THẾ GIỚI 24H:Mỹ trừng phạt Saudi Arabia vì vụ nhà báo bị giết hại

Nhà báo Jamal Khashoggi. (Nguồn: Getty Images)
Nhà báo Jamal Khashoggi. (Nguồn: Getty Images)
TPO - Ngày 23/10, Mỹ thông báo sẽ hủy thị thực của khoảng 20 quan chức Saudi Arabia có liên quan đến vụ việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại.

Đây là động thái cứng rắn nhất đến nay của Washington với quốc gia đồng minh thân cận. Theo  đó những biện pháp trừng phạt này sẽ không phải "lời cuối" của Mỹ trong vấn đề này. Washington sẽ không dung thứ và tiếp tục áp dụng thêm những biện pháp đối với những người phải chịu trách nhiệm.


Tổng thống Trump hôm 23/10 nói rằng giới chức Saudi Arabia đã dàn xếp một "vụ che đậy tồi tệ nhất từ trước đến nay" liên quan tới cái chết bí ẩn nhà báo Jamal Khashoggi. Trong bài phát biểu được cả thế giới ngóng đợi hôm 23/10, ông Erdogan thúc giục Riyadh tra soát từ trên xuống dưới để tìm ra tất cả những người có liên quan tới cái chết của nhà báo Washington Post tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul hôm 2/10, vụ việc đã gây ra sự phẫn nộ trên toàn cầu và gây căng thẳng lên quan hệ giữa Riyadh - Ankara và Washington.


Cố vấn Tổng thống Nga Yuri Ushakov ngày 23/10 cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Donald Trump dự kiến có cuộc gặp chính thức tại Paris vào ngày 11/11. Theo ông Ushakov, Tổng thống Putin và Cố vấn Bolton đã đạt được một thỏa thuận sơ bộ về việc tổ chức một cuộc gặp toàn diện và được chuẩn bị kỹ lưỡng giữa hai nhà lãnh đạo Nga, Mỹ tại Paris, bên lề sự kiện kỷ niệm ngày chấm dứt Chiến tranh Thế giới Thứ nhất.


Đài Loan có kế hoạch tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật kéo dài 3 ngày tại khu vực quanh đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Cuộc tập trận dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ 21- 23/11, với nhiều loại vũ khí, trong đó có súng phóng lựu cỡ nòng 40 mm. Tàu thuyền cùng máy bay được yêu cầu không hoạt động gần khu vực tập trận trong ba ngày này.


Ngày 23/10, Saudi Arabia đã ký kết nhiều thỏa thuận với tổng trị giá lên tới 50 tỷ USD tại Hội nghị Sáng kiến Đầu tư Tương lai (FII) diễn ra cùng ngày ở thủ đô Riyadh bất chấp việc bị nhiều chính trị gia phương Tây và lãnh đạo các tổ chức kinh tế hàng đầu thế giới tẩy chay sau vụ việc liên quan đến nhà báo Jamal Khashoggi. Hội nghị đã thu hút sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ nhiều nước và tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều chuyên gia, quan chức trong lĩnh vực ngân hàng cũng như lãnh đạo các doanh nghiệp tầm cỡ thế giới, dù thiếu vắng nhiều diễn giả cấp cao.


Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh, Đô đốc Philip Jones, cho biết, Anh sẽ khẳng định quyền tự do hàng hải trên biển Đông, bất chấp phản ứng gần đây của Bắc Kinh cho rằng London có hành vi khiêu khích. Tuyên bố của Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Anh đưa ra vào lúc hải quân nước này đang chuẩn bị cho tàu sân bay HMS Queen Elizabeth lớn nhất và đắt nhất của Anh tiến hành tuần tra nhằm duy trì tự do hàng hải ở biển Đông với chuyến đi đầu tiên vào năm 2021.


Ngày 23/10, khoảng 150.000 công nhân đã đổ ra các đường phố ở trung tâm TP Melbourne, bang Victoria của Australia để tham gia cuộc biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc. Cuộc biểu tình lớn của công nhân mang tên “Thay đổi các quy định” đã khiến gần như toàn bộ hệ thống giao thông công cộng, cũng như một số tuyến đường ở trung tâm Melbourne bị tê liệt.


Ba tàu tấn công nhanh Iran đã chạm trán một tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia Anh khi tàu khu trục này đang hộ tống các tàu Anh qua eo biển Hormuz gần Vịnh Persian, theo báo Telegraph. Trong sự việc này, các tàu tấn công nhanh Iran đã yêu cầu tàu HMS Dragon phải duy trì khoảng cách xa 0,9km từ cảng của Iran. Nếu các tàu Iran không tránh sang một bên trong thời gian dài, thủy thủ tàu HMS Dragon sẽ phải bắn pháo sáng và nổ súng cảnh cáo.


Ngày 23/10, Bộ Tài chính Mỹ đã áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào 8 cá nhân, trong đó có các phiến quân Taliban ở Afghanistan và 2 người Iran có liên quan đến lực lượng Quds thuộc Lực lượng vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Theo thông tin trên trang mạng của Bộ này, 8 cá nhân nêu trên, trong đó có 2 người Pakistan và 4 người Afghanistan, bị xác định là những phần tử "khủng bố quốc tế," qua đó cho phép Washington đóng băng tài sản hoặc quyền lợi đối với tài sản thuộc quyền tài phán của Mỹ.

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG