THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Joe Biden dự báo Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh kinh tế khốc liệt

Ảnh minh họa: CNN
Ảnh minh họa: CNN
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 7/2 cho biết Mỹ và Trung Quốc sẽ cạnh tranh khốc liệt trong nền kinh tế toàn cầu trong thời gian ông cầm quyền.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình CBS ngày 7/2, Tổng thống Joe Biden cho rằng mặc dù sẽ cạnh tranh khốc liệt nhưng hai nước sẽ không bị kéo vào một cuộc xung đột trực tiếp. Theo Tổng thống Joe Biden, không có lý do gì để hai nước gây chiến với nhau mặc dù hai siêu cường quốc này sẽ va chạm về mặt kinh tế trong nhiều năm tới. Tổng thống Biden tuần trước cũng tuyên bố rằng Mỹ coi Trung Quốc là đối thủ đáng gờm nhất, tuy nhiên, Mỹ sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc khi liên quan tới lợi ích của mình. Theo Tổng thống Biden, Mỹ sẽ giải quyết trực tiếp các thách thức từ Trung Quốc đối với sự thịnh vượng, an ninh và giá trị dân chủ Mỹ.

Trong đoạn phỏng vấn được phát trên kênh truyền hình CBS News ngày 7/2, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết nước này sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế với Iran để đưa Tehran trở lại bàn đàm phán, qua đó thảo thuận về cách khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Khi được hỏi về liệu Mỹ có dỡ bỏ các lệnh trừng phạt trước để đưa Iran trở lại bàn đàm phán hay không, Tổng thống Biden đáp lại rằng: "Không."Khi được hỏi về liệu Iran có cần phải dừng làm giàu uranium trước hay không, nhà lãnh đạo Mỹ đã gật đầu. Tuy nhiên, hiện chưa rõ ý nghĩa của hành động này.


Theo trang mạng worldometer.info, trong vòng 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 320.000 ca bệnh COVID-19 và trên 7.300 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay là trên 106,6 triệu ca, trong đó trên 2,32 triệu ca tử vong. Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 81.000 ca), Brazil (26.845 ca) và Pháp (19.715 ca). Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mexico (1.496 ca), Mỹ (1.265 ca) và Brazil (465 ca). Thế giới có 21 quốc gia ghi nhận từ 1 triệu ca mắc trở lên, trong đó Mỹ vẫn đứng đầu với trên 27,5 triệu ca mắc và trên 474.000 ca tử vong. Đứng thứ hai là Ấn Độ với 10,8 triệu ca mắc và 155.000 ca tử vong. Brazil đứng thứ ba với 9,5 triệu ca mắc và trên 231.000 ca tử vong.

Ngày 7/2, Bộ trưởng phụ trách triển khai công tác tiêm chủng vaccine của Anh Nadhim Zahawi cho biết nước này sẽ không áp dụng "hộ chiếu vaccine" phòng COVID-19, song người dân sẽ có thể xin xác nhận đã tiêm phòng từ bác sĩ trong trường hợp họ cần đi tới các nước khác. Phát biểu với hãng Sky News, ông Zahawi nêu rõ: "Chúng tôi chắc chắn không muốn áp dụng hộ chiếu vaccine như là một phần trong chương trình tiêm chủng". Ý tưởng về "hộ chiếu vaccine" hay hộ chiếu tiêm chủng đã được một số doanh nghiệp, trong đó có Microsoft, Salesforce, Oracle,… và quốc gia trên thế giới đề cập đến. Israel gần đây cũng đã công bố “hộ chiếu xanh”, cho phép những người đã tiêm chủng có thể ăn trong nhà hàng, tham dự các sự kiện công cộng và đi lại tự do.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ, ông Harsh Vardhan cho biết nước này đang phát triển thêm 7 loại vaccine COVID-19. Bộ trưởng Vardhan khẳng định: "Chúng tôi không chỉ phụ thuộc vào 2 loại vaccine vì Ấn Độ đang nghiên cứu thêm 7 loại vaccine bản địa. Đồng thời, chúng tôi cũng đang nghiên cứu phát triển thêm các vaccine vì Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn và chúng tôi cần nhiều bên tham gia và nghiên cứu để tiếp cận với tất cả mọi người". Trong số 7 vaccine nói trên, có 3 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm và 2 loại đang trong giai đoạn tiền lâm sàng.

Thủ tướng Hun Sen, các quan chức chính phủ Hoàng gia Campuchia và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia đã đến sân bay Phnom Penh để nhận vaccine phòng Covid-19 do Trung Quốc viện trợ. 600.000 liều vaccine phòng Covid-19 Sinopharm do chính phủ Trung Quốc tài trợ đã đến sân bay quốc tế Phnôm Penh chiều 7/2 bằng máy bay chuyên dụng, và trở thành vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được chính phủ Campuchia sử dụng. Phát biểu với báo giới tối 7/2, Thủ tướng Hun Sen cho biết 300.000 trong số 600.000 liều vaccine sẽ được phân bổ cho Bộ Y tế và số còn lại sẽ dành cho Bộ Quốc phòng.

Thượng viện Mỹ ngày 7/2 thông báo sẽ tạm dừng phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump từ ngày 12/2 sang ngày 13/2 theo đề nghị của ông David Schoen - luật sư của ông Trump. Việc hoãn phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Trump 1 ngày đặt ra những vấn đề về thời điểm kết thúc phiên tòa, vốn sẽ bắt đầu tại Thượng viện vào ngày 9/2. Thượng viện hiện nay chưa có kế hoạch họp trong tuần sau ngày 14/2. Trong khi cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều cho biết họ hy vọng sẽ sớm tiến hành phiên tòa luận tội ông Trump.

Mỹ đã đình chỉ và bắt đầu quá trình chấm dứt các thỏa thuận hợp tác về tị nạn với chính phủ 3 nước Trung Mỹ El Salvador, Guatemala, Honduras. Các thỏa thuận này được ký dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump. Thông cáo báo chí của bộ Ngoại giao Mỹ cho biết động thái này là những bước cụ thể đầu tiên trong nỗ lực của Mỹ nhằm củng cố mối quan hệ đối tác và phối hợp trong khu vực dưới thời Tổng thống Joe Biden.

Ngày 7/2, một quả bom ven đường phát nổ tại miền Trung Somalia khiến 12 nhân viên Cơ quan An ninh và Tình báo Quốc gia thiệt mạng. Theo cảnh sát địa phương, vụ nổ xảy ra khi các nhà lãnh đạo chính trị nhóm họp bên ngoài thị trấn Dhusamareb để thảo luận về cách tổ chức cuộc bầu cử vào ngày 8/2. Ngay sau vụ việc, nhóm chiến binh Al Shabaab lên tiếng thừa nhận thực hiện vụ tấn công.

Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ đang chuẩn bị cho cuộc họp đầu tiên giữa các lãnh đạo của nhóm Bộ tứ nhằm ứng phó với sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Theo hãng thông tấn Kyodo của Nhật, động thái trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden dường như mong muốn thu hút sự chú ý đến nhóm quy tụ 4 nền dân chủ lớn ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan gọi đây là nền tảng để xây dựng chính sách quan trọng của Mỹ trong khu vực.
MỚI - NÓNG