Thế giới sẽ ra sao sau khủng bố đẫm máu ở Paris?

Cảnh sát Pháp siết chặt an ninh ở tháp Eiffel. Ảnh: Getty.
Cảnh sát Pháp siết chặt an ninh ở tháp Eiffel. Ảnh: Getty.
Với vụ khủng bố đẫm máu tối 13/11 tại Paris, tất cả đều bị khủng bố về tinh thần. Đó còn là khủng bố hệ giá trị, khủng bố chuẩn mực xã hội.

Tây Âu không có chiến tranh từ sau chiến tranh thế giới thứ 2 nhưng châu Âu không yên tĩnh với cuộc chiến tranh Nam Tư 1999 và ám ảnh của các cuộc tấn công khủng bố (gần đây nhất là 1995 ở Pháp, 2002 ở Nga, 2004 ở Tây Ban Nha, 2005 ở Anh). Tuy nhiên kể từ sau cuộc chiến tranh Algérie, đây là lần đầu tiên nước Pháp phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn lãnh thổ.

Ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, xã hội, tôn giáo

Nếu như ở Moscow 2002 là khủng bố tấn công rạp hát (166 người chết, 40 khủng bố), ở Madrid 2004 (191 nạn nhân), ở London 2005 (52 người chết) là các vụ đánh bom liều chết tại các khu vực công cộng thì tại Paris lần này là tổng hợp tất cả. Có đánh bom liều chết và có tấn công bằng vũ khí cá nhân hạng nặng ngoài phố và trong rạp hát.

Cách phản ứng của các lực lượng an ninh cũng có khác nhau. Nếu như Nga dùng khí hóa học thì Pháp sử dụng đặc nhiệm tiêu diệt các kẻ khủng bố. Chính phủ Pháp huy động lực lượng an ninh, đặc nhiệm, lực lượng phản ứng nhanh của cảnh sát và quân đội nhằm kiểm soát tình hình và giữ gìn trật tự sau đó.

Tuy nhiên cuộc tấn công này sẽ còn những ảnh hưởng rất lớn đến chính trị, xã hội, tôn giáo ở Pháp và thế giới phương Tây.

Thế giới sẽ ra sao sau khủng bố đẫm máu ở Paris? ảnh 1

Nhân viên địa phương dọn dẹp hiện trường vụ xả súng ở phố Bichat đêm 13/11. Ảnh: AFP.

Các đảng cực đoan có khả năng hưởng lợi sau vụ khủng bố

Về chính trị, nước Pháp đang đứng trước kỳ bầu cử hội đồng vùng, kỳ bầu cử quan trọng trước bầu cử tổng thống vào năm 2017. Đảng Xã hội cánh tả cầm quyền đang mất uy tín rất lớn sau các thất bại trong phát triển kinh tế, tạo việc làm, cắt giảm nợ công, thâm hụt ngân sách... Tầng lớp trung lưu và nghèo trước đây có xu hướng ủng hộ cánh tả chuyển sang bỏ phiếu cho các đảng cực hữu.

Trong vụ Charlie Hebdo, điều đáng phẫn nộ là súng đạn được dùng để đàn áp tiếng nói. Còn trong vụ này, có vẻ như súng đạn được dùng để đáp lại bom đạn, có gì đáng nói? Có chăng là người dân vô tội phải chết vì những việc không phải do họ quyết định.

Một người đã viết như vậy trên trang Facebook cá nhân

Đảng cánh hữu cũng mất uy tín vì không duy trì được sự thống nhất và có quá ít giải pháp cho các vấn đề xã hội và vị thế nước Pháp.

Cuộc bầu cử sắp tới được dự đoán là sẽ có tỉ lệ tham gia rất thấp của cử tri và sự thắng thế của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia như là một sự trừng phạt của xã hội đối với các đảng vốn chi phối đời sống chính trị Pháp.

Cuộc khủng bố này sẽ có khả năng giúp các đảng cực đoan đưa ra các kêu gọi cứng rắn.

Thế giới sẽ ra sao sau khủng bố đẫm máu ở Paris? ảnh 2 Cô Polina Volkova, bạn của anh Nick Alexander - thành viên ban nhạc Eagles Of Death Metal - thiệt mạng trong vụ tấn công ở Paris, òa khóc khi ngồi cầu nguyện trước Lãnh sự quán Pháp ở New York đêm 14/11. Ảnh: Reuters.

Đường lối đối ngoại sẽ không thay đổi

Về đối ngoại, nước Pháp luôn duy trì chính sách đồng minh với Mỹ nhưng độc lập tương đối trong các quyết định chính trị. Riêng trong cuộc chiến chống khủng bố, chống nhà nước Hồi giáo (IS) hiện nay thì Pháp đóng vai trò quan trọng. Đó có thể là vì các cam kết của Pháp đối với các vấn đề giá trị xã hội, với các đối tác khu vực. Nhưng vai trò tích cực này đã đặt nước Pháp ở vị thế đối đầu trực tiếp với các hệ giá trị cực đoan.

Trong ngắn hạn, Pháp sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong quan hệ quốc tế.

Cùng với các khó khăn do dòng người tị nạn đưa lại, nước Pháp và các nước phương Tây lại một lần nữa phải đối mặt với các cuộc chiến ngay trên lãnh thổ của mình khi cố gắng đẩy xa các mối đe dọa ra ngoài biên giới.

Vụ khủng bố xảy ra chỉ 17 ngày trước Hội nghị khí hậu toàn cầu COP21, đây là hội nghị được tổ chức ở Bourget, cùng khu phía bắc với Stade de France, nơi xảy ra vụ đánh bom cảm tử. Dự kiến sẽ có ít nhất 80 nguyên thủ quốc gia, 196 đoàn đại biểu với khoảng từ 20 đến 40 nghìn khách mời sẽ tham gia phiên khai mạc COP21 ngày 30/11.Chắc chắn vụ khủng bố này sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến công tác tổ chức và đảm bảo an ninh. 

Dấu hỏi cho lực lượng chống khủng bố

Vụ khủng bố để lại nhiều vấn đề trong công tác chống khủng bố. Làm thế nào để những tổ chức khủng bố tuyển chọn, huấn luyện sử dụng vũ khí, tổ chức đồng loạt các cuộc tấn công tại nhiều địa điểm mà cơ quan chống khủng bố, tình báo, an ninh, quân đội... không thể phát hiện và ngăn chặn?

Tại một hội thảo, nhà nghiên cứu địa chính trị, quân sự và tội phạm Philippe Boulanger cho biết trong thời kì Đông Âu sụp đổ, đã có hơn một triệu khẩu tiểu liên AK bị tuồn ra thị trường chợ đen. 

Ngoài ra, trên thị trường, các mẫu súng Kalashnikov do Trung Quốc sản xuất được bán với giá thấp hơn nhiều so với mẫu của Nga cũng khiến thị trường vũ khí này trở nên mở rộng. 

Các tuyến đường vận chuyển từ Bắc Phi và Trung Đông sang châu Âu qua Tiểu Á, Đông Âu gần như không kiểm soát được.

Như vậy, việc thị trường vũ khí mở và các tuyến đường trung chuyển dễ dàng đã giúp cho các lực lượng cực đoan có thể tổ chức các cuộc tấn công ngay trên lãnh thổ châu Âu.

Một yếu tố quan trọng nữa giúp chủ nghĩa bạo lực cực đoan là địa vị và nhận thức xã hội của các nhóm dân cư gốc nhập cư. Những nhóm người nhập cư thường có cuộc sống khó khăn và vị trí xã hội thấp.

Những người nhập cư thế hệ đầu thường có tâm lí chấp nhận khó khăn và biết ơn xã hội tiếp nhận họ. Nhưng con cái của họ tuy đã trở thành công dân các nước sở tại nhưng lại có những mặc cảm xã hội, có những khó khăn về việc làm, khác biệt về tôn giáo và lối sống. Những người này rất dễ bị cực đoan hóa và nhiều người đã gia nhập hàng ngũ khủng bố. Vấn đề này càng phức tạp thêm với các khác biệt về tôn giáo.

Thế giới sẽ ra sao sau khủng bố đẫm máu ở Paris? ảnh 3

Trẻ em Czech cầu nguyện trước cổng đại sứ quán Pháp ở thủ đô Prague. Ảnh: Reuters.

Bảo vệ cho những giá trị phổ quát của nhân loại

Vụ khủng bố tại Paris để lại những hậu quả nặng nề. Ngoài những người vô tội chết và bị thương thì tất cả đều bị khủng bố về tinh thần. Đó còn là khủng bố hệ giá trị, khủng bố chuẩn mực xã hội!

Nhưng nặng nề hơn là sự việc này thể hiện sự đối đầu bằng bạo lực có chuẩn bị của những kẻ mù quáng, niềm tin cũng như hệ giá trị trái ngược của họ. Nếu như vậy thì sẽ còn phải rất lâu nữa những cảnh như thế này mới có thể chấm dứt. Người ta sẽ còn phải đấu tranh với nó. Rất lâu nữa!

Sự khác biệt về tôn giáo và quan niệm xã hội không thể là lý do bào chữa cho bạo lực. Đây là thời điểm để những người có lương tri đoàn kết, cùng nhau lên tiếng để bảo vệ cho những giá trị phổ quát của nhân loại. 

Theo Trần Bình/Zing

MỚI - NÓNG