Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc

TPO - Biên giới Iran - Iraq động đất kinh hoàng khiến 8.000 người thương vong, quân đội Zimbabwe quản thúc Tổng thống Robert Mugabe, Mỹ - Nhật tập trận chung ở vùng biển Nhật Bản, Trung Quốc cử đặc phái viên đến Triều Tiên... là những tin tức đáng chú ý tuần qua.
Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc ảnh 1

Ngày 12/11, Iran hứng chịu trận động đất kinh hoàng mạnh 7,3 độ richter, với tâm chấn ở độ sâu 25 km, gần biên giới Iraq. Trận động đất khiến ít nhất 530 người thiệt mạng và hơn 7.460 người khác bị thương tại cả hai quốc gia Iraq và Iran. Khoảng 12.000 ngôi nhà đã bị phá hủy và 15.000 ngôi nhà khác bị hư hỏng, khiến 70.000 người rơi vào cảnh vô gia cư. Đây được coi là trận động đất gây thương vong lớn nhất kể từ đầu năm 2017 đến nay. Công tác khắc phục hậu quả và cứu trợ dân thường vẫn đang được gấp rút tiến hành. Ảnh: Reuters

Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc ảnh 2

Ngày 15/11, xuất hiện thông tin quân đội Zimbabwe đã quản thúc Tổng thống Robert Mugabe và phu nhân tại nhà riêng, chỉ một tuần sau khi ông này cách chức Phó Tổng thống Emmerson Mnangagwa. Phát biểu trên kênh truyền hình quốc gia, các nhà lãnh đạo quân đội Zimbabwe tuyên bố họ không lật đổ chính quyền mà chỉ “nhắm tới nhóm tội phạm chung quanh” ông Mugabe, đồng thời khẳng định ông Mugabe và gia đình ông vẫn an toàn. Ngày 17/11, Tổng thống Mugabe xuất hiện công khai tại lễ tốt nghiệp ở trường đại học ở thủ đô Harare, khẳng định ông vẫn là nhà lãnh đạo hợp pháp duy nhất của nước này và sẽ không từ nhiệm. Giới quan sát nhận định, với những động thái vừa qua trên chính trường Zimbabwe, một cuộc chuyển giao quyền lực có thể sẽ diễn ra tại quốc gia miền Nam châu Phi này. Ảnh: Reuters

Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc ảnh 3 Xuất hiện trên sóng trực tiếp hôm 15/11, Tổng thống Mỹ Donald Trump có bài phát biểu dài 20 phút, chủ yếu đề cập đến chuyến công du châu Á kéo dài 12 ngày vừa kết thúc hôm 14/11. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng chuyến đi của mình đã kết nối thế giới trong nỗ lực chống lại chương trình hạt nhân của Triều Tiên, mở đường cho khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương thêm “tự do và rộng mở”, đồng thời nhấn mạnh mối quan hệ thương mại “có đi có lại” với khu vực vành đai Thái Bình Dương. “Thời kì nước Mỹ bị lợi dụng đã chấm dứt”, Tổng thống Trump nhấn mạnh trước các phóng viên trong Phòng ngoại giao tại Nhà Trắng. “Các công dân yêu quý, nước Mỹ đã trở lại, và tương lai chưa bao giờ tươi sáng đến thế.” Ảnh: Washington Post
Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc ảnh 4

Nhật Bản và Mỹ tiến hành tập trận chung từ ngày 16/11 để biểu dương lực lượng trước Triều Tiên, ngay sau khi Tổng thống Donald Trump kết thúc chuyến công du châu Á. Hải quân Mỹ cho biết cuộc tập trận kéo dài 10 ngày với sự tham gia của khoảng 14.000 lính Mỹ, tàu sân bay USS Ronald Reagan và các tàu khu trục USS Stethem, USS Chafee và USS Mustin, sẽ "diễn ra tại vùng biển Okinawa" ở miền nam Nhật Bản. Theo thông báo, cuộc tập trận “được thiết kế nhằm tăng cường khả năng sẵn sàng phòng thủ và phối hợp tác chiến của các lực lượng Mỹ - Nhật thông qua các hoạt động huấn luyện trên không và trên biển”. Ảnh: Asahi Shimbun

Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc ảnh 5

Đặc phái viên Song Tao của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Triều Tiên vào thứ Sáu, 17/11. Trong ngày làm việc đầu tiên, ông Song đã có cuộc gặp tại Bình Nhưỡng với ông Choe Ryong-hae – một quan chức cấp cao của Triều Tiên. Đặc phái viên Song nhấn mạnh lập trường của đảng Cộng sản Trung Quốc về việc phát triển bền vững quan hệ hữu nghị truyền thống giữa hai đảng, hai quốc gia. Cũng tại cuộc gặp, ông Song đã gửi một món quà tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un thông qua ông Choe. Các nguồn tin ngoại giao cho biết chuyến thăm Triều Tiên của ông Song kéo dài bốn ngày, kể từ ngày 17/11. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bày tỏ sự kì vọng về chuyến thăm của đặc phái viên Trung Quốc trên Twitter: “Một động thái quan trọng, chúng ta hãy chờ xem điều gì sẽ xảy ra.” Ảnh: Yonhap

Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc ảnh 6

Thay vì kết thúc vào ngày 30/11, quá trình xét xử các nghi phạm trong vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol, trong đó có Đoàn Thị Hương (Việt Nam) và Siti Aisyah (Indonesia) sẽ kéo dài đến tháng Ba năm 2018. Trong quá trình xét xử, tòa dự kiến sẽ triệu tập 153 nhân chứng. Đến thời điểm hiện tại, thẩm phán mới nghe lời khai của 18 người. Hương, Siti và một số nghi phạm nam khác bị cáo buộc sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol (được cho là Kim Jong-nam) tại sân bay Kuala Lumpur hôm 13/2. Siti Aisyah và Đoàn Thị Hương từng một mực khẳng định mình vô tội vì bị bốn người đàn ông lừa tham gia vụ tấn công nạn nhân Kim Chol. Hai cô gái trẻ cho rằng mình chỉ đang tham gia trò đùa vô hại của một chương trình truyền hình thực tế. Nếu bị tuyên có tội, Đoàn Thị Hương và Siti Aisyah sẽ phải đối mặt với án tử hình. Ảnh: New Straits Times

Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc ảnh 7

Từ ngày 12 đến 14/11, tại Manila (Philippines) diễn ra Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 31 (ASEAN-31) và các hội nghị cấp cao liên quan. Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo đã ký Đồng thuận ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của lao động di cư; thông qua/ghi nhận 55 văn kiện khác thuộc nhiều lĩnh vực (trong đó 23 văn kiện của ASEAN và 32 văn kiện giữa ASEAN và đối tác). Bên cạnh đó, lãnh đạo 10 nước ASEAN và các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản... đã tái khẳng định cam kết chung về duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định khu vực cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp, tôn trọng tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế. Ảnh: Vietnamnet

Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc ảnh 8

Nhà chức trách Nga ngày 16/11 đã phải sơ tán khoảng 200 nhân viên và khách khỏi trụ sở trên phố Mokhovaia sau khi trụ sở tiếp dân của Duma Quốc gia (Hạ viện Nga) nhận cuộc điện thoại nặc danh báo có bom. Ngày 17/11, 20 trường học tại nhiều quận thuộc St. Petersburg đã phải sơ tán sau khi nhận được các cảnh báo đánh bom, đúng vào ngày Tổng thống Nga Vladimir Putin có chuyến thăm tới đây. Người phát ngôn Điện Kremlin, ông Dmitry Peskov cho biết tổng cộng có hơn 60 cuộc gọi nặc danh báo có bom đặt tại 50 vị trí dọc theo tuyến đường di chuyển của đoàn xe chở Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến thăm St. Petersburg. Ông Peskov cho biết đang tiến hành xác minh các cuộc gọi này. Tuy nhiên, thông tin ban đầu cho biết chúng đều xuất phát từ nước ngoài. Ảnh: Reuters

Thế giới tuần qua: Zimbabwe chính biến, Tổng thống Mugabe bị quản thúc ảnh 9

Hoàng tử Vladimir' – tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa chiến lược đầu tiên thuộc lớp Borei-A đã được hạ thủy hôm 17/11, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Tàu ngầm mới hạ thủy sẽ tham gia tất cả các cuộc kiểm tra tại cảng và trên biển trước khi chính thức đi vào hoạt động trong năm 2018. Ngoài "Hoàng tử Vladimir", Nga hiện đang tiếp tục hoàn thiện bốn tàu ngầm hạt nhân lớp Borei-A khác mang tên: "Hoàng tử Oleg", "Generalissimo Suvorov", "Alexander Đại đế III" và "Hoàng tử Pozharsky". Các tàu ngầm lớp Borei-A có khả năng mang theo 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Bulava. Mỗi tên lửa có thể chứa tới 10 đầu đạn hạt nhân có khả năng tấn công mục tiêu một cách độc lập. Tàu dài 170 m, rộng 13,5 m và có lượng giãn nước 24.000 tấn, tốc độ tối đa khi lặn đạt tới 56 km/h. Ảnh: Rubin Design Bureau

MỚI - NÓNG