Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria đã thảo luận các diễn biến mới nhất về tình hình Syria và những nỗ lực của Liên Hợp Quốc để đạt được một giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở nước này.


Người phát ngôn Liên hợp quốc, ông Stephen Dujarric ngày 12/6 cho biết tại cuộc gặp sắp tới giữa Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres và Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về tình hình Syria, những quan ngại về an ninh trên toàn cầu và các cuộc cải cách tại Liên hợp quốc. Phát biểu trong cuộc họp báo thường nhật ở trụ sở Liên hợp quốc, ông Stephen Dujarric nói: "Chúng ta có thể dự đoán rằng họ (ông Guterres và ông Putin) sẽ thảo luận về Syria, về cải cách Liên hợp quốc và một loạt những vấn đề an ninh và hòa bình cần được giải quyết và có lẽ sẽ được thảo luận sôi nổi." Theo người phát ngôn này, ông Guterres dự kiến tới Moskva để dự lễ khai mạc World Cup 2018 vào chiều 13/6.


Ngày 12/6, một chỉ huy của lực lượng đồng minh khu vực vốn ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho hay, quân đội Syria đã tăng cường các hệ thống phòng không ở gần mặt trận Cao nguyên Golan bị Israel chiếm đóng. Trong những ngày tới, các tổ hợp phòng không sẽ được tăng cường triển khai tới khu vực này. Việc bố trí các tổ hợp tên lửa-pháo phòng không Pantsir S1 do Nga chế tạo nhằm thay mới hệ thống phòng không để đối phó với Israel.Ngoài ra, công tác chuẩn bị cho cuộc tấn công công của các lực lượng chính phủ Syria ở khu vực Tây Nam đã hoàn tất nhưng các lực lượng này hiện đang tập trung hoàn thành chiến dịch truy quét nhóm các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở gần thị trấn Sweida.


Ngày 12/6, một người đàn ông có vũ trang đã xông vào một tòa nhà ở quận 10 của thủ đô Paris, Pháp, bắt giữ một số người làm con tin. Ngay sau đó, cảnh sát Paris cho biết đã bắt giữ được người đàn ông này và giải cứu các con tin một cách "an toàn và khỏe mạnh." Trên trang mạng Twitter, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb  nêu rõ: "Đối tượng đã bị bắt giữ và các con tin không còn gặp nguy hiểm nữa." Theo kênh truyền hình BFM, người đàn ông này đã đột nhập vào các văn phòng của một công ty khởi nghiệp tại phố Rue des Petites Ecuries của quận 10 ở Paris, bắt giữ một số người làm con tin. Có ít nhất một người đàn ông bị thương nhẹ khi giằng co với kẻ bắt cóc và đã chạy thoát trước khi cảnh sát đến hiện trường.


Ít nhất 16 người đang ở trên chiếc bè khi nó va chạm với một sà lan khác cách bờ sông ở Volgograd của Nga 250 m, hôm thứ hai 11-6. Vụ va chạm khiến ít nhất 11 người thiệt mạng, may mắn 5 người đã được giải cứu và 3 người sống sót đang được cấp cứu trong bệnh viện.Theo Ủy ban điều tra của Nga khả ,năng vụ tai nạn là do vi phạm các quy định an toàn. Khả năng nguyên nhân là do vi phạm các quy tắc giao thông đường sông. Người điều khiển chiếc bè đã không thông báo nhận dạng cho chiếc sà lan và tìm cách cố gắng tránh nhưng lại gây ra va chạm”.


Ngày 12/6, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Nurettin Canikli cho biết quân đội nước này sẽ còn ở lại miền Bắc Iraq cho tới khi quét sạch các phần tử khủng bố tại đây. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Canikli nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã bước sang một giai đoạn mới của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố trong khu vực. Chiến dịch nhằm vào Đảng Công nhân người Kurd (PKK), lực lượng mà Ankara coi là một tổ chức khủng bố, hiện nay đang được Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành với sự hợp tác của Iraq và Iran.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG