THẾ GIỚI 24H: WHO cảnh báo về sự bùng nổ của virus Zika

WHO cảnh báo về "sự lây lan một cách bùng nổ" của virus Zika. Ảnh: AP
WHO cảnh báo về "sự lây lan một cách bùng nổ" của virus Zika. Ảnh: AP
TPO - Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thông báo sẽ tổ chức cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về "sự lây lan một cách bùng nổ" của virus Zika, loại virus lây truyền qua muỗi và có thể gây dị tật ở thai nhi.

Giám đốc WHO Margaret Chan cho biết đã triệu tập cuộc họp khẩn của WHO vào ngày 1/2 tới để xác định lần bùng phát này của virus Zika đã đủ để ban bố tình trạng y tế khẩn cấp quốc tế hay chưa. Trước đó, WHO từng cảnh báo virus Zika sẽ lan khắp các nước châu Mỹ trừ Canada và Chile. Cũng theo WHO, khoảng 3-4 triệu người ở châu Mỹ, trong đó có 1,5 triệu người ở Brazil, có thể sẽ bị lây nhiễm loại virus này.


Tại buổi họp báo công bố báo cáo thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 28/1, Tổng Thư ký của tổ chức này Jens Stoltenberg đã một lần nữa kêu gọi nỗ lực từ các quốc gia thành viên hiện còn chưa dành ra 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho chi tiêu quốc phòng. Tổng Thư ký NATO cho biết nhiều quốc gia đã ngừng xu hướng giảm ngân sách quân sự. Tổng Thư ký NATO nhấn mạnh sau nhiều năm cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng và sau một năm cam kết, việc cắt giảm đã chấm dứt tại phần lớn các quốc gia châu Âu thành viên NATO và Canada. 


Ngày 28/1, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Antoni Macierewicz đã lên tiếng hối thúc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng cường sự hiện diện tại Đông Âu để đối phó mối đe dọa từ Nga. Phát biểu trong cuộc gặp với người đồng cấp Đức Ursula von der Leyen tại Berlin, Bộ trưởng Macierewicz nói với Ba Lan việc tăng cường sườn phía Đông của NATO là một ưu tiên và sự gây hấn của Nga tại Ukraine là một vấn đề quan trọng. 


Một quan chức Mỹ ngày 28/1 cho biết nước này đã phát hiện hoạt động gia tăng xung quanh một địa điểm ở Triều Tiên cho thấy sự di chuyển các thiết bị và chất nổ đẩy có khả năng tiến hành một vụ phóng (tên lửa) vào không gian trong tương lai gần. Quan chức trên cho biết: "Điều chúng tôi lo ngại là họ (Triều Tiên) đang chuẩn bị tiến hành một vụ phóng vào không gian, sử dụng công nghệ tương tự như việc phát triển tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM)".


Các thành viên thuộc phe đối lập Syria đang nhóm họp ở Riyadh (Saudi Arabia) đã hoãn đưa ra quyết định đến ngày 29/1 về việc liệu có tham dự các cuộc hòa đàm dự kiến diễn ra cùng ngày ở Geneva (Thụy Sĩ) hay không. Một đại biểu từ Ủy ban Đàm phán Cấp cao (HNC) do Saudi Arabia hậu thuẫn, nêu rõ: "Tôi cho rằng ngày mai (29/1) chúng tôi sẽ đưa ra quyết định" về việc liệu có tham dự các cuộc đàm phán do Liên hợp quốc bảo trợ hay không. Trong khi đó, một nguồn tin khác từ phe đối lập cho biết: "Chúng tôi sẽ không có mặt ở Geneva ngày mai (29/1)."


Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 28/1 đã kêu gọi thiết lập "mối quan hệ mới" giữa nước này với Pháp khi ông đang có chuyến thăm Paris nhằm khôi phục quan hệ kinh tế giữa hai nước sau khi lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Tehran được dỡ bỏ. Ông Rouhani nêu rõ Iran "sẵn sàng sang trang" và thiết lập "mối quan hệ mới giữa hai nước". Về phía Pháp, Thủ tướng Manuel Valls nhấn mạnh rằng "Iran có thể hy vọng vào Pháp". Pháp sẵn sàng cử đại diện các công ty, kỹ sư, nhà chuyên môn của nước này sang để giúp Iran hiện đại hóa đất nước. 


Khoảng 80.000 người tìm kiếm tị nạn đến Thụy Điển năm ngoái sẽ phải hồi hương sau khi đơn xin tị nạn của họ không được chấp nhận. Bộ trưởng Nội vụ Thụy Điển Anders Ygeman thừa nhận đây là thách thức lớn, đòi hỏi nhiều nguồn lực, cũng như sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, đồng thời cho biết chính phủ đã yêu cầu cảnh sát và các cơ quan nhập cư tiến hành các thủ tục để trục xuất những trường hợp này. Việc hồi hương một số lượng lớn người tị nạn như vậy bằng các chuyến bay thương mại có thể kéo dài vài năm.


Một vật thể kim loại được cho là mảnh vỡ của một chiếc máy bay đã trôi vào gần bờ biển phía Đông của Malaysia, làm dấy lên tin đồn về khả năng đây là mảnh vỡ của chiếc máy bay MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị mất tích cách đây gần 2 năm. Mảnh kim loại này màu trắng và dài 2 mét được phát hiện khi đang nổi trên mặt biển gần thị trấn Besut thuộc bang miền Đông Terengganu. Bộ Giao thông Vận tải Malaysia cho biết các quan chức Cục hàng không dân dụng của nước này đang tới khu vực hiện trường để giám định mảnh vỡ trên.


Bộ Phát triển Kinh tế Nga ngày 28/1 cam kết sẽ chi 750 tỷ ruble (tương đương 9,8 tỷ USD) đối phó với cuộc khủng hoảng tài chính của nước này sau khi giá dầu mỏ lao dốc và đồng ruble mất giá ảnh hưởng nặng nề đến tăng trưởng kinh tế của Nga. Theo Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Alexei Ulyukayev, quyết định trên là một trong số các biện pháp chống khủng hoảng, trong đó 310 tỷ ruble là ngân sách tồn đọng đã cấp cho các địa phương trong năm 2016.


Ngày 28/1, Bộ trưởng năng lượng Nga Alexander Novak cho biết các quốc gia sản xuất dầu mỏ chính của thế giới sẽ thảo luận về khả năng cắt giảm sản lượng bắt đầu vào tháng 2 nhằm đối phó với tình trạng giá dầu sụt giảm. Các quan chức của Nga và các nước cho biết, các nước sẽ có cố gắng để có thể đạt được đồng thuận trên nhằm đẩy giá dầu đi lên. Sau phát biểu của ông Novak, giá dầu Brent trên thị trường thế giới lần đầu tiên kể từ đầu tháng 1 đã tăng lên mức hơn 35 USD/thùng. 

MỚI - NÓNG