THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Putin kêu gọi BRICS tham gia giải quyết tình hình Syria

Ảnh: RT
Ảnh: RT
TPO - Tổng thống Vladimir Putin dự định sẽ kêu gọi lãnh đạo các nước Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tham gia tiến trình giải quyết tình hình tại Syria.

Trợ lý Tổng thống Nga, ông Yury Ushakov nhấn mạnh, tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS (từ ngày 3 - 5/9) ở Trung Quốc, "lãnh đạo BRICS sẽ đề cập những vấn đề khu vực chen chốt như Trung Đông, Bắc Phi, Afghanistan, vùng Sahara-Sahel và một số vấn đề khác”. Theo ông ông Ushakov, các nhà lãnh đạo BRICS sẽ đặc biệt chú ý tới tình hình tại Syria. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Putin sẽ trình bày lập trường của Nga, đồng thời kêu gọi BRICS tham gia vào tiến trình giải quyết tình hình tại Syria, khôi phục đất nước bị chiến tranh tàn phá này bằng các dự án nhân đạo, thu hút sự chú ý tới khuôn khổ đàm phán Astana, đề cập đến những hành động của Nga nhằm hỗ trợ cơ chế chấm dứt đối đầu quân sự lâu dài.


Ngày 1/9, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố quyết định của Washington đóng cửa các cơ sở ngoại giao của Nga đang hủy hoại những cơ hội phối hợp hành động, bao gồm cả những vấn đề quốc tế quan trọng. Bà Zakharova nhấn mạnh những quyết định này ảnh hưởng trực tiếp tới “hàng chục nghìn dân thường của hai nước". Theo bà Zakharova, động thái này cho thấy Mỹ hoàn toàn không quan tâm tới việc phát triển quan hệ giữa nhân dân hai nước.


Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho rằng Triều Tiên sẽ đạt năng lực triển khai các tên lửa đạn đạo tầm xa trong một vài tháng tới, đồng thời hối thúc Trung Quốc cần tích cực hơn nữa về mặt ngoại giao để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay.


Các nhà lãnh đạo của Hàn Quốc và Mỹ vừa nhất trí tăng cường khả năng răn đe của Seoul đối với Triều Tiên bằng việc nâng cao năng lực tên lửa của Hàn Quốc, đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải đưa Bình Nhưỡng quay trở lại bàn đàm phán.


Cơ quan báo chí của Tổng thống Ukraine thông báo Thỏa thuận liên kết giữa Ukraine và Liên minh châu Âu (EU) bắt đầu có hiệu lực vào ngày 1/9. Ông Petro Poroshenko nhấn mạnh: "Đây là bước đầu tiên và cực kỳ quan trọng trên con đường đưa Ukraine trở lại với gia đình châu Âu". Thỏa thuận liên kết giữa Ukraine và EU bao gồm thỏa thuận thương mại tự do và một loạt vấn đề về pháp luật, các quy định đã được ký kết vào tháng 6/2014, trong đó, một số nội dung của thỏa thuận đã được áp dụng tạm thời kể từ tháng 11/2014.


Cục An ninh công nghệ thông tin liên bang Đức (BSI) ngày 1/9 đã bày tỏ lo ngại rằng cuộc tổng tuyển cử tại Đức vào ngày 24/9 tới có thể sẽ trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Giám đốc BSI Arne Schoenbohm cho biết bên cạnh việc đánh cắp dữ liệu nhạy cảm của các ứng cử viên và đảng phái tham gia tranh cử lần này, mối đe dọa lớn nhất chính là thủ phạm có thể sẽ tấn công hệ thống công nghệ thông tin được sử dụng trong quá trình diễn ra cuộc bầu cử.


Ngày 1/9, các sự kiện kỷ niệm 78 năm ngày Chiến tranh Thế giới thứ 2 bùng nổ đã diễn ra tại thành phố Wielun và Bán đảo Westerplatte ở Ba Lan. Đây cũng chính là hai nơi đầu tiên phải hứng chịu các đợt tấn công của phátxít Đức. Tham dự các sự kiện kỷ niệm này có Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Beata Szydlo. 

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.