THẾ GIỚI 24H: Ukraine cấm nhà báo Nga dự cuộc gặp báo chí

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Triển lãm vũ khí IDEX-2015
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tại Triển lãm vũ khí IDEX-2015
TPO - Theo chỉ thị của bộ phận an ninh thuộc Văn phòng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, các nhà báo Nga sẽ bị từ chối tham dự cuộc gặp của người đứng đầu nhà nước Ukraine với đại diện các phương tiện truyền thông tại Triển lãm vũ khí IDEX-2015 đang diễn ra ở Abu Dhabi, Các tiểu vương quốc A rập thống nhất (UAE).

Ngày 24/2, đại diện của bộ phận an ninh thuộc Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết: “Tại cuộc gặp, được phép tham gia chỉ có đại diện Ukraine, đại diện phương Tây và báo chí khu vực. Tất nhiên, đây không phải lệnh cấm chính thức ở cấp nhà nước”. Cùng ngày, ông Petro Poroshenko cho biết, nước này đã ký khoảng 20 hợp đồng mua bán vũ khí ở Triển lãm vũ khí IDEX 2015. Những vũ khí được Ukraine mua lần này là sản phẩm của các công ty châu Âu, Mỹ và Trung Đông. Ngoài ra, Kiev cũng ký hợp đồng bán một số sản phẩm quân sự của Tổ hợp công nghiệp quốc phòng Ukraine với tổng trị giá hàng chục triệu USD nhằm có thêm ngoại tệ phục vụ mục tiêu hiện đại hóa quân đội. Tháp tùng Tổng thống Poroshenko trong chuyến thăm UAE có nhiều quan chức quân sự cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Stepan Poltorak và Tổng Tham mưu trưởng quân đội Viktor Muzenko, theo RIA Novosti.


Chiều tối 24/2 theo giờ Việt Nam, cuộc gặp của các Ngoại trưởng thuộc “bộ tứ Normandie” (gồm Nga, Đức, Pháp, Ukraine) nhằm thúc đẩy giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine đã diễn ra ở Paris, Cộng hòa Pháp. Trước khi bắt đầu cuộc tham vấn, các Ngoại trưởng Sergei Lavrov, Frank-Walter Steinmeier, Laurent Fabius và Pavel Klimkin đã thể hiện thiện chí thông qua những cái bắt tay chào hỏi và trao đổi ngắn. Đây là cuộc gặp cấp Ngoại trưởng đầu tiên sau khi các lãnh đạo “bộ tứ Normandie” đạt thỏa thuận dành cho giải quyết khủng hoảng Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh ngày 12/2 vừa qua tại thủ đô Minsk, Belarus. Các nguồn tin ban đầu cho biết, “bộ tứ” đã dành nhiều thời gian thảo luận về tiến trình thực hiện thỏa thuận Minsk,trong đó có việc rút các loại vũ khí hạng nặng ra khỏi vùng chiến sự.


Trước đó, hôm 23/2, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đã hội đàm với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov về một loạt các vấn đề an ninh. Cuộc gặp này diễn ra bên lề phiên họp mở rộng của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc về hòa bình và an ninh toàn cầu. Người phát ngôn Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric trả lời báo giới nói: "Liên quan cuộc xung đột hiện nay ở miền Đông Ukraine, Tổng thư ký Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng tất cả các bên liên quan sẽ thực hiện những cam kết đã nhất trí tại thủ đô Minsk (Belarus) ngày 12/2, đặc biệt là việc thông qua Nghị quyết số 2202 của Hội đồng Bảo an".


Ngày 24/2, Eduard Basurin, chỉ huy hàng đầu của lực lượng ly khai miền Đông Ukraine cho biết, họ đã bắt đầu rút các vũ khí hạng nặng trên diện rộng theo một kế hoạch hòa bình quốc tế nhằm thiết lập một vùng đệm rộng lớn giữa lực lượng pháo binh của phe ly khai và quân chính phủ. Một website của lực lượng ly khai dẫn lời Basurin cho hay, khoảng 100 khẩu bích kích pháo cỡ nòng 122mm sẽ được rút khỏi khu vực tiền tuyến trong ngày 24/2. Tuy nhiên, tuyên bố trên chưa được xác nhận. Người phát ngôn phái bộ giám sát tình hình giao tranh ở miền Đông Ukraine Michael Bociurkiw cho biết, ông chưa thể đưa ra bình luận gì cho tới khi nhận được báo cáo của các giám sát viên vào cuối ngày, theo Vietnamplus.


Một tổ chức nhân quyền ngày 24/2 cho biết, phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) bắt cóc ít nhất 90 người Cơ Đốc giáo ở đông bắc Syria. Theo Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), các vụ bắt cóc diễn ra hôm qua sau khi Nhà nước Hồi giáo (IS) chiếm hai ngôi làng Tal Shamiram và Tal Hermuz của người Assyrian ở tỉnh Hassakeh từ lực lượng người Kurd. SOHR, đặt trụ sở tại Anh, chưa thông tin chi tiết về những người bị bắt cóc.


Ngày 24/2, Tây Ban Nha cho biết, đã triệt phá mạng lưới trên mạng Internet chuyên tuyển mộ phụ nữ trẻ gia nhập phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) để tham gia thánh chiến ở Iraq, Syria. Nhà chức trách Tây Ban Nha đã bắt giữ 4 người.  Vụ việc diễn ra trong bối cảnh các nước châu Âu tăng cường các biện pháp ngăn chặn làn sóng thanh thiếu niên muốn đến Syria, Iraq để tham gia thánh chiến. Gần đây, Tây Ban Nha đã triệt phá được một số mạng lưới tương tự, đặc biệt tại Melilla và Ceuta, 2 vùng lãnh thổ giáp với châu Phi. Tây Ban Nha ước tính có khoảng 100 công dân gia nhập phiến quan cực đoan ở Iraq, Syria. Tuy nhiên, con số này còn thấp so với Pháp, Anh, Đức.


Ngày 24/2, Tòa án Hình sự Cairo (CCC) của Ai Cập đã tuyên trắng án đối với Thủ tướng và Bộ trưởng Nội vụ dưới thời Tổng thống Hosni Mubarak trong một vụ xét xử liên quan tham nhũng. Theo nguồn tin, CCC đã đưa ra phán quyết trên trong phiên xét xử lại đối với cựu Thủ tướng Ahmed Nazif và cựu Bộ trưởng Nội vụ Habib el-Adly. Cả hai ông này đều là thành viên trong nội các trước đây của ông Mubarak và bị cáo buộc lạm dụng công quỹ.


Hạ nghị sĩ Malcolm Rifkind, ngày 24/2, đã quyết định từ chức Chủ tịch Ủy ban An ninh-Tình báo trực thuộc Hạ viện Anh. Ông Rifkind là nghị sĩ Quốc hội Anh từ năm 1974 và từng là thành viên trong chính phủ của cố Thủ tướng Margaret Thatcher. Trong tuyên bố đưa ra sáng cùng ngày, ông Rifkind giải thích lý do từ chức là vì ông đang "dính líu một cuộc điều tra những cáo buộc về việc đổi địa vị và quan hệ lấy tiền". Trước đó, một đoạn video quay lén được công bố cho thấy, ông Rifkind đã đề nghị sử dụng ảnh hưởng, địa vị và các mối quan hệ của bản thân để làm lợi cho một công ty tư nhân. Đổi lại, ông sẽ được công ty này trả khoản tiền mặt trị giá hàng nghìn bảng Anh.


Bất chấp sự chỉ trích kịch liệt từ CHDCND Triều Tiên, Mỹ và Hàn Quốc đã ấn định thời điểm tiến hành hai cuộc tập trung trong tháng 3 và tháng 4 tới. Theo đó, cuộc tập trận "Giải pháp then chốt" sẽ diễn ra từ ngày 2 đến 13/3, với sự tham gia của khoảng 10.000 binh sĩ Hàn Quốc và 8.600 binh sĩ Mỹ. Trong khi đó, cuộc tập trận "Đại bàng non" sẽ kéo dài từ ngày 2/3 đến 24/4, với sự tham gia của khoảng 200.000 binh sĩ Hàn Quốc và 3.700 binh sĩ Mỹ. Cuộc tập trận này sẽ diễn ra cả trên bộ, trên biển và trên không. Ông Curtis Scaparrotti, người đứng đầu Lực lượng hỗn hợp tham gia cuộc tập trận, cho biết, việc tổ chức cuộc tập trận chung Hàn Quốc - Mỹ là nhằm bảo đảm sự sẵn sàng tác chiến của các lực lượng hai nước cũng như duy trì và tăng cường sức mạnh liên minh Mỹ-Hàn Quốc.


Tập đoàn xuất khẩu vũ khí nhà nước Nga Rosoboronexport ngày 24/2 khẳng định sẽ bán hệ thống tên lửa-chiến thuật Iskander-E có sức hủy diệt cực lớn cho đối tác nước ngoài. Theo Phó tổng giám đốc Tập đoàn Rosoboronexport, ông Igor Sevastyanov: “Các cuộc đàm phán tiến tới cung cấp Iskander-E đang được tiến hành. Chúng tôi hy vọng rằng, trong tương lai gần, hệ thống tên lửa tối tân trên có thể được xuất khẩu ra nước ngoài”. Nếu các cuộc đàm phán thành công, thì quốc gia hiện chưa được tiết lộ sẽ là khách hàng đầu tiên của Nga trong việc tiếp cận hệ thống tên lửa phức hợp này. Sự khác biệt chính giữa các phiên bản xuất khẩu Iskander-E và phiên bản Iskander-M trang bị cho lực lượng vũ trang Nga là tầm bắn tên lửa “chỉ” ở mức 280km theo quy định quốc tế về việc kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR). (Xem chi tiết)


Bộ trưởng Quốc phòng Pháp ngày 24/2 đã gặp người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar, trong chuyến thăm ngắn tới New Delhi nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ của thương vụ chuyển giao 126 máy bay chiến đấu đang gặp trục trặc vì vấn đề giá cả. Hồi năm 2012, công ty Dassault Aviation của Pháp đã giành được quyền đàm phán với Ấn Độ để cung cấp 126 chiến đấu cơ, trị giá 12 tỷ USD cho Ấn Độ. Theo kế hoạch ban đầu, công ty Dassault sẽ cung cấp 18 máy bay chiến đấu động cơ kép trong năm 2015. Sau đó, 108 chiến đấu cơ còn lại sẽ được công ty nhà nước Hindustan Aeronautics của Ấn Độ sản xuất theo công nghệ do bên Pháp chuyển giao. Tuy nhiên, khi phía New Delhi nhận thấy giá thành do công ty Pháp chưa tối ưu, đàm phán đã không đạt được kết quả mong muốn.


Chính quyền Saudi Arabia ngày 24/2 đã gửi đề nghị tới Mỹ về việc cung cấp một loạt tàu chiến mới để thay thế các đơn vị chiến hạm hiện có. Tổng giá trị của gói hợp đồng trên ước đạt tới 16 tỷ USD. Theo Chuẩn đô đốc Jim Shannon, lãnh đạo Văn phòng các chương trình dành cho nước ngoài của Hải quân Mỹ bên lề hội chợ IDEX-2015 cho biết, Lầu Năm góc đã nhận được yêu cầu của Riyadh và đang xem xét nó. Nguồn tin cho biết, Saudi Arabia đề nghị Mỹ cung cấp 4 khinh hạm mang tên lửa có điều khiển trong bệ phóng thẳng đứng có lượng choán nước đạt 3.500 tấn, 12 tàu hộ tống 1.150 tấn và 24 tàu tuần tra cao tốc. Ngoài ra, Riyadh cũng mua một số trực thăng đa nhiệm hải quân MH-60R trang bị trên các chiến hạm trên.

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG