Thế giới đang đứng bên bờ vực thẳm

Thế giới đang đứng bên bờ vực thẳm
TP - Đó là phát biểu của Thủ tướng Pháp Fillon ngày 3/10. Ông cho rằng thế giới đang đứng bên bờ vực thẳm của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đe dọa nền công nghiệp, thương mại và việc làm.

>> Hạ viện Mỹ thông qua kế hoạch giải cứu lịch sử

Thế giới đang đứng bên bờ vực thẳm ảnh 1
Thủ tướng Pháp Francois Fillon. Ảnh: Daylife.com

Trước đó, nhà ngân hàng đứng đầu châu Âu đã hòa cùng giọng điệu cảnh báo toàn châu Âu về tình trạng kinh tế nguy hiểm đồng thời thúc giục Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch cả gói 700 tỷ USD để cứu nguy cho thị trường tài chính Mỹ.

Ông Francois Fillon- với tư cách Thủ tướng nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU đang chủ trì Hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp giữa Ý, Pháp, Đức- nói rằng cuộc khủng hoảng tài chính này chỉ có thể giải quyết được bằng hành động tập thể.

Thủ tướng Francois Fillon nói ông không loại trừ khả năng phải áp dụng mọi giải pháp để chặn đứng sự sụp đổ của một ngân hàng nào đó.Thủ tướng Pháp nói: “Thế giới đang đứng bên bờ vực thẳm chỉ vì một hệ thống vô trách nhiệm”.

Trong khi đó, cùng ngày, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Jean Claude Trichet cũng cho rằng Quốc hội Mỹ dứt khoát phải thông qua kế hoạch cả gói 700 tỷ USD nói trên.

Trên khắp châu Âu, các tin xấu về thị trường tài chính liên tiếp được công bố. Ngân hàng UBSS AG của Thụy Sĩ bị tác động mạnh nhất vì các khoản nợ khó đòi hôm 3/10 đã phải tuyên bố cắt giảm 2.000 việc làm.

Các nhà lãnh đạo châu Âu hiện đang lo rằng kể cả khi kế hoạch cả gói 700 tỷ USD của Mỹ để giải cứu thị trường được Quốc hội Hoa Kỳ thông qua, số tiền đó vẫn chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng tài chính đã bám rễ sâu vào nền kinh tế. Các số liệu mới nhất chứng tỏ rằng sự suy thoái kinh tế Mỹ đang đến rất gần và nền kinh tế châu Âu thì đang ngày một xấu thêm.

Ông Takahiko Murai - Tổng Giám đốc Cty cổ phiếu Nozomi của Nhật Bản- nói rằng các nhà đầu tư hiện đang lo ngại khi kế hoạch cả gói 700 tỷ USD của Mỹ được thông qua nhưng vẫn không có tác động tích cực đáng kể nào đối với thị trường.

Sự sụp đổ của thị trường nhà đất ở Mỹ đã dẫn đến những khoản nợ xấu tại các ngân hàng cầm cố đang làm mất lòng tin của các nhà đầu tư trong lĩnh vực tài chính. Ngân hàng trung ương các nước đã bơm vào thị trường nhiều tỷ USD nhằm duy trì sự ổn định của dòng vốn lưu chuyển nhưng vẫn chưa đủ.

Trong bối cảnh đó, một số quốc gia đã tiến hành đơn phương một số biện pháp để cứu nguy cho các ngân hàng ốm yếu của nước mình. Ireland đơn phương đứng ra bảo lãnh các khoản tiền gửi ngân hàng ở Ireland.

Hành động này bị các nước EU phản đối vì lo ngại rằng điều đó sẽ phá vỡ các qui định về cạnh tranh nội khối đồng thời đe dọa đến sự đoàn kết cần thiết giữa các nước EU trong việc cần có chính sách nhất quán để đối phó với tình hình khó khăn tài chính đang ở phía trước.

Đ.P
Theo Reuters

MỚI - NÓNG