THẾ GIỚI 24H: Tiết lộ cuộc đàm phán 4 giờ của ngoại trưởng Nga-Mỹ

Tổng thống Putin tiếp Ngoại trưởng John Kerry trong cuộc gặp cấp cao nhất của Mỹ trên đất Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Ukraine.
Tổng thống Putin tiếp Ngoại trưởng John Kerry trong cuộc gặp cấp cao nhất của Mỹ trên đất Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Ukraine.
TPO - Nhà lãnh đạo Nga đã tiếp đón quan chức đầu ngành ngoại giao Mỹ tại dinh thự mùa Hè của ông ở khu nghỉ dưỡng Sochi bên bờ Biển Đen trong cuộc gặp cấp cao nhất của Mỹ trên đất Nga kể từ khi nổ ra cuộc xung đột Ukraine. Trước đó, Ngoại trưởng Kerry đã hội đàm với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov trong 4 giờ đồng hồ.

Cuối ngày 12/5, các phái đoàn đại biểu Nga và Mỹ do Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dẫn đầu đã kết thúc cuộc họp ở Sochi. Cuộc đàm phán kéo dài khoảng 4 giờ. Trả lời câu hỏi cuộc đàm phán đã diễn ra thế nào, ông Lavrov nói: "Tuyệt vời". Hai bên đã ​​thảo luận toàn bộ những khía cạnh có vấn đề trong quan hệ Mỹ-Nga, về tình hình ở Ukraine, Trung Đông, xung quanh Iran. "Các vấn đề thảo luận liên quan đến tình hình trên thế giới theo nghĩa rộng và mối quan hệ Nga-Mỹ cùng với tất cả những yếu tố có vấn đề của quan hệ này", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói. "Sẽ có thời gian để có thể xét một cách hệ thống và sâu sắc từng điểm một toàn bộ chương trình nghị sự cực kỳ phức tạp và nặng nề mà hiện nay chưa được cải thiện", nhà ngoại giao nhấn mạnh, theo Sputnik.


Quốc hội Ukraine ngày 12/5 đã thông qua một dự luật tạo cơ sở pháp lý cho việc ban bố thiết quân luật ở nước này. Theo tuyên bố đăng trên trang tin điện tử của Quốc hội Ukraine, dự luật được Tổng thống Petro Poroshenko đệ trình hồi tháng Tư này đã nhận được sự ủng hộ của 254 trên tổng số 322 nghị sỹ tham dự phiên họp tại quốc hội. Đạo luật mới quy định thiết quân luật có thể được áp dụng trên khắp Ukraine hoặc ở những khu vực nhất định nếu có sự xâm lược vũ trang hay xuất hiện một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia hoặc sự toàn vẹn lãnh thổ. Luật trên cho phép lãnh đạo quân đội Ukraine tước bỏ quyền tự do và quyền đi lại của người dân, tiến hành thẩm tra tài sản tư nhân, ngăn cấm tổ chức các sự kiện lớn và thiết lập lệnh giới nghiêm trong thời gian áp dụng thiết quân luật.


Đại diện của Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng trong các cuộc đàm phán ở thủ đô Minsk (Belarus) ngày 12/5 đã đề xuất tiến hành bầu cử ở Donbass mà không có các đảng của Ukraine tham gia tiến hành "Chiến dịch chống khủng bố - ATO" tại khu vực này. Tuyên bố của DPR và LPR có đoạn: "Đại diện của DPR và LPR tại các cuộc đàm phán ở Minsk đã gửi đi đề xuất của Donbass liên quan tới thể thức tiến hành các cuộc bầu cử thị chính”. Theo đề xuất “sẽ không cho phép các đảng Ukraine - có đại diện tiến hành ATO, phong tỏa kinh tế, kích động tuyên truyền quân phiệt, bất hòa xã hội và quốc tế - tham gia bầu cử". DPR và LPR muốn các quan sát viên của Văn phòng Vì các viện dân chủ và nhân quyền (ODIHR) và Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) tham gia giám sát bầu cử.


Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về sức mạnh quân sự của Trung Quốc năm 2015 công bố ngày 12/5 cảnh báo Bắc Kinh hiện có trong tay hàng chục tên lửa đạn đạo có khả năng mang bom hạt nhân, có thể bắn trúng tất cả các mục tiêu trên toàn bộ lãnh thổ nước Mỹ. Trong bản báo cáo hàng năm gửi Quốc hội Mỹ, Lầu Năm Góc cho biết các năng lực quân sự thông thường của Trung Quốc đang tiếp tục được cải thiện, nhưng Bắc Kinh giờ đây đã có một tiềm lực quân sự của một siêu cường đang nổi, đó là khả năng phóng các đầu đạn hạt nhân tới các mục tiêu trên toàn cầu, theo Vietnamplus.


Chiến sự ác liệt tiếp tục nổ ra tại nhiều khu vực khác nhau ở Yemen, đe doạ nguy cơ đổ vỡ của lệnh ngừng bắn được Mỹ và Saudi Arabia ủng hộ. Tối 12/5, lệnh ngừng bắn vì mục đích nhân đạo kéo dài 5 ngày đã bắt đầu có hiệu lực tại Yemen, quốc gia A rập đang chìm sâu trong cuộc nội chiến phức tạp với sự tham gia của nhiều bên quốc tế. Tuy nhiên, ngay trước thời điểm lệnh ngừng bắn có hiệu lực, chiến sự ác liệt tiếp tục nổ ra tại nhiều khu vực khác nhau, đe doạ nguy cơ đổ vỡ của lệnh ngừng bắn được Mỹ và Saudi Arabia ủng hộ.


Hãng thông tấn Saba dẫn lời một quan chức Yemen cho biết các cuộc không kích của liên quân do Saudi Arabia đứng đầu nhằm vào một căn cứ rocket tại thủ đô Sanaa của Yemen đã làm ít nhất 90 người thiệt mạng và 300 người bị thương. Nếu được xác nhận, đây sẽ là con số thiệt mạng lớn nhất trong một vụ việc đơn lẻ trong hơn 6 tuần liên quân tiến hành chiến dịch oanh kích nhằm vào phiến quân Houthi và những phần tử trung thành với nhóm phiến quân này trong quân đội Yemen. Trước đó, ngày 21/4, liên quân đã tiến hành oanh kích nhằm vào một căn cứ tên lửa ở thủ đô Sanaa hiện do phiến quân Houthi chiếm giữ, gây ra một loạt vụ nổ, làm 38 người thiệt mạng và 532 người bị thương. 


Cảnh sát Tây Ban Nha ngày 12/5 đã bắt giữ 2 kẻ bị tình nghi phân phát tài liệu tuyên truyền cho IS. Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, 2 tên này bị bắt giữ tại thành phố Barcelona, phía Đông Bắc Tây Ban Nha. Theo tuyên bố của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, 2 tên này đã dùng các tài khoản trực tuyến để phân phối những tài liệu do chúng tự viết và cả thông tin từ chính nhóm phiến quân IS. Tuy nhiên, cơ quan này không cung cấp thông tin chi tiết về 2 kẻ vừa bị bắt giữ.


Một máy bay trực thăng của Lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ đang triển khai các hoạt động cứu trợ sau động đất ở Nepal đã được thông báo mất tích vào ngày 12/5 với 8 người trên máy bay, gồm 6 lính thủy đánh bộ Mỹ và 2 binh sỹ người bản địa. Người phát ngôn Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Thiếu tá Dave Eastburn nêu rõ: “Vụ việc xảy ra ở gần Charikot, Nepal khi chiếc máy bay đang thực hiện các hoạt động cứu trợ nhân đạo và giảm nhẹ thảm họa”. Trong khi đó, Lầu Năm Góc cho biết đã tạm ngừng hoạt động tìm kiếm trên không đối với chiếc máy bay bị mất tích do trời tối, trong khi quân đội Nepal vẫn tiếp tục tìm kiếm trên bộ.


Theo Bộ Nội vụ Nepal, đã có ít nhất 37 người thiệt mạng và 1.129 người bị thương trong trận động đất mạnh 7,3 độ Richter xảy ra ngày 12/5 ở nước này. Truyền hình Nepal chiếu cảnh các toà nhà, kể cả toà nhà quốc hội, rung lắc dữ dội khi động đất xảy ra. Theo số liệu cập nhật mới nhất, trận động đất đã làm ít nhất 37 người tại Nepal và 17 người tại khu vực biên giới miền Bắc Ấn Độ thiệt mạng. Người dân ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ cũng cảm nhận được rung chấn. Ngoài ra, động đất khiến một số toà nhà ở Khu tự trị Tây Tạng (Trung Quốc) đổ sập, làm ít nhất 1 người thiệt mạng và 2 người bị thương. 


Bộ Giao thông Vận tải Nhật Bản ngày 12/5 cho biết một máy bay của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đã hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay New Chitose ở Hokkaido của Nhật Bản do sự cố rò rỉ dầu khi đang thực hiện hành trình từ Đài Bắc đến Sapporo. Chiếc Airbus A330 này của hãng hàng không TransAsia chở theo 272 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn. Không ai bị thương trong tình huống hạ cánh khẩn cấp. Sân bay New Chitose, nằm cách thủ phủ Sapporo của Hokkaido 36 km về phía Đông Nam, đã phải đóng cửa một trong hai đường băng trong khoảng 1 tiếng rưỡi từ lúc máy bay hạ cánh cho đến khi sự cố được khắc phục.

MỚI - NÓNG