THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc hy vọng đạt thỏa thuận thương mại với Mỹ

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 5 từ trái sang) cho rằng quan chức hai phía đã có "cuộc hội đàm tốt" trong ngày đầu đàm phán.Ảnh: AFP
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin (thứ 5 từ trái sang) cho rằng quan chức hai phía đã có "cuộc hội đàm tốt" trong ngày đầu đàm phán.Ảnh: AFP
TPO - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng, ông hi vọng hai bên có thể đạt được thỏa thuận thương mại trước hạn chót là vào ngày 1/3.

 Đây là nội dung mà lá thư của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gửi Tổng thống Mỹ được ông Donald Trump đọc trước các phóng viên tại Nhà Trắng khi tham dự cuộc họp báo cùng với Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc. Ông Lưu Hạc đang dẫn đầu phái đoàn thương mại của Trung Quốc đến Washington đàm phán nhằm giảm bớt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.


Tính đến tối qua (31/1 - giờ địa phương), số người chết trong vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại bang Minas Gerais, Đông Nam Brazil đã tăng lên 110 người. Hiện vẫn còn 238 người mất tích và gia đình các nạn nhân đang mất dần hy vọng tìm được người thân còn sống. Nhà chức trách sở tại cho biết, lực lượng cứu hộ không phát hiện được thêm người sống sót kể từ hôm 26/1, một ngày sau vụ vỡ đập hồ chứa chất thải tại mỏ quặng sắt Corrego do Feijao của Tập đoàn khai thác khoáng sản Vale SA.


Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc (LHQ), ngày 31/1, đã đồng ý miễn trừng phạt kế hoạch cung cấp các thiết bị và vật phẩm y tế để hỗ trợ chương trình giúp đỡ, làm giảm tỷ lệ khuyết tật ở trẻ em Triều Tiên. Trên trang web của mình, ủy ban LHQ phụ trách cấm vận Triều Tiên đã đăng thông báo chấp thuận đề nghị của tổ chức Handicap International, cho phép vận chuyển các thiết bị cho dự án của nhóm này tới Triều Tiên. Danh mục hàng hóa được phép vận chuyển lần này có tổng trị giá 109.390 USD.


Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng việc Mỹ sản xuất đầu đạn hạt nhân W76-2 sẽ hạ thấp ngưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân và làm gia tăng nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột hạt nhân. Theo đó, tại cuộc họp báo, ông Lavrov cho rằng tầm nhìn trong chiến lược hạt nhân được Mỹ công bố hồi năm ngoái đã được chuyển hóa thành hành động thực tế. Ông Lavrov cho biết Nga đang chờ xem phản ứng của châu Âu trước việc Mỹ sản xuất đầu đạn hạt nhân mới.


Những lo lắng về một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân đã gia tăng trong tuần này khi sắp đến hạn chót ngày thứ Bảy (2/2), Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF. Cho đến nay, với những nỗ lực ngoại giao vẫn không giải quyết được các mâu thuẫn về Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) được ký kết năm 1987, chính phủ Mỹ dự kiến sẽ thực hiện việc rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước nói trên đúng thời hạn. Các nhà phê bình cho rằng việc bãi bỏ Hiệp ước INF sẽ là sự cảnh báo rằng nước Mỹ sẽ đáp trả lại tương xứng với Nga hay với các đối thủ tiềm tàng khác như Trung Quốc.


Ngày 31/1, đặc phái viên Mỹ tại Liên minh châu Âu (EU) Gordon Sondland tuyên bố muốn khách hàng quay lưng với Huawei để hướng đến các sản phẩm của phương Tây và thêm rằng, có rất nhiều bằng chứng về sự vi phạm an ninh của nhà cung cấp thiết bị viễn thông đến từ Trung Quốc này. Ông Gordon Sondland tuyên bố Mỹ ủng hộ mạnh mẽ việc khuyến khích mọi người không mua bất kỳ sản phẩm kỹ thuật số nào của Trung Quốc có nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và cho rằng, nhiệm vụ  làm mọi người tránh xa Huawei để hướng đến các sản phẩm phương Tây là mục tiêu quan trọng.


Liban ngày 31/1 đã thông báo thành lập chính phủ mới, chấm dứt 8 tháng trì hoãn kéo dài từng làm dấy lên những lo ngại về nguy cơ đổ vỡ kinh tế đất nước. Thành phần nội các mới, được công bố tại cuộc họp báo tại phủ Tổng thống Liban, bao gồm 30 bộ trưởng đại diện cho các đảng phái chính trị của nước này. Tình trạng không có chính phủ đã khiến nền kinh tế vốn mong manh của Liban thêm khó khăn.


Ngày 31/1, Tiểu vương bang Pa-hang Abdullah Ahmad Shah đã chính thức làm lễ lên ngôi, trở thành Quốc vương thứ 16 của Malaysia. Tiểu vương Abdullah, 59 tuổi, lên thay Quốc vương Muhammad V, người vừa từ nhiệm hôm 6/1, sau hơn 2 năm trị vì.


Đặc phái viên phụ trách chính sách Triều Tiên thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ, Stephen Biegun đã kêu gọi Bình Nhưỡng cung cấp một tuyên bố toàn diện về các chương trình tên lửa và hạt nhân của mình, đồng thời cảnh báo rằng Mỹ "có những điều bất ngờ" nếu tiến trình ngoại giao thất bại. Ngày 31/1, ông Biegun cho biết Washington phải đạt được một thỏa thuận với Triều Tiên về việc tiếp cận của chuyên gia và các cơ chế giám sát những khu vực tên lửa và hạt nhân chủ chốt, và cuối cùng là đảm bảo việc loại bỏ hoặc phá hủy kho dự trữ vũ khí, tên lửa, bệ phóng và những vục khí hủy diệt hàng loạt khác.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.