Thiếu Lâm Tự lên sàn chứng khoán?

Thiếu Lâm Tự lên sàn chứng khoán?
Ở Trung Quốc, Thiếu Lâm Tự có lẽ là ngôi chùa đạo Phật nổi tiếng nhất. Nó nổi tiếng không chỉ vì võ thuật, mà còn vì không ít người cho rằng Thiếu Lâm Tự đã trở thành một Cty thương mại.
Thiếu Lâm Tự lên sàn chứng khoán? ảnh 1

Trụ trì Thích Vĩnh Tín được chính quyền địa phương tặng ôtô vì đóng góp cho du lịch địa phương. Ảnh: Tân Hoa xã

Trong kỳ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa 11 Trung Quốc vừa qua, trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín, đại biểu dự đại hội, đã cực lực bác bỏ tin đồn Thiếu Lâm Tự sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán (TTCK) Hongkong trong năm nay.

Theo Trịnh Châu nhật báo của tỉnh Hà Nam, trong 19 doanh nghiệp của tỉnh dự định niêm yết trên TTCK trong năm nay có "doanh nghiệp Thiếu Lâm". Nhưng "doanh nghiệp Thiếu Lâm" nêu trên là Tập đoàn du lịch Thiếu Lâm Tung Sơn chứ không phải Thiếu Lâm Tự, và Thiếu Lâm Tự cũng không sở hữu cổ phiếu của Cty đó.

Tập đoàn du lịch Thiếu Lâm Tung Sơn là Cty được lập ra để quản lý và kinh doanh khu du lịch Tung Sơn, gồm cả Thiếu Lâm Tự. Cty này sẽ quản lý Thiếu Lâm Tự theo cách quản lý doanh nghiệp. Mặc dù doanh thu bán vé của Thiếu Lâm Tự không gộp vào doanh thu của Tập đoàn du lịch Thiếu Lâm Tung Sơn, nhưng Tân Kinh báo cho rằng Cty đó và Thiếu Lâm Tự có cùng một "người mẹ” nên khó mà tách chúng ra về mặt tài chính.

Ngay sau khi có tin đồn về Thiếu Lâm Tự sẽ niêm yết trên TTCK, dư luận đã phản ứng kịch liệt. Có người cho rằng Thiếu Lâm Tự không còn là thánh địa đạo Phật nữa. Thật ra những lời phê bình và nghi ngờ đối với Thiếu Lâm Tự đã tồn tại từ lâu. Có người phê bình rằng hiện nay Thiếu Lâm Tự quá tập trung vào việc kiếm tiền.

Cây nhang giá 12 triệu đồng

Các hãng tin Trung Quốc cho biết khi tiếp xúc với người nước ngoài, trụ trì Thích Vĩnh Tín thường xưng là CEO (Giám đốc điều hành) của Thiếu Lâm Tự. Dù thầy Thích Vĩnh Tín giải thích mình là CEO chỉ để tạo thuận lợi trong việc giao lưu với người nước ngoài vì rất khó giải thích cho họ hiểu được từ "trụ trì” có nghĩa là gì, nhưng vẫn khó xóa tan được nỗi nghi ngờ của người dân Trung Quốc đối với sự thương mại hóa của Thiếu Lâm Tự.

Tân Hoa xã từng đưa lại câu chuyện của du khách Mãn tại Thiếu Lâm Tự. Du khách này kể khi đi tham quan Thiếu Lâm Tự, 3 nhà sư ở trước điện Đại Hùng mời ông ký tên vào một quyển sổ. Ký xong, nhà sư cho biết khách nào ký tên vào sổ đều sẽ được trụ trì Thích Vĩnh Tín tụng kinh ban phúc. Sau đó họ cho ông Mãn Dã chọn một cây nhang để thắp.

Du khách thường chọn cây nhang vừa to vừa đẹp, chỉ đến khi các nhà sư đưa nhang đến tay khách, họ mới cho biết cây nhang này giá 6.000 tệ (12 triệu VND). Du khách Mãn Dã cho rằng việc ký tên vào sổ là một cái bẫy.

Theo Tân Hoa xã, tại Thiếu Lâm Tự, nhiều hướng dẫn viên du lịch thuyết phục khách là chỉ ở điện Đại Hùng người ta mới được thắp loại nhang "Hoàng" để được phù hộ ba đời.

Do vậy không ít du khách tìm đến tận điện Đại Hùng để mua cho bằng được loại nhang này mà thắp, dù giá cả đủ làm người ta cay mắt: loại rẻ nhất là 400 tệ (800.000 VND) còn loại mắc nhất là... 100.000 tệ (200 triệu VND).

Cuối năm 2006, một chuyện khác về Thiếu Lâm Tự làm không ít người bị sốc. Theo Đại Hà báo của tỉnh Hà Nam, tháng 11/2006 Cty viễn thông China Unicom tổ chức một lễ quyên tiền từ thiện. Trong cuộc quyên góp, Cty đó đã bán đấu giá 10 số điện thoại di động được trụ trì Thiếu Lâm Tự Thích Vĩnh Tín ban phúc.

10 số may mắn này được bán với giá tổng cộng tới 321.500 tệ (650 triệu VND). Trong đó số điện thoại mắc nhất là 81.000 tệ (162 triệu VND). Những người mua số trong cuộc bán đấu giá này còn được cấp "giấy chứng nhận công đức". Số tiền bán số được tặng cho trại trẻ mồ côi của Thiếu Lâm Tự.

Dù là việc từ thiện nhưng chuyện này đã gây nhiều tranh luận trong xã hội. Có người nghi ngờ việc ban phúc cho số điện thoại chỉ là chuyện mê tín và Thiếu Lâm Tự, chùa đạo Phật, chẳng nên làm việc này. Còn những người ủng hộ Thiếu Lâm Tự phản biện: miễn là có thể kiếm được tiền làm từ thiện và không gây thiệt hại cho ai thì cũng chấp nhận được.

Theo Chúc Xin
Tuổi trẻ

MỚI - NÓNG