Thế giới chung tay giải cứu thị trường tài chính

Thế giới chung tay giải cứu thị trường tài chính
TP- Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phê chuẩn “Kế hoạch hành động” của G7, lãnh đạo 15 nước sử dụng đồng euro họp khẩn cấp ở Paris (Pháp)...là những động thái mới nhất của toàn thế giới nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của thị trường tài chính.
Thế giới chung tay giải cứu thị trường tài chính ảnh 1
Tại sàn chứng khoán Israel

Cuối tuần qua, khi Nhóm các nước công nghiệp (G7) nhóm họp tại Washington, nhóm 20 nước thành viên IMF (G20) chiếm tới 85% nền kinh tế toàn cầu cũng có cuộc họp tại thủ đô của Mỹ và đạt được thỏa thuận trong việc sử dụng “mọi công cụ kinh tế và tài chính” để ổn định hệ thống tài chính trên toàn thế giới.

Các nhà lãnh đạo thuộc 185 thành viên của IMF phê chuẩn “Kế hoạch hành động” 5 điểm của G7 với hi vọng có thể thu hút được sự ủng hộ rộng rãi nhằm trấn an giới đầu tư trên toàn thế giới.

Bộ trưởng Tài chính Ai Cập Youssef Ghali, người đang giữ ghế Chủ tịch Ủy ban Chính sách của IMF, khẳng định rằng 185 thành viên, bao gồm những nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển đều ủng hộ “Kế hoạch hành động” của G7.

Tổng Giám đốc IMF, ông Dominique Strauss Kahn cũng tuyên bố ủng hộ nỗ lực của G7 và gọi đây là “sự hợp tác đầu tiên giữa những nước tiên tiến và phần còn lại của thế giới”.

Được hỏi liệu kế hoạch của G7 đã đủ chưa, ông Strauss Kahn nói: “Trong những ngày tới, điều tôi mong chờ là phản ứng của các định chế tài chính khác”.

Tổng thống Mỹ George Bush cũng kêu gọi sự hợp tác xuyên lục địa để ứng phó với những diễn biến ngày càng xấu trên thị trường tài chính.

Ngày 12/10, lãnh đạo 15 nước sử dụng đồng tiền chung euro và Anh quốc đã không nghỉ cuối tuần như thường lệ mà gặp nhau tại Pháp để thảo luận những biện pháp khẩn cấp mới nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của các ngân hàng trong cơn bão tài chính đang ngày càng trầm trọng.

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tuyên bố hợp tác là vấn đề sống còn để ngăn chặn khủng hoảng tài chính, nhưng mỗi quốc gia cũng nên có những biện pháp linh hoạt riêng để đối phó. Ngoài việc bày tỏ sự ủng hộ đối với kế hoạch của G7, các lãnh đạo tham dự cuộc họp khẩn cấp còn đề xuất giải pháp cụ thể để nhanh chóng ổn định tình hình của mỗi quốc gia.

Chứng khoán có thể lao dốc thêm 20%?

Sau cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Bush và Bộ trưởng Tài chính các nước tại Washington, Tổng giám đốc IMF Strauss Kahn cảnh báo rằng hệ thống tài chính thế giới đang đứng bên “bờ vực của sự đổ vỡ hệ thống”. Chỉ riêng các phiên giao dịch trong tuần qua, bão tài chính đã làm bốc hơi khoảng 4.600 tỷ USD giá trị chứng khoán trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, người đứng đầu IMF còn cảnh báo rằng chứng khoán thế giới có thể tiếp tục tuột dốc thêm 20% trong những ngày tới nếu các chính phủ không ban hành ngay những biện pháp cụ thể để ngăn chặn khủng hoảng.

Về vai trò của IMF, ông Strauss Kahn khẳng định định chế tài chính này có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho bất kỳ quốc gia nào rơi vào khủng hoảng. Cách đây ít ngày, ông Strauss Kahn từng cho biết IMF sẵn sàng giải ngân 200 tỷ USD cho những nền kinh tế gặp khó khăn về tài chính.

Theo Tổng giám đốc IMF, giải pháp của các nền kinh tế lớn nhất thế giới như bơm tiền vào hệ thống tài chính, cắt giảm lãi suất ngân hàng chưa đạt được mục tiêu ổn định thị trường và củng cố lòng tin của nhà đầu tư. Vì thế, theo ông Strauss Kahn, các quốc gia và định chế tài chính khác cần có thêm nhiều biện pháp trong những tháng tới.

Chứng khoán tiếp tục mất điểm

Một số thị trường chứng khoán (TTCK) trên thế giới mở cửa giao dịch vào Chủ Nhật (12/10) đã tiếp tục đối mặt với làn sóng bán tháo của nhà đầu tư. Tại Israel, chỉ số TA-25 bao gồm 25 Cty lớn nhất nước này, mất tới gần 750 điểm (hơn 8,5%) trong 20 phút giao dịch đầu tiên; trong khi đó chỉ số Tel-Tech giảm 15,98%.

Tại Arập Xê út, nơi có sàn chứng khoán lớn nhất Trung Đông, TTCK tiếp tục lao dốc sau khi đã giảm hơn 6% vào thứ Bảy (11/10). TTCK Cô-oét giảm 2,9% dù Chính phủ vừa bơm 2 tỷ USD cho hệ thống ngân hàng. Các TTCK khác ở Trung Đông đều giảm từ 4-7,4% trong phiên giao dịch ngày 12/10.

MỚI - NÓNG