THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Nga – Mỹ điện đàm

Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Barack Obama. Ảnh: AP
TPO - Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 13/1 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Vladimir Putin để thảo luận về tình hình Ukraine và Syria.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, trong cuộc điện đàm này, ông Ôbama nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp tác để đi đến một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine và giải quyết cuộc xung đột ở Syria. Theo Tổng thống Mỹ, bước quan trọng tiếp theo trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine là tất cả các bên nhất trí về phương thức tiến hành bầu cử địa phương ở vùng Donbass.


Người phát ngôn quân đội Philippines, Đại tá Restituto Padilla ngày 13/1 cho biết nước này đã đề xuất để Mỹ sử dụng 8 căn cứ. Theo đề xuất này của Philippines, Washington có thể xây dựng các cơ sở làm kho trang thiết bị và quân nhu dựa trên Thỏa thuận Tăng cường Hợp tác Quốc phòng (EDCA) mới ký giữa hai nước. Động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng leo thang.


Các đặc phái viên hàng đầu về hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản đã bắt đầu cuộc họp tại thủ đô Seoul vào chiều 13/1 nhằm phối hợp các phương thức đối phó với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên hồi tuần trước. Đại diện Hàn Quốc Hwang Joon-kook đánh giá bất chấp cộng đồng quốc tế nhiều lần cảnh báo, Triều Tiên vẫn thực hiện vụ thử hạt nhân, đe dọa nền hòa bình thế giới và ngang nhiên thách thức các quy định và trật tự quốc tế, đồng thời nhấn mạnh cần có một cách đối phó khác với trước đây.


Các quan chức ngày 13/1 cho biết, Pakistan đã bắt giữ kẻ cầm đầu nhóm phiến quân Jaish-e-Mohammad bị tình nghi lên kế hoạch và chỉ đạo cuộc tấn công khủng bố căn cứ không quân Pathankot thuộc bang Punjab, miền Bắc Ấn Độ, gần biên giới Pakistan hôm 2/1 vừa qua, làm 7 binh sỹ thiệt mạng. 


Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu ngày 13/1 cho biết, kẻ đánh bom ở Istanbul đã vào nước này với tư cách là người tị nạn Syria. Báo Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố một hình ảnh của máy quay an ninh cho thấy hình ảnh một người đàn ông có thể là thủ phạm vụ đánh bom này. Theo thông tin trên các mạng xã hội, người này là Nabil Fadli sinh năm 1988 tại Saudi Arabia.


Ngày 13/1, Chính phủ Đan Mạch đã quyết định gia hạn việc áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời tại đường biên giới chung với Đức thêm 20 ngày, tức tới ngày 3/2. Theo Bộ Hội nhập Đan Mạch, ban đầu nước này có kế hoạch áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới tạm thời trong 10 ngày, bắt đầu từ 4/1, sau khi quốc gia láng giềng Thụy Điển cũng thi hành biện pháp tương tự. 


Tỉnh trưởng Homs (miền Trung Syria), ông Talal Barazi ngày 13/1 cho biết các lực lượng đối lập ở tỉnh này sẽ từ bỏ một nửa số vũ khí hạng nặng của mình nhằm thực hiện một thỏa thuận bước ngoặt đạt được với chính phủ hồi tháng 12/2015. Giai đoạn đầu của thỏa thuận trên đã được thực thi hồi tháng 12/2015, theo đó khoảng 700 người - trong đó có 400 phụ nữ và trẻ em, cùng 300 tay súng - đã được sơ tán khỏi Waer, quận cuối cùng phiến quân chiếm giữ ở phía Tây thành phố Homs. Giai đoạn hai đã bắt đầu từ ngày 9/1 và sẽ tiếp tục đến đầu tháng 2 tới. 


Đại diện thường trực Liên minh châu Âu (EU) tại Liên bang Nga Vygaudas Usackas cho biết, Moscow và Brussels sẽ thảo luận về việc bãi bỏ các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt chống Nga, tuy nhiên, EU vẫn quyết gắn thỏa thuận Minsk với việc dỡ bỏ trừng phạt Nga. Theo ông Usackas, cuộc thảo luận sẽ thông qua các nhóm công tác về thỏa thuận Minsk.


Nga bị thiệt hại khoảng 25 tỷ euro trong năm 2015 do các biện pháp trừng phạt của Liên minh châu Âu (EU), trong khi mức thiệt hại mà EU hứng chịu do các biện pháp tương tự từ Moscow trong 2 năm 2014-2015 là 90 tỷ euro. Theo Thứ trưởng thứ nhất Bộ Phát triển Kinh tế Nga, ông Alexey Likhachev EU đã thiệt hại 40 tỷ euro trong năm 2014 và thiệt hại thêm 50 tỷ euro trong năm tiếp theo khi Nga thực thi các biện pháp đáp trả các lệnh trừng phạt mà EU áp đặt với Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine. 


Một quan chức cấp cao trong Đảng Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) ngày 13/1 cho biết, người chiến thắng trong cuộc bầu cử ở Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, sẽ không thúc đẩy một sự thay đổi ngay lập tức Hiến pháp của nước này - văn kiện vốn ngăn cản bà trở thành Tổng thống. Tuy nhiên, theo nguồn tin, điều đó không có nghĩa là đảng NLD của bà San Suu Kyi đã từ bỏ mục tiêu sửa đổi Hiến pháp, và vấn đề này vẫn chưa được các bên thảo luận trong những tuần gần đây.

MỚI - NÓNG