THẾ GIỚI 24H: Thủ tướng Đức trả lời chất vấn về các chủ đề 'nóng'

Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời chất vấn của các nhà lập pháp Đức. (Nguồn: dpa)
Thủ tướng Đức Angela Merkel trả lời chất vấn của các nhà lập pháp Đức. (Nguồn: dpa)
TPO - Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc trả lời chất vấn của các nhà lập pháp Đức lần đầu tiên kể từ khi bà nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ thứ 4 liên tiếp. 

Trong một giờ đồng hồ, Thủ tướng Merkel đã trả lời khoảng 30 câu hỏi của các nghị sỹ, chủ yếu xoay quanh các chủ đề "nóng" đang được cộng đồng quốc tế và dư luận đặc biệt quan tâm. Trong phiên chất vấn, Thủ tướng Đức Angela Merkel nhận định sẽ có các cuộc thảo luận khó khăn trong hai ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh G7, dự kiến khai mạc vào ngày 7/6 tại Charlevoix thuộc vùng Quebec của Canada. Bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng điều quan trọng hiện nay là các nước châu Âu cần đoàn kết, cùng nhau hành động vì một thương mại tự do và công bằng cũng như chống lại chủ nghĩa bảo hộ. Thủ tướng Merkel cũng lưu ý rằng hiện khó có khả năng Nga sẽ quay lại nhóm G8, tuy nhiên bà luôn ủng hộ các cuộc đàm phán với Moskva, đồng thời nhấn mạnh đối thoại luôn có ý nghĩa quan trọng. 


Lãnh đạo hơn 70 bộ tộc tại Syria đã thông báo thành lập một liên minh phản đối sự hiện diện của Mỹ, Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ nước này. Theo báo Al-Masdar News đưa tin ngày 3/6, đại diện của hơn 70 bộ tộc này đã gặp nhau tại thành phố Deir Hafer, Aleppo, vào cuối tuần trước để thảo luận các kế hoạch phối hợp với nhau nhằm đánh đuổi lực lượng quân đội Mỹ ra khỏi Syria. Các bộ tộc này cho biết chính sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Syria đã làm căng thẳng giữa lực lượng chính phủ và lực lượng Syria Dân chủ của người Kurd (DSF) leo thang. Thậm chí, một số chính trị gia và sĩ quan quân đội Syria còn cáo buộc SDF là “con rối” của Mỹ và các nước phương Tây. Không chỉ có vậy, các bộ tộc này còn thảo luận kế hoạch đối phó với lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ ở phía Tây Bắc Syria.


Thủ tướng Anh Theresa May đã có buổi tiếp người đồng cấp Israel Benjamin Netanyahu đang ở thăm nước này. Hai nhà lãnh đạo đã cùng nhau thảo luận về các hợp tác song phương và nhiều chủ đề nóng liên quan tới Israel và khu vực như thỏa thuận hạt nhân Iran, sự ảnh hưởng của Iran tại Syria và Yemen cũng như những diễn biến mới nhất tại dải Gaza. Theo Thủ tướng Anh May, nước này sẽ vẫn cùng với các đồng minh châu Âu Pháp và Đức ở lại thỏa thuận hạt nhân Iran nếu quốc gia Trung Đông này duy trì thực hiện đúng các cam kết của mình, bất chấp việc Mỹ hay Israel coi đây là một “thỏa thuận tồi”.


Tổng thư ký NATO không ủng hộ dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga. Bình luận về các phát biểu mới đây của tân Thủ tướng Italy Giuseppe Conte kêu gọi xem xét lại các lệnh trừng phạt đối với Nga, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 6/6 nói rằng cuộc đối thoại chính trị với Moskva phải được duy trì, nhưng các lệnh trừng phạt kinh tế cũng quan trọng. Trang tin www.unian.info dẫn lời ông Stoltenberg nhấn mạnh, các lệnh trừng phạt “gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng những gì Nga đã làm ở Ukraine phải có những hậu quả của nó. Nga phải thay đổi cách hành xử trước khi các lệnh trừng phạt được dỡ bỏ.”


Thủ tướng Tunisia Youssef Chahed hôm qua (6/6) đã quyết định sa thải Bộ trưởng Nội vụ Lotfi Brahem mà không nêu rõ lý do, đồng thời bổ nhiệm Bộ trưởng Tư Pháp Gazi Jribi thay thế chức vụ của Brahem. Trước đó cùng ngày, Bộ Nội vụ Tunisia cũng đã quyết định sa thải 10 quan chức, với lý do “vô trách nhiệm” khi để xảy ra vụ đắm thuyền. Theo một quan chức Tunisia, việc sa thải Bộ trưởng Nội vụ liên quan đến vụ chìm thuyền chở khoảng 180 người di cư bất hợp pháp gần quần đảo Kerkennah vào tối ngày (2/6), khiến ít nhất 68 người thiệt mạng và hàng chục người mất tích. Hầu hết số người di cư trên chiếc thuyền đều là người Tunisia thất nghiệp. Đây là vụ chìm thuyền người di cư “nghiêm trọng nhất” tại Tunisia trong nhiều năm gần đây.


Ngày 6/6, Quốc hội Iraq đã ra quyết định kiểm lại toàn bộ phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 12/5 vừa qua. Quyết định bất ngờ trên được đưa ra một ngày sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi trình Quốc hội một báo cáo của Chính phủ cho rằng có “những vi phạm nguy hiểm” trong cuộc bầu cử, đồng thời khuyến nghị kiểm phiếu lại bằng tay một phần số phiếu của cuộc bầu cử nêu trên. Quốc hội đã thông qua khuyến nghị, đồng thời chỉ định 9 thẩm phán điều hành ủy ban bầu cử. Theo kết quả cuộc bỏ phiếu vừa qua, Liên minh al-Sa'iroon (Hướng tới Cải cách) của giáo sỹ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr nhận được 54 ghế trong Quốc hội gồm 329 ghế. 


Theo phóng viên TTXVN tại New York, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 6/6 đã phê chuẩn kế hoạch tổ chức tổng tuyển cử tại Libya vào cuối năm nay. Tuy nhiên, kế hoạch do Pháp hậu thuẫn này không đề cập đến thời điểm ngày 10/12 đã được nhất trí trong cuộc gặp giữa Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và các thủ lĩnh phe phái đối địch ở Libya diễn ra tại Paris hồi tháng trước. Theo các nguồn tin ngoại giao, trong quá trình đàm phán nội dung của văn kiện trên, một số quốc gia phản đối việc đề cập cụ thể thời gian tiến hành bầu cử là ngày 10/12. Thay vào đó, họ muốn tất cả các bên thông qua hiến pháp và một luật bầu cử rõ ràng rồi mới ấn định ngày bỏ phiếu.


Thổ Nhĩ Kỳ đang tăng cường phối hợp cùng Mỹ, Iraq và chính quyền tự trị Kurdistan của Iraq nhằm hợp tác chống Lực lượng vũ trang đảng công nhân người Kurd. Trong buổi họp báo tổ chức tại thành phố Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mevlut Cavusoglu tuyên bố, Thổ Nhĩ Kỳ cần tăng cường hợp tác với Mỹ, Iraq, chính quyền tự trị Kudistan trong vấn đề đối phó với Lực lượng vũ trang đảng công nhân người Kurd (PKK). Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động trao đổi tình báo và phối hợp ngoại giao. Bốn bên đang tiến hành những công tác chuẩn bị cần thiết để đối phó với PKK. Thổ Nhĩ Kỳ đã cùng Mỹ thành lập đoàn công tác, đồng thời đang thảo luận những vấn đề liên quan với Iraq và Khu tự trị Kurdistan.


Tình hình đàm phán Brexit ở nước Anh đang trở nên căng thẳng khi đảng Lao động đối lập hôm 6/6 gây sức ép mạnh mẽ với Thủ tướng Theresa May, kêu gọi giới lập pháp đánh bại bà trong Quốc hội bằng cách ủng hộ một đề xuất cho phép Anh ở lại thị trường chung của EU sau tiến trình "ly hôn". Các đề xuất sửa đổi luật Brexit mà đảng Lao động đưa ra kêu gọi chính phủ đàm phán để được hưởng quyền tiếp cận đầy đủ với thị trường chung EU sau khi Anh rời khỏi khối này, duy trì các tiêu chuẩn sống, quyền lợi và sự bảo hộ chung, tiếp tục chia sẻ các quy định và thể chế chung giữa Anh và EU, và đảm bảo EU không gây khó khăn thương mại với Anh. Tuy nhiên, một thỏa thuận mới giữa Anh và EU sẽ buộc EU phải sửa đổi một số quy định của họ, và việc Anh được quyền kiểm soát vấn đề nhập cư cũng sẽ phá vỡ 1 trong 4 nguyên tắc tự do mà EU áp dụng đối với thị trường chung.


Hội nghị thượng đỉnh nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7 - gồm Canada, Anh, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản và Mỹ) diễn ra trong 2 ngày 8 và 9-6 tại Charlevoix, Quebec (Canada).  Trong lúc này, cuộc tranh cãi về thuế giữa Mỹ và các đồng minh vẫn chưa có dấu hiệu lắng xuống. Thủ tướng Canada Justin Trudeau trong cuộc trả lời phỏng vấn truyền hình Mỹ ngày 5-6 gọi mức thuế Washington chống lại Canada là điều “xúc phạm”. Các nhà lãnh đạo G7 sẽ sử dụng cuộc họp để đối đầu với Tổng thống Mỹ về quyết định gây tranh cãi khi áp thuế trừng phạt đối với thép và nhôm nhập khẩu. Theo các nhà phân tích, có thể kỳ họp thượng đỉnh G7 lần này sẽ là nơi để các thành viên tuyên bố các biện pháp trả đũa Mỹ, phá vỡ mối quan hệ đa phương lâu dài của G7 thành quan hệ mà các nhà quan sát mô tả là “G6+1” (tức 6 nước cộng Mỹ).

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG