THẾ GIỚI 24H: Ukraine cấm toàn bộ các chuyến bay thẳng tới Nga

Một chiếc máy bay của hàng không Ukraine
Một chiếc máy bay của hàng không Ukraine
TPO - Chính phủ của Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ban hành lệnh cấm toàn bộ các chuyến bay thẳng không lên lịch trước đến Nga theo đề xuất của Bộ Nội vụ nước này.

Lệnh cấm được đưa ra sau khi ứng viên tổng thống phe đối lập Yuri Boiko và Chủ tịch Hội đồng Chính trị đảng "Nền tảng đối lập vì cuộc sống" Viktor Medvedchuk bất ngờ thăm Nga hôm 22/3. Người đứng đầu Bộ nội vụ Ukraine khẳng định, lệnh cấm này sẽ không áp dụng đối với các chuyến bay tiềm năng được sắp xếp cho các tổ chức quốc tế như Tổ chức an ninh và hợp tác châu Âu (OSCE), Liên Hợp Quốc và Hội chữ thập đỏ quốc tế (ICRC).


Ngày 3/4, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko chỉ trích sự gia tăng hoạt động của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Biển Đen gây nguy hại đến an ninh khu vực. Trước đó, Đại sứ Mỹ tại NATO Bailey Hutchison cho biết Mỹ đang xúc tiến thực hiện một gói biện pháp, gồm triển khai thiết bị giám sát trên không và điều thêm nhiều tàu chiến của NATO tới Biển Đen. Biện pháp trên dự kiến sẽ được thảo luận trong Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Washington ngày 4-5/4.


Ngày 3/4, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg nhấn mạnh liên minh này không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới với Nga, song vẫn kêu gọi các nỗ lực răn đe lớn hơn. Ông Stoltenberg nêu rõ: "NATO không có ý định triển khai các tên lửa hạt nhân mặt đất tại châu Âu. Tuy nhiên, NATO sẽ luôn có những bước đi cần thiết để tạo ra sự răn đe có hiệu quả và đích thực".


Ngày 3/4, Hạ viện Anh đã thông qua dự luật buộc Thủ tướng nước này Theresa May tìm cách hoãn thời điểm Brexit để ngăn chặn nguy cơ Anh rời Liên minh châu Âu mà không có thỏa thuận vào ngày 12/4. Các nghị sỹ Anh đã khẩn trương đưa dự luật này vượt qua tất cả các khâu bỏ phiếu ở Hạ viện trong ngày 3/4, với kết quả bỏ phiếu trong khâu cuối cùng là 313 phiếu thuận và 312 phiếu chống. Dự luật này sẽ được chuyển tới Thượng viện xem xét thông qua.


Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Amano đã tái khẳng định Iran tuân thủ những cam kết liên quan tới hạt nhân trong khuôn khổ Kế hoạch Hành động chung Toàn diện (JCPOA). Người đứng đầu IAEA nhấn mạnh: “Trong những báo cáo thông thường với ban lãnh đạo, tôi đã tuyên bố rằng Iran đang tuân thủ những cam kết này. Kể từ tháng 1/2016, cơ quan (IAEA) đã xác minh và giám sát việc thực thi những cam kết liên quan tới hạt nhân của Iran trong khuôn khổ JCPOA.”


Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng đoàn đàm phán thương mại nước này vào ngày 3/4 đã bắt đầu vòng đàm phán mới tại Washington với phái đoàn nước chủ nhà do Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer dẫn đầu. Việc vòng đàm phán này diễn ra chỉ vài ngày sau vòng đàm phán diễn ra trong 2 ngày 29 - 30/3 vừa qua tại Bắc Kinh cho thấy Mỹ và Trung Quốc đang suốt ruột cũng như phải gấp gáp thương thảo ra sao để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại.


Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak đã bác bỏ mọi cáo buộc nhằm vào ông trong hôm 4/3, thời điểm bắt đầu phiên tòa xét xử bê bối tham nhũng hàng tỷ USD từng khiến Chính phủ của ông bị hạ bệ hồi năm ngoái. Ông phải đối mặt với 7 cáo buộc khác nhau, liên quan tới việc bòn rút Quỹ nhà nước 1Malaysia Development Berhad (1MDB) - một Quỹ đầu tư được thành lập nhằm phát triển kinh tế đất nước. Phiên tòa diễn ra hôm 4/3 tập trung làm rõ khoản tiền lên tới 42 triệu ringgit (10,3 triệu USD) được chuyển từ SRC International - một đơn vị của 1 MDB - vào tài khoản ngân hàng của ông Najib.


Ngày 3/4, Nội các Đức đã phê chuẩn một dự luật sửa đổi, cho phép tước bỏ quyền công dân Đức đối với người mang 2 quốc tịch, nếu những người này từng chiến đấu trong hàng ngũ của các tổ chức khủng bố nước ngoài. Ngoài ra, Chính phủ Đức cũng cho biết việc thay đổi luật công dân này sẽ chỉ áp dụng đối với người trưởng thành. Trong khi đó, những người đang trong độ tuổi vị thành niên sẽ không bị ảnh hưởng bởi luật mới này.

MỚI - NÓNG