Thổ Nhĩ Kỳ: Chiến dịch thanh trừng mở rộng sang ngành giáo dục

Gần 8.800 cảnh sát bị sa thải, gần 6.000 binh lính, 2.700 thẩm phán và công tố viên, hàng chục thống đốc và hơn 100 vị tướng bị bắt.
Gần 8.800 cảnh sát bị sa thải, gần 6.000 binh lính, 2.700 thẩm phán và công tố viên, hàng chục thống đốc và hơn 100 vị tướng bị bắt.
TP - Sau vụ đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, chiến dịch trừng phạt vẫn chưa dừng lại. Hơn 1.500 hiệu trưởng đại học vừa nhận được yêu cầu từ chức, 257 nhân viên văn phòng thủ tướng bị sa thải. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sớm đề nghị Mỹ dẫn độ một giáo sĩ mà họ coi là chủ mưu vụ đảo chính.

Tính đến hôm qua, 35.000 công chức bị ảnh hưởng bởi chiến dịch trừng phạt. Phát ngôn viên của chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, chiến dịch thanh lọc này đang được thực hiện theo nguyên tắc pháp quyền. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã sa thải hơn 15.000 nhân viên trong ngành giáo dục, 257 cán bộ trong văn phòng thủ tướng và 492 giáo sĩ trong Ban phụ trách các vấn đề tôn giáo… Trước đó, gần 8.800 cảnh sát bị sa thải, gần 6.000 binh lính, 2.700 thẩm phán và công tố viên, hàng chục thống đốc và hơn 100 vị tướng bị bắt. Khoảng 20 trang tin chỉ trích chính phủ cũng bị chặn. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng, họ đang thực hiện một chiến dịch an ninh hợp pháp để bảo vệ chính phủ sau cuộc đảo chính thất bại nhằm lật đổ Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết họ đang chuẩn bị hồ sơ để đề nghị Mỹ dẫn độ giáo sĩ Fethullah Gulen - người bị cáo buộc là đạo diễn vụ đảo chính. Thư ký báo chí Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, hồ sơ đó sẽ được đánh giá xem có đáp ứng được yêu cầu dẫn độ chính thức đối với ông Gulen hay không. Giáo sĩ này đang sống lưu vong ở bang Pennsylvania. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Erdogan thảo luận về địa vị của ông Gulen trong cuộc điện đàm hôm 19/7, ông Earnest cho biết. Tổng thống Mỹ cam kết sẽ hỗ trợ, nhưng cũng thúc giục ông Erdogan thực hiện đúng quy trình để bắt những người gây ra cuộc đảo chính chịu trách nhiệm, CNN đưa tin.

Tuy nhiên, trong lúc này, quy mô các vụ bắt giữ và sa thải khiến nhiều người quan ngại ông Erdogan đang tận dụng tình hình này để xử lý bất kỳ ai bị coi là có khả năng gây đe dọa cho chính phủ, dù họ có tham gia cuộc đảo chính vừa qua hay không. Hai tổ chức nhân quyền hàng đầu thế giới vừa lên tiếng cùng các nhà lãnh đạo quốc tế kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ tuân thủ nguyên tắc pháp quyền khi xử lý thủ phạm đảo chính, báo Anh The Guardian đưa tin. Đáp lại, phát ngôn viên của Tổng thống Erdogan, ông Ibrahim Kalin, nói rằng, họ bắt người đúng luật. “Không có gì bất thường hay đáng ngạc nhiên khi vài nghìn người sẽ bị bắt”, ông Kalin nói.

Ông Kalin xác nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ đang chuẩn bị bằng chứng gửi sang Mỹ để yêu cầu dẫn độ ông Gulen. Sau khi bị bắt, một số tướng lĩnh thừa nhận có liên hệ với phong trào bất đồng chính kiến của giáo sĩ Gulen. Ông Kalin nói rằng, ông không thấy có lý do nào Mỹ sẽ từ chối đề nghị dẫn độ.

Theo Theo CNN, Guardian, BBC
MỚI - NÓNG