Thế giới sẽ có 7 kỳ quan mới

Thế giới sẽ có 7 kỳ quan mới
TPCN - Tổ chức Văn hóa và Khoa học của LHQ, gọi tắt là UNESCO, đã bắt đầu thực hiện một đề án gây chấn động dư luận có tên gọi là “Bảy kỳ quan mới” (“New 7 wonders”).
Thế giới sẽ có 7 kỳ quan mới ảnh 1
Đền Taj Mahal ở ấn Độ hiện đang dẫn đầu số phiếu bình chọn

Bất cứ cư dân nào trên Trái Đất có khả năng truy cập mạng “Internet” và liên lạc điện thoại đều có thể chọn lựa những kỳ quan mới để thay thế 7 kỳ quan trước đây mà nay đã lỗi thời.

Đề án “ New 7 wonders” sở dĩ xuất hiện là bởi vì danh mục cổ điển 7 kỳ quan thế giới được lập ra vào thế kỷ III trước Công nguyên hiện nay đã trở thành một khái niệm trừu tượng.

Trong số 7 kỳ quan đó chỉ còn giữ lại được Kim Tự tháp Kheops ở Gizeh (Ai Cập).

Còn 6 kỳ quan kia – khu Vườn treo Samirames ở Babylon (nay là Iraq), Đền thờ Nữ thần Artemis ở Ephesus (nay là Thổ Nhĩ Kỳ), Tượng Thượng thần Zeus ở Hi Lạp, Lăng mộ vua Mausolus ở Halicarnassus (nay là thành phố Bodrum thuộc Thổ Nhĩ Kỳ), Tượng thần Mặt trời Helios ở cảng Rhodes (Hi Lạp) và Hải đăng Alexandri (Ai Cập) - tất cả đều đã không còn nữa từ lâu.

Trong số 7 kỳ quan trước đây, chỉ có một kỳ quan được đưa vào danh sách chung khảo – đó là Kim Tự tháp Kheops ở Ai Cập. Điều này chẳng có gì khó hiểu bởi vì như đã nói ở trên, tất cả 6 kỳ quan khác đều đã biến mất từ lâu.

UNESCO cũng loại bỏ khỏi bản danh sách chung khảo một số công trình kiến trúc nổi tiếng khắp thế giới như Tháp nghiêng Piza ở Italia, tòa nhà chọc trời “Empire State Building” ở New York (Mỹ), chiếc đồng hồ “Big Ben” ở London (Anh), tòa Tháp đôi Petronas ở Malaysia, Cung điện Potala ở Tây Tạng (Trung Quốc) v.v.

Phải thừa nhận công lao rất lớn của UNESCO trong việc soạn thảo bản danh sách chung khảo. Nét nổi bật đập ngay vào mắt là 21 “ứng cử viên” danh hiệu kỳ quan thế giới đã đại diện được cho tất cả các khu vực trên Trái Đất, trừ khu vực Trung Á.

(Lẽ ra Trung á đã có một đại diện xứng đáng là pho tượng Phật khổng lồ ở Afganistan nếu như công trình kiến trúc thời cổ này không bị lực lượng Taliban phá hủy vào năm 2004)

Cụ thể, châu Âu có nhiều đại diện hơn hết (8 đại diện, trong đó Nga có 2 đại diện). Đó là ngôi đền Acropolis Athens ở Hi Lạp, pháo đài Alhambra ở Tây Ban Nha, lâu đài Neuschanstein ở Đức, đấu trường Colosseus ở Italia, tháp Eiffel ở Pháp, điện Kremli ở Nga, nhà thờ Pokrovski ở Nga và khối núi đá Stonehenge ở Đức.

Châu Mỹ có 5 đại diện, trong đó 2 đại diện của Bắc Mỹ là tượng “Nữ Thần Tự do ở New York (Mỹ) và thành phố cổ của người Maja Chichen Itza ở Mehico, 3 đại diện của Nam Mỹ là thành phố cổ của người Inka Machu Picchu ở Peru, tượng Chúa Cứu thế ở Rio de Janéro (Brazil) và quần thể tượng trên đảo Phục Sinh ở Chile.

Châu á cũng có 5 đại diện. Đó là Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc, ngôi đền Angkor Wat ở Campuchia, ngôi đền Kyomizu ở Nhật Bản, ngôi đền Taj Mahal ở ấn Độ và ngôi đền Petra ở Jordanie.

Châu Phi có 2 đại diện là Kim Tự tháp Kheops ở Ai Cập và thành phố-pháo đài Timbuktu ở Mali. Và cuối cùng, châu úc chỉ có một đại diện là Nhà hát Opéra ở Sydney (Australia).   

Cũng dễ nhận thấy một ý đồ nữa của những người soạn lập bản danh sách chung khảo – đó là tạo thế cân bằng giữa truyền thống và tiến bộ.

Thật vậy, trong bản danh sách đó, những công trình của các nền văn minh đã mất như thành phố cổ Chichen Itza ở Mehico, thành phố cổ Machu Picchu ở Peru, Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc và Kim Tự tháp Kheops ở Ai Cập đặt bên cạnh những thành tựu xuất sắc của thời đại công nghiệp hiện đại như pho tượng “Nữ thần Tự do” ở Mỹ, tháp Eiffel ở Pháp và Nhà hát Opéra Sidney ở Australia.  

Cho tới nay, UNESCO đã nhận được ý kiến của hơn 20 triệu người từ khắp nơi trên thế giới. Những công trình hiện đang dẫn đầu về số phiếu bình chọn là Đền Taj Mahal ở ấn Độ, Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc và thành phố cổ Machu Picchu ở Péru.

Kết quả cuộc bình chọn sẽ được công bố vào ngày 7/7/2007 tại thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha. Cũng nên biết thêm là người nào góp ý kiến đều có nghĩa vụ nộp 2 dollars và sẽ nhận được giấy chứng nhận đã tham gia cuộc bình chọn lịch sử này. Theo lời cam đoan của đại diện UNESCO, toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng để trùng tu những công trình có ý nghĩa thế giới.

MỚI - NÓNG