Thêm lò hạt nhân nổ khí hydro

Thêm lò hạt nhân nổ khí hydro
TP - Sau vụ nổ lò phản ứng số 1 hôm 12-3 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima, lò phản ứng số 3 của nhà máy này phát nổ ngày 14-3, khiến 11 công nhân bị thương. Cùng ngày, Nhật Bản lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh phải cắt điện luân phiên do nhiều nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện ngừng hoạt động.

> Toàn cảnh động đất gây sóng thần tấn công Nhật Bản

Thêm lò hạt nhân nổ khí hydro ảnh 1

Đại diện Cty Điện lực Tokyo (Tepco) cho biết, tiếng nổ ở cách 40km vẫn nghe thấy, phát sinh do lượng khí hydro sinh ra trong quá trình làm lạnh các thanh nhiên liệu tích tụ trong nhiều giờ tác động với oxy trong không khí. Tuy nhiên, lõi lò phản ứng vẫn còn nguyên; vụ nổ không phá vỡ vỏ thép của lò phản ứng nên bụi phóng xạ chưa phát nhiều ra môi trường.

Tại một cuộc họp báo khẩn cấp ngay sau vụ nổ, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cho biết, lúc đầu các chuyên gia định tháo van hơi nước để giảm áp lực trong lò phản ứng nhưng sau đó thấy áp suất trong đường ống hơi nước dẫn ra tuốc bin đã giảm nhiều nên thôi.

Theo số liệu mà ông Edano được Tepco cung cấp, tại khu vực lò phản ứng số 3 sau vụ nổ, lượng phóng xạ đo được là 500 microsivert trong một giờ. Con số của vụ nổ trước đó là 751 microsivert/giờ. Lượng phóng xạ tối đa đo được tại khu vực nhà máy là 1.557,5 micorsivert/giờ hôm 13-3.

Tuy nhiên, theo ông Edano, đề phòng dân chúng bị nhiễm phóng xạ, người dân ở khu vực bán kính 20 km cách nhà máy được khuyến cáo đi sơ tán. Dân chúng trong khu vực được yêu cầu không uống nước trực tiếp từ vòi, không rửa tay chân ở nước bề mặt ngoài trời, không đi ra ngoài, mọi cửa sổ, cửa thông gió phải đóng lại để ngăn bụi phóng xạ tràn vào.

Trường hợp bắt buộc phải ra ngoài nhà, cần mặc quần áo che kín thân thể, không để da tiếp xúc trực tiếp với không khí.

Vụ nổ được các chuyên gia xác định như sau: Các thanh nhiên liệu tuy đã ngừng phản ứng phân hạch nhưng vẫn rất nóng trong khi hệ thống bơm nước biển vào làm mát ngừng hoạt động. Điện lưới bị mất vì động đất, trong khi hệ thống điện diesel dự phòng cũng hỏng khiến nhà máy phải dùng hệ thống dự phòng chạy bằng ắc qui để bơm nước biển để làm mát lò phản ứng. Dung lượng ắc qui có hạn, không thể chạy được lâu khiến hệ thống bơm nước biển ngừng hoạt động.

Tình thế này buộc các chuyên gia phải sử dụng biện pháp tình thế là bơm trực tiếp nước biển vào hệ thống làm mát của lò phản ứng. Nhưng bể nước biển dự trữ để làm mát cũng nhanh chóng cạn kiệt, nước biển không được bơm thêm khiến các thanh nhiên liệu chưa được hạ nhiệt đáng kể.

Khi các thanh nhiên liệu còn nóng cả triệu độ, nước biển bơm trực tiếp vào đã vô tình tạo ra phản ứng giải phóng hydo từ nước. Lượng hydro khi đạt độ đậm đặc nhất định trong môi trường kín với nhiệt độ cao đã tác động với các nguyên tử oxy trong không khí gây nổ.

Trước đó, các chuyên gia Tepco tính đến việc tháo dỡ các bức tường và nóc tòa nhà lò phản ứng số 3 nhằm giảm áp suất khí hydro để tránh nổ. Tuy nhiên, biện pháp này đã không được thực hiện vì quá nguy hiểm.

100.000 quân nhân Nhật Bản đang nỗ lực cứu hộ Ảnh: Reuters
100.000 quân nhân Nhật Bản đang nỗ lực cứu hộ. Ảnh: Reuters.

Tương đương vụ nổ ở Mỹ năm 1975

Nhiều chuyên gia cho rằng, chưa có dấu hiệu về sự tan chảy vỏ lò phản ứng hạt nhân giống như từng xảy ra ở nhà máy điện nguyên tử Chernobyl (Ukraine) năm 1986. Theo các chuyên gia Nhật Bản, cấu trúc lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản khác cấu trúc lò phản ứng ở Chernobyl ở chỗ phần vỏ thép được gia cố vững chắc.

Hơn nữa, bên ngoài lõi của mỗi lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đều được bao kín bằng bê tông hình hộp mỗi bề tường dày 4 m. Chuyên gia về lò phản ứng hạt nhân Hiromi Ogawa cho rằng, ở trường hợp Chernobyl, vỏ lò phản ứng không được kết cấu tốt nên khi vỏ lò bị nung chảy, toàn bộ bụi phóng xạ thoát ra ngoài môi trường xung quanh.

Trong khi đó, tòa nhà chứa lò phản ứng của nhà máy điện hạt nhân Fukushima tuy bị nổ nhưng vỏ thép vững chắc và bức tường bê tông bao quanh không bị phá hủy.

Các chuyên gia Nhật Bản tin rằng, quá trình làm nguội các thanh nhiên liệu đặt trong lõi các lò phản ứng số 1 và số 3 đang được thực hiện có hiệu quả, độ phóng xạ quanh khu vực nhà máy không quá cao. Các chuyên gia đặt mức báo động nguy hiểm của các lò phản ứng hạt nhân tại nhà máy Fukushima ở cấp 4/7 theo chuẩn quốc tế.

Trong khi đó, tại nhà máy điện nguyên tử Chernobyl, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế khi đó đặt mức nguy hiểm ở mức tối đa 7/7. Các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, tình trạng khẩn cấp ở nhà máy Fukushima hiện nay tương đương vụ nổ lò phản ứng hạt nhân ở Mỹ trên đảo Three Mile hồi năm 1975. Khi đó, nhà máy điện nguyên tử của Mỹ phát ra môi trường lượng bụi phóng xạ ở thang 5/7.

Chuyên gia an toàn hạt nhân Nhật Bản cho biết, mức phóng xạ hơn 1.000 microsievert/giờ đo được ở nhà máy điện Fukushima chỉ tương đương mức phóng xạ của một người thường xuyên chụp X quang trong một năm. Để phòng ngừa, chính phủ Nhật Bản đã cử 20 bác sĩ và hộ lý chuyên chữa trị người bị nhiễm phóng xạ tới tỉnh Fukushima để hỗ trợ các bệnh viện địa phương.

Nổ tại lò phản ứng số 3 tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima Ảnh: NTV
Nổ tại lò phản ứng số 3 tại nhà máy điện hạt nhân
Fukushima. Ảnh: NTV.

Cúp điện luân phiên

Tepco cho biết, lần đầu tiên sau chiến tranh, hôm 14-3, phải cắt điện luân phiên ở 9 tỉnh và thành phố do nhiều nhà máy điện ngừng hoạt động vì bị sóng thần và động đất tàn phá.

Tổng giám đốc Tepco, Masataka Shimizu, nói rằng, việc cắt điện luân phiên được thực hiện từ 6 giờ 20 phút sáng đến 10 giờ tối hằng ngày (mỗi nơi bị cúp điện ba tiếng) và kéo dài đến cuối tháng 4. Tuy nhiên, 23 quận của thủ đô Tokyo không bị ảnh hưởng bởi kế hoạch cúp điện luân phiên lần này.

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan đã lên truyền hình kêu gọi dân chúng hợp tác. Ông cho rằng, nếu người dân không tiết giảm mức tiêu thụ điện, khả năng toàn khu vực rộng lớn mất điện lâu dài sẽ xảy ra.

Đ.P
(Theo Japan Times, Kyodo News)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG