THẾ GIỚI 24H: Tổng thư ký LHQ nói về ý nghĩa chiến thắng phát xít Đức

Các cựu chiến binh tuần hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít tại Thủ đô Moscow, Liên bang Nga
Các cựu chiến binh tuần hành kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít tại Thủ đô Moscow, Liên bang Nga
TPO - Tổng thư ký Liên Hợp Quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã đến Ba Lan nhân kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II ở Châu Âu, gợi nhắc lại những hy sinh “lớn lao” cũng như cái giá qúa lớn của cuộc chiến đấu và chiến thắng trước chủ nghĩa phát xít.

“Những năm dài trong Thế chiến II là khoảng thời gian của những tàn bạo không thể kể xiết, của sự mất niềm tin và mất nhân tính”, Tổng thư ký Ban Ki-moon phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm tổ chức tại thành phố Gdansk của Ba Lan, nơi nổ ra phát súng đầu tiên của Thế chiến II. “Cuộc chiến tranh này đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều quốc gia, bao gồm cả những người đến từ các quốc gia đang hiện diện ở đây”, Tổng thư ký LHQ nói thêm, đồng thời ca ngợi “những nỗ lực tập thể” và sự dũng cảm để mang lại thắng lợi trước cái xấu và mang đến “chiến thắng cuối cùng”. “Cuộc chiến này đã định hình nhiệm vụ của chúng ta và những bài học từ đó hướng dẫn chúng ta hành động”, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh và cho biết thêm, các nguyên tắc quan trọng của LHQ và tất cả các nguyên tắc của luật pháp quốc tế hiện đại được tạo ra đều dựa trên tác động trực tiếp từ cuộc chiến tranh. Chúng bao gồm các nguyên tắc không xâm lược, giải quyết hòa bình các tranh chấp và tôn trọng nhân quyền.


Khắp nơi trên thế giới những ngày này đang rộn ràng chuẩn bị các sự kiện kỉ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng phát xít, sự kết thúc của Thế Chiến II. Tối 8/5, tại tượng đài kỉ niệm Cenotaph ở London sẽ diễn ra lễ mặc niệm 2 phút để tưởng nhớ giờ phút Thủ tướng Anh khi đó là ông Winston Churchill thông báo cuộc chiến với phát xít Đức đã kết thúc. Nữ hoàng Elizabeth sẽ tham dự lễ tạ ơn tại Tu viện Westminster vào ngày 10/5. Đặc biệt, vào đúng ngày 9/5, sẽ có một buổi hòa nhạc tại công viên St James với sự góp mặt của nhiều nhạc sĩ như Pixie Lott và Status Quo. Họ sẽ biểu diễn các ca khúc hào hùng thời chiến. Tại Pháp, Tổng thống Francois Hollande sẽ tới đặt vòng hoa tại nghĩa trang liệt sĩ vô danh trong Thế chiến II. Hà Lan kỉ niệm ngày giải phóng khỏi phát xít của riêng mình hôm 6/5. Hôm 7/5, Kazakhstan đã tổ chức lễ diễu binh ở quảng trường Kazakh Eli với sự góp mặt của gần 5.000 binh sĩ, 200 đơn vị vũ khí và thiết bị quân sự, 70 máy bay. Trong khi đó, ngày 7/5 tại thủ đô Tbilisi của Gruzia, một đoàn xe quân sự cũng khởi hành về những địa điểm chiến trường xưa ở Gruzia để tưởng nhớ và tôn vinh chiến công to lớn của Hồng quân Liên Xô và lực lượng đồng minh. Tham gia đoàn xe có gần 150 người, trong đó có 50 cựu chiến binh. Tại thành phố Nis của Serbia ngày 6/5 cũng tổ chức khánh thành tượng đài các chiến sĩ Hồng quân Liên Xô đã hy sinh bảo vệ thành phố.


Nước Nga sẽ không đơn độc kỷ niệm Ngày Chiến thắng Phát xít 9/5. Theo đó, sẽ có ít nhất 10 quốc gia cùng hơn 1.600 binh lính nước ngoài tham gia diễu binh trong sự kiện hoành tráng của năm nay. Theo tờ The Moscow Times cho biết, các quốc gia cùng tham dự lễ diễu binh với quân đội Nga để mừng Ngày Chiến thắng 9/5 gồm: Armenia, Azerbaijan, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Turkmenistan, Trung Quốc, Ấn Độ, Mông Cổ, Serbia.


Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chúc mừng người dân Nga nhân Ngày Chiến thắng và "cam kết tiếp tục đối thoại với Nga", Bà Celeste Wallander, cố vấn Tổng thống Mỹ phụ trách các về vấn đề về Nga, xác nhận điều này trong một cuộc phỏng vấn ngắn với phóng viên hãng TASS tại buổi tiệc chiêu đãi ở Đại sứ quán Nga tại Mỹ nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại. “Tổng thống của chúng tôi và Cố vấn An ninh Quốc gia cũng nhờ tôi gửi lời chúc mừng đến nhân dân Nga nhân sự kiện trọng đại này”, bà Wallander cho biết. Theo bà Wallander, hiện nay là một giai đoạn khó khăn trong quan hệ Nga-Mỹ. Giữa chúng ta có sự bất đồng rất, rất sâu sắc trên nền tảng của an ninh châu Âu và trật tự toàn cầu. Nhưng Tổng thống Obama vẫn cam kết tiếp tục đối thoại với Nga về những bất đồng và những vấn đề gây tranh cãi này.


Đảng Bảo thủ của Thủ tướng David Cameron đã giành chiến thắng ngoạn mục tại cuộc bầu cử Hạ viện Anh vừa diễn ra ngày 7/5. Kết quả cuối cùng từ Ủy ban bầu cử Anh công bố tối 8/5 theo giờ Việt Nam cho biết đảng Bảo thủ đã giành được 329 ghế tại Hạ viện gồm 650 ghế, cao hơn mức quá bán (326 ghế) để có thể đơn phương thành lập chính phủ mới mà không cần liên minh với bất kỳ đảng nào khác như ở kỳ bầu cử năm 2010. Trong khi đó, Công đảng của thủ lĩnh Ed Miliband chỉ giành được 232 ghế. Với chiến thắng này, Thủ tướng Cameron đã chắc chắn cơ hội ở lại ngôi nhà số 10 phố Downing thêm một nhiệm kỳ nữa để thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong cương lĩnh tranh cử, trong đó có cắt giảm thâm hụt ngân sách, tạo thêm việc làm và đầu tư mạnh mẽ cho dịch vụ y tế công và hạ tầng giao thông...


AFP đưa tin ngày 8/5, các quan chức cho biết quân đội Mỹ đã tăng cường an ninh tại các căn cứ quân sự trên khắp đất nước như một biện pháp đề phòng sau khi Cục điều tra liên bang (FBI) cho rằng các phần tử Hồi giáo cực đoan có thể sẽ tấn công nhằm vào lực lượng binh sỹ và cảnh sát. Một quan chức Bộ Quốc phòng cho hay Tư lệnh Bộ tư lệnh Phương Bắc Mỹ, Đô đốc William Gortney, đã ra lệnh nâng mức báo động nhằm đảm bảo các binh sỹ “có nhận thức và cảnh giác cao hơn” trước các mối đe dọa an ninh tiềm tàng, theo Vietnamplus.


Tỉnh trưởng tỉnh Kunduz, miền Bắc Afghanistan, ông Mohammed Omar Safi ngày 8/5 cho biết các tay súng nước ngoài liên minh với nhóm cực đoan Nhà nước Hồi giáo (IS) đang huấn luyện các phần tử nổi dậy Taliban tại tỉnh này. Đây là tuyên bố đầu tiên kiểu này được đưa ra trong bối cảnh Chính phủ Afghanistan đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa ngày càng tăng từ IS. Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani từng nhiều lần bày tỏ lo ngại IS đang từng bước xâm nhập vào Afghanistan. Tuy nhiên, Tỉnh trưởng Safi còn đưa ra cảnh báo nghiêm trọng hơn khi tuyên bố IS và Taliban đang liên kết lực lượng ở Kunduz.


Bộ Quốc phòng Đức ngày 8/5 thông báo nước này đã điều một tàu hải quân giải cứu khoảng 200 người di cư gặp nạn trên biển Địa Trung Hải. Đây là hoạt động nhằm tăng cường hỗ trợ Italy, quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng nhập cư ồ ạt từ Bắc Phi và Trung Đông vào nước này trong thời gian qua. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Đức cho hay quyết định điều tàu được đưa ra sau khi Đức nhận được cuộc gọi khẩn từ các nhà chức trách Italy vào sáng cùng ngày về việc một tàu gỗ chở người di cư bất hợp pháp gặp nạn.


Tờ The National Interest vừa có bài phân tích về những vũ khí nguy hiểm nhất của Nga. Trong danh sách các vũ khí nguy hiểm nhất của Nga, theo nhận định của truyền thông phương Tây, có các loại máy bay Su-35, Tu-22M, MiG-31, Tu-95 và Su-25. Theo phân tích, chiến đấu cơ đa năng Su-35, máy bay ném bom mang tên lửa Tu-22M, máy bay tiêm kích-đánh chặn MiG-31, phi cơ ném bom chiến lược Tu-95,  máy bay tấn công cận âm Su-25 có mặt trong danh sách những phương tiện chiến đấu hiệu quả nhất của Không quân Nga,. “Nổi bật về tính năng điều khiển dễ dàng và đặc điểm kết cấu đồng bộ cao, là thứ vũ khí rất mạnh, Su-35 có thể đối phó với những  máy bay phương Tây xuất sắc nhất, thậm chí với cả F-22 Raptor”, The National Interest kết luận.


Từ ngày 8/5, các giáo viên mầm non trên toàn nước Đức đã bắt đầu cuộc đình công kéo dài vô thời hạn nhằm yêu cầu tăng lương cho các giáo viên và nhân viên ở các cơ sở giáo dục địa phương. Ngoài giáo viên các trường mầm non, giáo viên nhiều trường học bán trú, chuyên gia giáo dục và cộng tác viên ở các trung tâm giáo dục thiếu niên cũng tham gia cuộc đình công này. Chỉ tính riêng tại bang Baden - Wuerttemberg ở phía Nam, trong sáng 8/5 đã có 300 trường mầm non phải đóng cửa. Trong khi đó, số trường phải đóng cửa ở bang Rheinland-Pfalz và Saarland là 150 trường.

MỚI - NÓNG
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
Con đường hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn
TPO - Triển lãm "Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại" giới thiệu khoảng 100 tài liệu, hình ảnh có nội dung cô đọng, ấn tượng nhất về sự ra đời của “tuyến lửa” Trường Sơn - nơi luôn rung chuyển, bị cày xới và hứng chịu gần 4 triệu tấn bom đạn, chất độc hóa học của kẻ thù.