Thế giới 'bất động' vì đại dịch

Cảnh vắng vẻ tại một nhà ga ở Frankfurt, Đức, ngày 17/3. ảnh: AP
Cảnh vắng vẻ tại một nhà ga ở Frankfurt, Đức, ngày 17/3. ảnh: AP
TP - Biên giới đóng cửa, trường học và doanh nghiệp ngừng hoạt động, những biện pháp hạn chế đi lại được triển khai khắp nơi, người dân khắp thế giới đang rơi vào trạng thái “bất động”. Các chính phủ yêu cầu người dân tự cô lập để chống dịch Covid-19. 

Từ Đông Nam Á đến châu Âu và châu Mỹ, cuộc sống của người dân bị đảo lộn bởi tình trạng phong tỏa và giữ khoảng cách xã hội. 
Người dân Malaysia xếp hàng dài trước siêu thị để mua đồ tích trữ. Người Philippines đứng đông nghịt tại các điểm kiểm tra thân nhiệt trước khi vào thủ đô. Thái Lan cho biết sẽ hủy các lễ hội té nước vào tháng 4…
Có thêm gần 1.000 ca nhiễm chỉ trong vòng 24 giờ, Tây Ban Nha giờ là nước có dịch Covid-19 nghiêm trọng thứ tư thế giới, vượt qua Hàn Quốc. Tây Ban Nha đã có 9.191 ca nhiễm và 309 người tử vong.
Khi tổng số ca nhiễm trên toàn cầu đã lên khoảng 182.400 người, số lượng bệnh nhân tăng vọt tại các bệnh viện ở Madrid càng bồi thêm lo lắng trên khắp châu Âu về tương lai ảm đạm. 
“Không có cách thức dễ dàng hay nhanh chóng nào nào để thoát khỏi tình thế cực kỳ khó khăn này”, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói trong bài phát biểu đầu tiên trên truyền hình của một thủ tướng nước này kể từ năm 1973. 
Ông Rutter nói rằng “một phần lớn” trong dân số 17 triệu người của Hà Lan có thể nhiễm virus. Cho đến nay, nước này có 1.413 người dương tính và 24 ca tử vong vì Covid-19. Chính phủ đóng cửa trường học, nhà hàng, quán bar và cấm tụ tập nhiều hơn 100 người. 
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Ursula von der Leyen cho biết trong ngày 17/3, bà sẽ đề nghị các lãnh đạo liên minh cấm tất cả hoạt động đi lại không cần thiết trên khắp khối Schengen. “Càng bớt đi lại chúng ta càng có thể khống chế virus”, bà nói. 
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước đó nói rằng EU sẽ đóng cửa với du khách. “Cụ thể là tất cả di chuyển giữa các nước không phải EU tới các nước EU sẽ phải dừng lại”, ông Macron nói trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 16/3. Các biện pháp sẽ được duy trì trong ít nhất 30 ngày.
Các nước từ Canada, Thụy Sĩ, Nga và Malaysia đều thông báo áp dụng thêm biện pháp hạn chế đi lại qua biên giới. 
“Lúc này chúng ta có cơ hội để làm chậm tình trạng virus lây lan”, bà Ulrike Demmer, phát ngôn viên chính phủ Đức, nói, và đảo ngược khẳng định trước đó của giới chức Đức rằng các biện pháp kiểm soát biên giới sẽ không hiệu quả. Đức áp thêm biện pháp hạn chế đi lại ở biên giới với Pháp, Áo, Thụy Sĩ, Đan Mạch và Luxembourg, sau khi số ca nhiễm ở Đức tăng lên hơn 1.000 trong vòng 24 giờ. 
Malaysia cấm đi lại với nước ngoài và chỉ cho phép các dịch vụ thiết yếu tiếp tục hoạt động. Pháp cũng chỉ cho người dân ra ngoài mua đồ thiết yếu. Tổng thống Pháp Macron tuyên bố: “Chúng ta đang có chiến tranh”. 
Ấn Độ đóng cửa đền Taj Mahal, trường học và cơ sở giải trí trên cả nước. Somalia có các ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, trong bối cảnh nước này có hệ thống y tế yếu nhất châu Phi do hậu quả của 3 thập kỷ xung đột. 

Cảm giác khủng hoảng bao trùm

Trong khi Covid-19 lan khắp thế giới, Trung Quốc và Hàn Quốc nỗ lực bảo vệ những kết quả khó lắm mới đạt được. Trung Quốc cách ly tất cả người về từ nước ngoài gần đây. Hàn Quốc cũng bắt đầu kiểm tra tất cả người vào từ bên ngoài. Covid-19 tiếp đà lây lan chậm lại ở ổ dịch Daegu, nhưng đang có lo ngại về nguy cơ gia tăng bệnh nhân ở vùng thủ đô Seoul. 

Italy tiếp tục có bước nhảy vọt về số ca nhiễm, với thêm 3.000 ca, nâng tổng số lên 27.980. Với 2.158 ca tử vong, Italy nay chiếm 1/4  tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu. Tình trạng bệnh viện quá tải khiến các bác sĩ phải chọn bệnh nhân có cơ hội sống để điều trị tích cực.
Tại Mỹ, giới chức thúc giục người cao tuổi và những người có bệnh mạn tính ở nhà, tất cả mọi người tránh tập trung nhiều hơn 50 người. Tình trạng đóng cửa trường học ở 56 quốc gia khiến hơn 516 triệu học sinh và sinh viên phải ở nhà. 

Nhưng một số quốc gia không áp dụng các biện pháp triệt để như vậy. Tại Anh không có lệnh cấm sự kiện đông người. Phát ngôn viên Thủ tướng Boris Johnson nói rằng không loại trừ khả năng đóng cửa trường học, nhưng “các khuyến cáo y tế và khoa học nói rằng đây không phải bước đi mà chúng tôi áp dụng vào thời điểm này”.

Tại Mỹ, giới chức thúc giục người cao tuổi và những người có bệnh mạn tính ở nhà, tất cả mọi người tránh tập trung nhiều hơn 50 người. Tình trạng đóng cửa trường học ở 56 quốc gia khiến hơn 516 triệu học sinh và sinh viên phải ở nhà. 

MỚI - NÓNG