THẾ GIỚI 24H: Thụy Điển bất ngờ rút phái bộ ngoại giao khỏi Triều Tiên

Người dân thủ đô Bình Nhưỡng đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: Reuters.
Người dân thủ đô Bình Nhưỡng đeo khẩu trang khi ra đường. Ảnh: Reuters.
TPO - Thụy Điển đã rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Triều Tiên do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, quyết định được Bộ Ngoại giao nước này thông báo chỉ là tạm thời.
 Theo Reuters, Thụy Điển hôm 18/8 cho biết đã tạm thời rút toàn bộ nhân viên ngoại giao khỏi Triều Tiên. Đại sứ quán Thụy Điển ở Bình Nhưỡng là cơ quan ngoại giao đại diện cho lợi ích của Mỹ, Australia, Canada và nhiều quốc gia khác. Trước đó, phần lớn quốc gia phương Tây có quan hệ ngoại giao với Triều Tiên, bao gồm Đức, Anh và Pháp, đã tạm thời rút nhân viên của mình khỏi quốc gia Đông Bắc Á. Các nước cho biết nguyên nhân là khó khăn trong luân chuyển cán bộ và cung cấp nhu yếu phẩm tiếp tế, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Quân đội Israel ngày 18/8 thông báo máy bay chiến đấu của nước này đã không kích các mục tiêu của Hamas ở Dải Gaza. Đây được xem là động thái đáp trả của Tel Aviv với vụ phóng rocket và thả bóng bay có gắn thuốc nổ từ Dải Gada trước đó. Trong thông báo, người phát ngôn quân đội Israel nói: "Trong cuộc không kích, một cơ sở quân sự thuộc về tổ chức khủng bố Hamas đã bị tấn công."

Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã phát động một cuộc tấn công dồn dập vào Tổng thống Mỹ Donald Trump, kêu gọi người Mỹ bầu cho ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden vào tháng 11 để chấm dứt tình trạng hỗn loạn, mà theo bà, được tạo ra trong suốt 4 năm làm tổng thống của ông Trump.Trong bài phát biểu tại Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ được tổ chức trực tuyến, bà Obama nói rằng, Tổng thống Trump của đảng Cộng hòa “đã có đủ thời gian để chứng minh rằng ông ấy có thể làm được công việc” nhưng nay nước Mỹ đang phải quay cuồng với đại dịch coronavirus, tình trạng hỗn loạn về kinh tế và bất công về chủng tộc.

Đại hội đảng Dân chủ ở Mỹ đã khai mạc và sẽ tiếp tục tới ngày 20/8, 18,7 triệu người đã theo dõi đêm đầu tiên của sự kiện này. Theo số liệu của Nielsen Media Research, đã có tổng số 18,7 triệu người theo dõi đêm đầu tiên của đại hội đảng Dân chủ khai mạc ngày 17/8 với hình thức trực tuyến. Số người theo dõi thấp hơn con số 26 triệu người theo dõi trong năm 2016 khi ứng cử viên Hillary Clinton ra tranh cử Tổng thống.

Ngày 18/8, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, các cuộc tập trận đặc biệt của lực lượng quân cảnh Nga có tên Strazh 2020 đang diễn ra trên khắp Liên bang Nga, với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị chỉ huy và kiểm soát của lực lượng quân cảnh thuộc 3 quân khu và Hạm đội Biển Bắc dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Sergey Kuralenko. Cuộc diễn tập sẽ có sự tham gia của khoảng 20 phi đội máy bay và hơn 400 quân nhân của một đội bay thuộc lực lượng không quân của Hạm đội Baltic, nhằm cải thiện những khả năng bay, chiến đấu cũng như các kỹ năng chuyên nghiệp của phi công. Trong quá trình diễn tập, các phi đội này cũng sẽ phóng nhiều loại tên lửa, bắn súng, ném bom hạng nặng 100 - 500kg và thực hành cơ động trong một cuộc không chiến giả định.

Chính phủ chuyển tiếp của Sudan và Phong trào Giải phóng nhân dân Sudan miền Bắc (SPLM-N) - một nhóm vũ trang lớn ở nước này - đã đạt thỏa thuận hòa bình tạm thời, nhằm hợp nhất lực lượng phiến quân và lực lượng quân đội trong vòng 39 tháng tới (tháng 11/2023).Thỏa thuận được ký kết ngày 17/8 và là thỏa thuận mới nhất trong một loạt thỏa thuận được Chính phủ Sudan ký kết với nhóm vũ trang, qua đó mở ra hy vọng sớm chấm dứt nhiều thập kỷ xung đột.

Cuộc tập trận RIMPAC 2020 đã khai mạc ở ngoài khơi quần đảo Hawaii (Mỹ) với sự tham dự của 23 chiến hạm đến từ 10 quốc gia. Dự kiến, cuộc tập trận sẽ diễn ra trong thời gian từ ngày 17/8 đến ngày 31/8 (theo giờ địa phương). Cuộc tập trận năm nay đã được thu nhỏ quy mô do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo đó, có tổng cộng 10 quốc gia, 22 tàu chiến, 1 tàu ngầm và khoảng 5.300 quân nhân tham dự. Đây là con số nhỏ hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu mời 30 quốc gia, 50 chiến hạm, 200 máy bay chiến đấu và 25.000 quân nhân của ban tổ chức RIMPAC.

Ngày 18/8, Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế (ICRC) cho biết cơ quan này đã ghi nhận hơn 600 vụ tấn công nhằm vào các nhân viên y tế liên quan đến cuộc khủng hoảng đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đồng thời kêu gọi các quốc gia kiểm soát những thông tin sai lệch có thể kích động các hành vi bạo lực này. Báo cáo của ICRC cho biết trong thời gian từ tháng 2 đến tháng 7 vừa qua, cơ quan này đã ghi nhận tổng cộng 611 trường hợp bạo lực, quấy rối hoặc kỳ thị nhằm vào các nhân viên y tế, bệnh nhân và cơ sở y tế liên quan đến đại dịch COVID-19 tại hơn 40 quốc gia. Mặc dù vậy, ICRC cho rằng con số này trên thực tế có thể cao hơn nhiều.

Ngày 18/8, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố Israel phản đối mọi thương vụ bán máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ cho Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dù Israel và UAE đã nhất trí bình thường hóa quan hệ.Phủ Thủ tướng Israel nhấn mạnh: "Thỏa thuận hòa bình lịch sử giữa Israel và UAE không bao gồm sự chấp thuận của Israel đối với bất kỳ thỏa thuận vũ khí nào giữa Mỹ và UAE". Tuyên bố trên được đưa ra sau khi tờ Yediot Aharonot, một trong những nhật báo lớn nhất của Israel, ngày 18/8 đưa tin rằng Nhà Trắng lên kế hoạch ký một thỏa thuận "lớn" nhằm bán máy bay chiến đấu F-35 cho UAE.

Trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 227.978 ca mắc COVID-19 và 5.627 ca tử vong.Theo số liệu thống kê của trang worldometers.info, cập nhật đến 6h sáng 19/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễmCOVID-19 trên toàn cầu là 22.271.486 ca, trong đó có 782.830 người thiệt mạng. Các nước cũng ghi nhận 15.023.033 bệnh nhân đã bình phục, số ca nguy kịch hiện là 62.269 và 6.465.623 ca đang điều trị tích cực. Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Ấn Độ (65.022 ca), Brazil (44.119 ca) và Mỹ (38.728 ca); Brazil dẫn đầu về số ca tử vong mới (1.234 ca), tiếp theo là Mỹ (1.149 ca) và Ấn Độ (1.098 ca).
MỚI - NÓNG