THẾ GIỚI 24H: Phát hiện thi thể phi công phụ máy bay Airbus A320

Phi công Andreas Lubitz
Phi công Andreas Lubitz
TPO - Tại hiện trường vụ tai nạn với chiếc máy bay Airbus A320 của hãng Germanwngs đã phát hiện phần thi thể của phi công phụ Andreas Lubitz, người được cho là gây ra thảm kịch dẫn tới cái chết của 150 người hôm 24/3.

Ngày 29/3, tại hiện trường vụ tai nạn với chiếc máy bay Airbus A320 của hãng Germanwngs trên dãy núi Alps (Pháp) đã phát hiện phần thi thể của phi công phụ Andreas Lubitz. Cùng ngày, tờ Bild am Sonntag (Đức) đăng tải nội dung đoạn băng ghi âm được lấy từ chiếc hộp đen chiếc máy bay Airbus A320 rơi tại Pháp. Theo đó, sau khi cất cánh, cơ trưởng máy bay báo với phi công phụ Andreas Lubitz rằng mình có nhu cầu đi vệ sinh vì không có thời gian đi trước khi cất cánh. Đáp lại, Andreas nói sẵn sàng nhận quyền điều khiển máy bay vào bất kỳ lúc nào. Sau đó, cơ trưởng rời khoang lái khi chiếc máy bay đang ở độ cao 11.600m. Hai phút sau, các radar ghi nhận máy bay hạ độ cao. Các điều phối viên mặt đất cố gắng liên lạc với phi công nhưng không có kết quả. Qua đoạn băng ghi âm có thể nhận ra cơ trưởng cố gắng mở cửa vào khoang lái khi phát hiện máy bay hạ độ cao. (Xem chi tiết)


Ngày 29/3, Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2015 (BFA) đã bế mạc tại tỉnh Hải Nam (Hainan), miền Nam Trung Quốc. Diễn đàn với chủ đề "Tương lai mới cho châu Á: Hướng tới một cộng đồng cùng chung vận mệnh", đã có sự tham dự của gần 2.800 chính trị gia, doanh nhân và học giả cùng với các nhà báo đến từ 49 quốc gia và vùng lãnh thổ, tập trung vào 6 lĩnh vực gồm kinh tế vĩ mô, hợp tác khu vực, chuyển đổi ngành nghề sản xuất, sáng tạo kỹ thuật, an ninh chính trị và an sinh xã hội. Vấn đề thu hút sự quan tâm nhất của dư luận tại diễn đàn năm nay là sự ủng hộ của các nước đối với sáng kiến thành lập Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) và sáng kiến kết nối cơ sở hạ tầng khu vực do Trung Quốc khởi xướng.


Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) đã cố gắng phá vỡ bế tắc trong các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Tehran để đi đến những điểm cuối cùng song cũng là những vấn đề mang tính quyết định và khó khăn nhất. Phát biểu với các phóng viên cuối ngày 29/3, nhà đàm phán hàng đầu Abbas Araqchi của Iran cho biết thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1 là "khả thi" và chỉ còn lại "hai hoặc ba" vấn đề cần giải quyết. Việc đạt được thỏa thuận là có thể và các cuộc đàm phán đang trong giai đoạn cuối cùng nhưng cũng rất khó khăn. Ông Araqchi cũng bác bỏ việc đưa kho nhiên liệu hạt nhân của Iran ra nước ngoài - một yêu cầu chủ chốt của các cường quốc thế giới trong khi khẳng định các nghị quyết và trừng phạt của Liên hợp quốc phải được dỡ bỏ. 


Ngày 29/3, ReutersAFP dẫn thông báo của  Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết thắng lợi của Đảng cực hữu Mặt trận Quốc gia (FN) trong cuộc bầu cử địa phương diễn ra cùng ngày là một dấu hiệu về một sự thay đổi lớn trong đời sống chính trị tại quốc gia này. Ông Valls xác nhận Đảng UMP bảo thủ và đồng minh theo đường lối ôn hòa của đảng này đã giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử và Đảng Xã hội cầm quyền đã mất nhiều ghế.


Tổ chức Hợp tác và An ninh Châu Âu OSCE ngày 29/3 cho biết, quân Ukraine đã pháo kích ngôi làng Shirokino, phía Đông thành phố Mariupol. Ngôi làng Shirokino nằm ở phía đông của thành phố cảng chiến lược Mariupol đã trở thành mục tiêu pháo kích của Lực lượng vũ trang Ukraine vào ngày 27/3. Người đứng đầu sứ mệnh giám sát đặc biệt đã kịch liệt lên án hành động leo thang bạo lực của quân chính phủ ở miền Đông Ukraine.


Một quan chức hải quân cấp cao của Israel ngày 29/3 cảnh báo vũ khí hiện đại, chủ yếu do Iran cung cấp, đang đổ vào Syria và Liban và tạo "thách thức cho tất cả hải quân Phương Tây trong khu vực". Quan chức này cho biết mặt trận phía Bắc của Israel đã được thống nhất nên không thể xem Liban và Syria như những thể chế riêng biệt nữa. Những gì diễn ra ở Syria sẽ lặp lại ở Liban và ngược lại. Ông nói: "Trong trường hợp chiến tranh với lực lượng Hezbollah ở Liban, Syria không chắc vẫn sẽ đứng bên lề. Hezbollah và chính quyền Syria trợ giúp lẫn nhau”. Ông cảnh báo rằng Iran tiếp tục tự phát triển phát triển vũ khí bằng cách sao chép từ những nước khác và cung cấp cho các đồng minh ở Syria và Liban.


Ngày 29/3, tờ Al Arabiya đưa tin Saudi Arabia thông báo sẽ phá hủy tất cả tên lửa đạn đạo của phiến quân Houthi tại Yemen trong những ngày tới. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Người phát ngôn của chiến dịch quân sự “Cơn bão Quyết định”, Chuẩn tướng Ahmed Al-Asiri cho biết liên minh do Saudi Arabia chỉ huy đã tiếp tục tấn công vào các tên lửa của phiến quân nhằm tránh những tổn thất không mong muốn. Ông Al-Asiri nói: “Chúng tôi đang làm việc khẩn trương để giành được các mục tiêu trong thời ngắn nhất,” đồng thời nhấn mạnh tuyến biên giới của Saudi Arabia đang được bảo vệ tránh khỏi các mối đe dọa. 


Ngày 29/3, tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 tại khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh của Ai Cập, các nhà lãnh đạo Liên đoàn Arab đã ra tuyên bố chung nhất trí thành lập lực lượng quân đội của khối. Phát biểu trước báo giới, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho biết đánh giá những thách thức về an ninh và các quốc gia Arab đang phải đối mặt, các nhà lãnh đạo của khối nhất trí về nguyên tắc sẽ thành lập lực lượng an ninh chung. Dự kiến đại diện các nước thành viên AL sẽ nhóm họp lại trong tháng 4 tới để nghiên cứu phương thức thành lập lực lượng.


Bộ trưởng Dầu mỏ Iraq Adel Abdel Mehdi dự báo giá dầu thô thế giới có thể tăng lên 70 USD/thùng vào cuối năm 2015. Dầu mỏ sụt giá kéo dài đã làm giảm mạnh nguồn thu của Iraq, khiến nước thành viên Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) này sẽ phải tái đàm phán về các hợp đồng với các nhà khai thác dầu, vì Iraq đang phải đối mặt với một chiến dịch quân sự tốn kém chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). Giá dầu Brent đã tăng lên trên 59 USD/thùng trong tuần trước sau khi Saudi Arabia và các nước đồng minh Arab vùng Vịnh tiến hành các cuộc không kích ở Yemen.

MỚI - NÓNG